Trăn trở với đề tài chiến tranh cách mạng

.

Trong nửa đầu thế kỷ 20, dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã kiên cường đứng lên đập tan ách đô hộ của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Do đó, chiến tranh cách mạng luôn là đề tài được báo chí, xuất bản coi trọng. Tuy nhiên, chiến tranh xảy ra đã khá lâu, nhân chứng dần mai một, để có một tác phẩm báo chí đủ sức lan tỏa, lay động trái tim người đọc đòi hỏi người viết phải thực sự dụng công.

Những trang giấy ghi lại hoạt động, công tác của nguyên Bí thư Thị ủy Tam Kỳ - Trần Chí Thành trong thời kỳ chống Mỹ. Ảnh: NGUYỄN SỸ LONG
Những trang giấy ghi lại hoạt động, công tác của nguyên Bí thư Thị ủy Tam Kỳ - Trần Chí Thành trong thời kỳ chống Mỹ. Ảnh: NGUYỄN SỸ LONG

Là một cộng tác viên khá thường xuyên của các báo: Đà Nẵng, Công an Đà Nẵng, Quân đội nhân dân, Quảng Nam…, tôi luôn quan niệm nhân chứng lịch sử như một kho tư liệu. Mỗi lần gặp nhân chứng, tôi không dừng lại ở chủ đề dự định khai thác mà “kiếm được gì là cứ kiếm”, mang về tất tần tật những thứ mình cảm thấy có ích, không dùng được lúc này thì lúc khác.

Còn nhớ năm 2013, tôi được nhà báo Chung Anh (Báo Đà Nẵng) đặt bài nhân dịp kỷ niệm 10 năm Chương trình chữa tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo của Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng.

Anh giới thiệu tôi đến gặp Phó Chủ tịch Hội kiêm Chủ nhiệm chương trình chữa tim bẩm sinh Trần Chí Thành (nguyên Giám đốc Sở LĐ-TB và XH thành phố Đà Nẵng). Trước khi lên đường, qua tìm hiểu, tôi được biết ông Thành vốn là Bí thư Thị ủy Tam Kỳ, Đội trưởng Đội công tác khu tỉnh đường trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (năm 2015, ông Thành được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân).

Do đó, sau những câu chuyện về chương trình chữa tim bẩm sinh, tôi tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của ông. Không ngờ, lần tác nghiệp ấy tôi “gặt hái” được kha khá. Từ những tư liệu nhân vật cung cấp, tôi đã viết 2 bài cho đặc san kỷ niệm 10 năm chương trình chữa tim bẩm sinh do Báo Đà Nẵng xuất bản; 3 kỳ báo Quảng Nam (vệt bài Anh Bảy Thành); 2 bài cho nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng (Báo Quân đội nhân dân) và bài “Người “neo” những trái tim” (dự thi Những tấm gương bình dị và cao quý của Báo Quân đội nhân dân).

Qua đây tôi nhận thấy, mỗi lần gặp được nhân chứng sẵn sàng dành cho mình quỹ thời gian ít ỏi của họ, người viết nên tranh thủ khai thác triệt để những tư liệu nhân chứng cung cấp. Có người năm nay còn khỏe, sang năm đến dịp kỷ niệm ngày lễ lớn của dân tộc, đất nước… thì đã suy giảm trí nhớ, thậm chí đã mất.

Do đó, đối với những nhân chứng quan trọng tuổi cao sức yếu, nhà báo đi phỏng vấn cần tranh thủ thời gian, phải xem họ như “kho tư liệu” để nhặt nhạnh thông tin đem về. Song khi viết về đề tài chiến tranh cách mạng, người viết cũng nên cẩn trọng xác minh thông tin.

Vì sự kiện xảy ra đã khá lâu, trí nhớ của nhân chứng có phần giảm sút nên không thể chính xác tuyệt đối, do đó cần phải đối chiếu thêm những công trình lịch sử đã xuất bản. Một điều cần lưu ý, viết về lịch sử có thể viết thiếu (có điều kiện bổ sung sau) chứ tuyệt đối không được viết sai, suy diễn theo ý chủ quan.

Hiện nay, có hiện tượng khi viết về một nhân vật, tác giả đã “tô hồng” thành tích của nhân vật thông qua lời kể của nhân chứng, do đó khi bài báo ra đời bị nhiều phản ứng trái chiều. Mặt khác, trong biên tập cũng như khi viết bài, “phương pháp chuyên gia” luôn đóng vai trò quan trọng.

Nhà báo cũng nên có những chuyên gia trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, lịch sử, pháp luật… để khi cần có thể nhờ tư vấn. Bởi vì cuộc sống là vô hạn, hiểu biết của con người thì hữu hạn, không ai có thể giỏi trên tất cả các lĩnh vực.

Tôi nhớ một lần, khi viết bài nhân dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Nam, một nhân chứng đã cung cấp thông tin là trước giờ nổ súng đánh chiếm tỉnh đường Quảng Tín, một tiểu đoàn của Trung đoàn 1 (Trung đoàn Ba Gia) đã được cơ sở dẫn đường vào tập kết phía sau tỉnh đường.

Trước thông tin này, tôi phân vân nên kiểm tra lại cuốn lịch sử của đơn vị không thấy có chi tiết đó, đồng thời gọi điện cho một bác cựu chiến binh vốn là cán bộ trung đoàn, ông cũng bảo là không rõ lắm. Vì vậy, sau khi cân nhắc, tôi quyết định không đưa chi tiết đó vào bài viết vì nguồn tin chưa được kiểm chứng.

Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, viết lại chuyện nghề với tư cách một cộng tác viên chuyên viết về đề tài chiến tranh cách mạng, tôi nghĩ rằng khi tác nghiệp theo chuyên đề, chúng ta cần thu thập thật nhiều thông tin, hình ảnh cần thiết (bỏ qua những chi tiết vụn vặt).

Tư liệu đã có trong máy tính, nghĩa là “nguyên liệu đã nhập vào kho”. Căn cứ theo yêu cầu của tòa soạn hay sự kiện chính trị, xã hội có liên quan, khi cần phóng viên có thể xuất ra “chế biến” hoặc bổ sung cho bài viết.

NGUYỄN VĨNH NHÂN

;
.
.
.
.
.
.