KỲ HỌP THỨ 7 HĐND THÀNH PHỐ KHÓA IX

Kiểm soát quy hoạch đô thị, giảm ô nhiễm môi trường

.

Ngày 11-7, kỳ họp thứ 7 của HĐND thành phố tiến hành phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn dưới sự điều hành của Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung.

Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ.

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung (bên trái) phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Q.KHẢI
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung (bên trái) phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Q.KHẢI

Kiên quyết xử lý các sai phạm về trật tự đô thị, xây dựng

Liên quan đến phản ánh của các đại biểu (ĐB) về nhiều dự án vi phạm trật tự xây dựng và đô thị, Giám đốc Sở Xây dựng Vũ Quang Hùng cho biết, thời gian qua, Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện kiểm tra hơn 5.000 lượt công trình xây dựng trên địa bàn và xử lý 212 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, tháo dỡ 53 công trình vi phạm.

Trong đó có những công trình lớn buộc phải đập bỏ, tháo dỡ như công trình khách sạn Eden phải tháo dỡ hơn 100 căn phòng, dự án khu biệt thự The Song phải tự tháo dỡ biệt thự trị giá hơn 30 tỷ đồng. “Hiện UBND thành phố có văn bản ra thời hạn đến ngày 20-8 sẽ tiến hành tháo dỡ đối với các vi phạm xây dựng sai phép tại dự án Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà”, ông Vũ Quang Hùng cho biết.

Nhìn nhận từ vụ việc xây dựng sai phép tại tổ hợp khách sạn Mường Thanh, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung nhấn mạnh nếu không làm nghiêm sẽ gánh hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

“Qua đây cũng tuyên truyền đến các nhà đầu tư phải chấp hành nghiêm pháp luật, các nhà đầu tư nếu có sai phạm phải tự tháo dỡ. Chính quyền thành phố sẽ nghiêm túc trong vấn đề này, không có trường hợp nào đứng trên pháp luật”, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung khẳng định.

Về tiến độ mở lối xuống biển ở khu vực cuối đường Hồ Xuân Hương và lối xuống biển ở Trung tâm hội nghị Ariyana, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết đã tham mưu UBND thành phố xây dựng quy hoạch và sẽ triển khai thi công trong năm nay.

Cùng với đó, UBND quận Ngũ Hành Sơn sẽ công khai 2 lối xuống biển khác và triển khai các bước chuẩn bị xây dựng. “Thu hồi đất là công tác khó khăn, cần làm việc với doanh nghiệp để tạo sự đồng thuận. Việc mở các lối xuống biển cần phải làm ngay trong năm 2018”, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung nhấn mạnh.  

Trả lời vấn đề thiếu nước sinh hoạt, ông Vũ Quang Hùng cho biết, so với năm 2017, tình trạng thiếu nước cục bộ đã giảm đáng kể. Sở Xây dựng cũng rà soát toàn bộ hệ thống cấp nước, trên toàn thành phố gần như không còn tình trạng thiếu nước.

Ngoài ra, để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, các nhà máy nước đã nâng công suất tăng từ 210.000m3 đến 290.000m3, vận hành tối đa công suất, đồng thời quản lý chặt chẽ tài nguyên nước ngầm. Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung cho rằng, trước tình hình biến đổi khí hậu, vấn đề nguồn nước rất cấp bách, đề nghị đẩy nhanh tiến độ, rà soát để trả lời trong kỳ họp HĐND cuối năm.

ĐB Phan Thị Tuyết Nhung, Phó phòng Tổng hợp Văn phòng HĐND thành phố nêu tình trạng thiếu đất, nhất là quỹ đất cho giáo dục, bãi đỗ xe, cây xanh. Ông Vũ Quang Hùng cho biết, thời gian tới, Sở Xây dựng chú trọng lồng ghép quy hoạch ngành vào quy hoạch chung.

“Tính đến tháng 6-2018, diện tích bình quân cây xanh trên đầu người là 7,46m2/người, so với mục tiêu của thành phố môi trường là từ 6 đến 8m2 thì số liệu này đã đạt chỉ tiêu. Dự kiến đến năm 2020, diện tích bình quân cây xanh trên đầu người của thành phố là từ 10 đến 12 m2/ người”, ông Vũ Quang Hùng nói.

