Giám sát việc thực hiện lời hứa của đại biểu dân cử

.

Ðại biểu Quốc hội, đại biểu HÐND các cấp (gọi chung là đại biểu dân cử-ĐBDC) phải chịu sự giám sát của của Ủy ban MTTQ Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Thực hiện chức năng này, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và các tổ chức chính trị-xã hội đã xây dựng Đề án giám sát hoạt động của ĐBDC trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2017-2021.

Qua hơn 1 năm thực hiện đề án, kết quả cho thấy đây là một trong những thế mạnh trong công tác tham gia xây dựng chính quyền của Mặt trận và của các tổ chức chính trị-xã hội các cấp.

Đại biểu cơ quan dân cử phải chịu sự giám sát của Mặt trận, đoàn thể chính trị-xã hội và cử tri theo quy định pháp luật. TRONG ẢNH: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa (trái) tiếp xúc cử tri quận Thanh Khê sau kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XIV.  				                          Ảnh: S.TRUNG
Đại biểu cơ quan dân cử phải chịu sự giám sát của Mặt trận, đoàn thể chính trị-xã hội và cử tri theo quy định pháp luật. TRONG ẢNH: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa (trái) tiếp xúc cử tri quận Thanh Khê sau kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XIV. Ảnh: S.TRUNG

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 7 đại biểu Quốc hội; 48 đại biểu HĐND thành phố; 246 đại biểu HĐND quận, huyện và 1.529 đại biểu HĐND phường, xã. Năm 2017 là năm đầu tiên Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức triển khai thực hiện đề án khá bài bản.

Mặt trận thành phố đã chọn 3 quận  (Thanh Khê, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn) và 3 phường (Phước Mỹ, quận Sơn Trà; Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu và Hải Châu 1, quận Hải Châu) để thực hiện thí điểm. Hơn 1.800 cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội từ cấp thành phố đến khu dân cư đã được tập huấn về công tác này. Mặt trận các cấp phân công cán bộ đôn đốc thực hiện ở cơ sở; kiểm tra định kỳ và sơ kết đánh giá kết quả thực hiện triển khai thí điểm một cách nghiêm túc.

Hoạt động giám sát ĐBDC trên địa bàn thành phố tập trung vào 5 nội dung chính: Hoạt động tiếp xúc cử tri; giải quyết kiến nghị của cử tri; mối quan hệ gắn bó với cử tri; hoạt động tại các kỳ họp và tham gia xây dựng văn bản.

Qua triển khai thực hiện đề án, Mặt trận thành phố có những kiến nghị cụ thể. Theo đó, đối với Quốc hội, cần sớm ban hành văn bản thay thế Nghị quyết liên tịch 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc tiếp xúc cử tri nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn công tác tiếp xúc cử tri hiện nay.

Để cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội đạt chất lượng, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố nên công khai trước các nội dung báo cáo để cử tri nghiên cứu. Hình thức công khai có thể trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc gửi bằng văn bản về cho Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện để thông tin rộng rãi cho cử tri. Theo quy định, các đại biểu Quốc hội phải gửi báo cáo hoạt động của mình về Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố định kỳ 6 tháng, năm.

Đối với HĐND và UBND thành phố, Mặt trận thành phố đề nghị Thường trực HĐND, UBND thành phố tiếp tục quán triệt đến các tổ đại biểu HĐND thành phố về Đề án giám sát ĐBDC giai đoạn 2017-2021 của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố để các đại biểu phát huy tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân; triển khai các hình thức giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Liên tịch 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN đến HĐND và UBND quận, huyện, phường, xã.

Mặt trận thành phố đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các ngành chức năng trả lời, giải quyết dứt điểm các ý kiến của cử tri tại các kỳ họp trước và khóa trước, tránh để cử tri kiến nghị kéo dài nhưng vẫn chưa giải quyết; cần ưu tiên giải quyết các ý kiến kéo dài và bức xúc nhiều năm của cử tri, đồng thời phân công các vị lãnh đạo có vai trò dự các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố để đáp ứng được yêu cầu về giải trình đối với vấn đề cử tri nêu.

Mặt trận thành phố đề nghị Thường trực HĐND thành phố yêu cầu các đại biểu HĐND thành phố phải tham dự nghiêm túc các kỳ họp, các buổi tiếp xúc cử tri, nhất là tiếp xúc cử tri sau kỳ họp HĐND các cấp; báo cáo rõ lý do vắng mặt.

Cứ mỗi 6 tháng, đại biểu HĐND các cấp phải gửi báo cáo về Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp kết quả thực hiện chương trình hành động đã hứa với cử tri, gửi cho Mặt trận cơ sở và cử tri nơi ứng cử. Các ĐBDC phải thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với địa phương nơi ứng cử, nắm bắt thực tế ở cơ sở và tâm tư, nguyện vọng của cử tri; kịp thời phản ánh những vấn đề bức xúc, nổi cộm, các vụ việc còn tồn đọng chưa được giải quyết; theo đuổi đến cùng các ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết thấu đáo.

Phát huy kết quả thực hiện của năm 2017, năm 2018, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tiếp tục triển khai thực hiện Đề án giám sát hoạt động ĐBDC ở tất cả 7 quận, huyện, 56 phường, xã và đặt quyết tâm kết quả giám sát sẽ đạt hiệu quả tốt, đáp ứng yêu cầu của cử tri thành phố.

NGUYỄN ĐĂNG HẢI

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố

;
.
.
.
.
.
.