Đại biểu Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố nêu câu hỏi chất vấn.  Ảnh: Q.KHẢI
Đại biểu Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố nêu câu hỏi chất vấn. Ảnh: Q.KHẢI

Thay thế bãi rác Khánh Sơn là yêu cầu bức thiết

Giám đốc Sở TN-MT Lê Quang Nam nhận 13 câu hỏi chất vấn của các đại biểu HĐND thành phố tập trung chủ yếu vào vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường (ÔNMT) và xây dựng Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn (XLCTR) mới thay thế bãi rác Khánh Sơn.

Trả lời câu hỏi của ĐB Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố về tại sao gọi bãi rác Khánh Sơn là khu chôn lấp rác hợp vệ sinh nhưng lại gây ÔNMT trong nhiều năm qua, ông Lê Quang Nam cho biết: Đó là do Công ty CP Môi trường đô thị vận hành bãi rác này không đúng quy trình. Rác đổ xuống không được phủ bạt ngay nên gây mùi hôi.

Bên cạnh đó, công nghệ xử lý của Công ty TNHH Quốc Việt thực hiện xử lý nước rỉ rác không đạt tiêu chuẩn khi thải ra môi trường nên gây ô nhiễm sông Phú Lộc. Để thay thế bãi rác Khánh Sơn, hiện nay thành phố phối hợp Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB - đơn vị tư vấn) xúc tiến dự án Khu liên hiệp XLCTR thay thế bãi rác Khánh Sơn, dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng trong năm 2022.

Tuy nhiên đến năm 2020, bãi rác Khánh Sơn sẽ đầy và buộc phải đóng cửa. Trong thời gian thi công Khu liên hiệp XLCTR thay thế, Sở TN-MT tham mưu UBND thành phố mở thêm hộc chôn rác thứ 6 tại bãi rác Khánh Sơn để chôn lấp rác.

Về vấn đề này, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung cho rằng, thay thế bãi rác Khánh Sơn là yêu cầu bức thiết, đề nghị Sở TN-MT phải bảo đảm có chỗ chôn lấp rác từ nay đến năm 2022 trước khi Khu liên hiệp XLCTR hoàn thành đưa vào sử dụng.

Trả lời câu hỏi về tình trạng ÔNMT do hoạt động của Khu công nghiệp Liên Chiểu, ông Lê Quang Nam thừa nhận đây là câu chuyện dài. Sở TN-MT đã tham mưu UBND thành phố có phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của 12 doanh nghiệp bảo đảm cách li 50m và trồng cây xanh trong vùng đệm.

Tại phiên chất vấn, ông Lê Quang Nam báo cáo tiến độ thực hiện chủ trương của Thành ủy về di dời 2 nhà máy thép Dana-Ý, Dana-Úc, đồng thời lập 2 đoàn thanh tra toàn diện hoạt động của 2 nhà máy này và sẽ có kết luận trong tháng 8-2018.

 Trả lời về giải pháp giảm ùn tắc giao thông, Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Trung cho biết, sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch chống ùn tắc từ nay đến năm 2020, cụ thể là rà soát điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải, cải tạo các khu vực trọng điểm, ưu tiên xây dựng các bãi đỗ xe tập trung, triển khai 6 tuyến xe buýt trợ giá, điều chỉnh một số nút tín hiệu giao thông trên địa bàn.

Đối với một số điểm nóng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường Trần Phú, Bạch Đằng, Sở GTVT cũng đề xuất UBND thành phố triển khai phương án phân luồng giao thông phía tây cầu Rồng và phía tây cầu Trần Thị Lý, đề nghị cho phép nghiên cứu chủ trương và thống nhất triển khai.

Đối với phương án bảo đảm giao thông các tuyến đường ven biển, Sở GTVT đang phối hợp đơn vị tư vấn, tiến hành hoàn chỉnh các phương án để báo cáo lãnh đạo thành phố cho chủ trương trong tháng 7.

Quy hoạch hạ tầng cần đồng bộ, lâu dài

Trong phiên thảo luận, ĐB Võ Văn Thương, Bí thư Quận ủy Hải Châu cho rằng, công tác quy hoạch phát triển đô thị của thành phố đạt được những kết quả đáng ghi nhận, diện mạo đô thị của thành phố hiện đại.

Tuy nhiên, muốn làm tốt công tác quy hoạch cần có cơ chế kiểm soát quyền lực trong thực thi quy hoạch. “Hiệu quả trong quy hoạch là phải tính đến lâu dài, lâu đời, chứ không phải quy hoạch theo kiểu nhất thời”, ông Thương nói.  

Liên quan đến công tác quy hoạch hạ tầng giao thông, ĐB Tô Văn Hùng, Trưởng ban đô thị HĐND thành phố cho biết, hệ thống giao thông ở Đà Nẵng chủ yếu là giao thông đường bộ. Toàn thành phố có 918km đường; 2.700 nút giao thông; tốc độ di chuyển giờ cao điểm dưới 17km/giờ; có 14 tuyến xe buýt, chỉ đáp ứng 2% nhu cầu đi lại; bãi đỗ xe chỉ đáp ứng 2,6% yêu cầu. Trong khi đó, tốc độ tăng ô-tô trung bình mỗi năm trên 11%, xe máy trên 7%.

Dự kiến đến năm 2020, thành phố có khoảng 120.000 ô-tô; 1,2 triệu phương tiện cá nhân. Nếu thành phố không có giải pháp đột phá thì chỉ 5 đến 10 năm nữa sẽ phải đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ và không có cơ hội để “giải cứu” tình trạng này.

Theo ĐB Tô Văn Hùng, hiện diện tích đất xây dựng đô thị của thành phố là 17.500ha, đủ sức chứa cho một đô thị có quy mô dân số khoảng 1,3 triệu dân. Do vậy, thành phố không thiếu đất để phát triển đô thị, hệ thống giao thông, bãi đỗ xe, điều quan trọng là phải tính toán hợp lý việc sử dụng đất.

Để giải quyết bài toán này, ĐB Tô Văn Hùng đề nghị thành phố ưu tiên dành quỹ đất cho hạ tầng giao thông. “Cần xây dựng đề án phân bổ dân cư, cơ chế, chính sách phát triển giao thông công cộng; tăng cường áp dụng hạn chế phương tiện giao thông cá nhân cũng như cơ chế giám sát chặt chẽ việc xây dựng nhà cao tầng tại khu vực trung tâm thành phố”, ĐB Tô Văn Hùng đề xuất.

Theo ĐB Võ Văn Thương, để khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng thì cần tăng mức độ phủ khắp của xe buýt, xây dựng các bãi đậu xe và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động.

Về vấn đề này, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung đề nghị Sở Giao thông vận tải tham khảo ý kiến người dân về mức độ hài lòng khi sử dụng xe buýt để có sự điều chỉnh các bất cập; đồng thời, kiên quyết chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè và nghiên cứu quy hoạch, đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe.

Cải cách hành chính có dấu hiệu chững lại

Nhiều ĐB trăn trở về vấn đề cải cách hành chính (CCHC). Theo ĐB Huỳnh Bá Thành, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố; bên cạnh những cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm thì vẫn còn một số người gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức, công dân, nhất là trong lĩnh vực giải tỏa, đền bù.

Công tác phối hợp giữa một số sở, ngành trong giải quyết hồ sơ, công việc chưa thật sự đồng bộ, còn để xảy ra chậm trễ; vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Trong khi đó, ĐB Huỳnh Bá Cử, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố bày tỏ lo lắng khi năm 2017, chỉ số CCHC của thành phố tụt hạng, từ vị trí dẫn đầu cả nước xuống xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh rơi vào nhóm trung bình cao.

“Điều đó cho thấy, kết quả đạt được trong công tác CCHC thời gian qua chững lại, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập; đặc biệt, chưa kiểm soát chặt chẽ thủ tục ngoài thủ tục hành chính được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông”, ĐB Huỳnh Bá Cử nhận định.

Về vấn đề này, ĐB Huỳnh Minh Chức, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố đề nghị chính quyền thành phố tìm hiểu nguyên nhân của việc sụt giảm các chỉ số liên quan đến CCHC và có các giải pháp chấn chỉnh kịp thời.

“Công tác CCHC cốt lõi nhất vẫn là yếu tố con người. Tuy nhiên, vẫn còn một số cán bộ chưa thật sự tâm huyết trong việc phục vụ nhân dân, sợ trách nhiệm. Cử tri mong chính quyền xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị làm trái các quy định của pháp luật, gây khó khăn, trở ngại cho công dân”, ĐB Chức kiến nghị.

Phản ánh tình trạng văn bản khi xử lý còn đi lòng vòng, kéo dài thời gian khiến người dân, doanh nghiệp chờ đợi, ĐB Huỳnh Bá Cử đề xuất cần có chế tài mạnh để xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo điều hành, kiểm tra đôn đốc các cơ quan thuộc quyền chậm xử lý các văn bản, nhất là các chỉ đạo, thông báo kết luận của Thường trực HĐND và UBND thành phố.

Khắc phục bất cập để xây dựng đô thị bền vững

Kết thúc phiên thảo luận, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung đề nghị UBND thành phố đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghệ cao; tập trung nguồn lực triển khai thực hiện hiệu quả công tác chống thất thu thuế và bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách; đẩy nhanh thực hiện các dự án về môi trường; phát huy hiệu quả các vịnh đậu xe đã đầu tư; tập trung chỉ đạo giám sát kế hoạch thực hiện Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn, kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố.

Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung đánh giá cao các đại biểu hỏi đúng trọng tâm, các giám đốc sở trả lời đúng yêu cầu. Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung lưu ý bất cập trong quy hoạch và phải khắc phục sớm để có một đô thị phát triển bền vững; cần sớm rà soát quỹ đất cho giáo dục, cho cây xanh.

Trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung, phải chú trọng quy hoạch ngành, áp dụng các mô hình phù hợp nhằm bảo đảm hiệu quả sử dụng đất đai.

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung đề nghị xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động xây dựng và kiên quyết không để xảy ra tình trạng phạt cho tồn tại, kiên quyết không nghiệm thu đưa vào sử dụng các công trình sai phép. Sở Xây dựng cần tạo thuận lợi nhất để giúp cử tri nắm bắt được các quy định hiện hành về Luật Xây dựng.

“Cử tri khi mua bán căn hộ phải nghiên cứu căn hộ đó được xây dựng đúng quy định pháp luật. Đây là vấn đề quyền lợi của mình. Không nên mua những căn hộ không bảo đảm thủ tục theo quy định pháp luật rồi đẩy áp lực về phía chính quyền, hình thành điểm nóng cho thành phố. Đây là vấn đề dân sự, cử tri nên kiện ra tòa”, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung lưu ý.

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung đề nghị cần tận dụng những cơ sở sẵn có để phục vụ sinh hoạt cộng đồng, chỉ bố trí xây dựng những nơi còn quỹ đất và thực sự cần thiết.

Đồng thời, đề nghị tập trung đánh giá việc tăng cường phát triển các phương tiện vận tải công cộng, kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân theo lộ trình của thành phố. UBND thành phố sớm chỉ đạo tổng kết 10 năm xây dựng thành phố môi trường.

Huyện Hòa Vang thiếu 3.000 lô đất tái định cư

Liên quan đến công tác giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư (TĐC), ĐB Trần Văn Trường, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang thông tin, trên địa bàn huyện Hòa Vang có 250 dự án đang triển khai. Việc triển khai thu hồi đất ở Hòa Vang đã lên đến 43.000ha, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của gần 5.000 hộ dân.

ĐB Trần Văn Trường cho biết, huyện Hòa Vang đang cần hơn 6.200 lô đất để bố trí cho các hộ dân bị giải tỏa, trong khi đó đất thực tế để bố trí TĐC mới có khoảng 3.100 lô đất, còn thiếu khoảng 3.000 lô đất TĐC để bố trí cho người dân.

Vì vậy, đề nghị thành phố cần phân bổ đất TĐC hợp lý và có cơ chế điều tiết cho phép bố trí đất TĐC cho một số hộ dân trên địa bàn huyện Hòa Vang về những khu vực đang thừa đất TĐC trên địa bàn thành phố. (TRỌNG HÙNG)

316 cán bộ phù hợp để động viên thôi việc

Thảo luận nội dung Tờ trình số 5171/TTr-UBND của UBND thành phố về đề nghị ban hành nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ xin thôi làm nhiệm vụ và công chức, viên chức (CCVC) lãnh đạo, quản lý tự nguyện thôi việc, ĐB Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, Sở Nội vụ đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi và tiến hành rà soát đối tượng xem xét, tính toán để động viên.

Theo đó, khối Đảng có 69 người, khối chính quyền có 178 người, khối đơn vị sự nghiệp có 69 người. Như vậy, có tổng cộng 316 cán bộ đủ tiêu chuẩn nêu trong quy định. Ông Võ Ngọc Đồng giải thích đây là chính sách thôi việc chứ không phải nghỉ hưu trước tuổi.

Theo ĐB Võ Công Chánh, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu, việc triển khai chế độ, chính sách động viên cán bộ lớn tuổi xin thôi làm nhiệm vụ để bố trí cán bộ trẻ nhằm thực hiện có hiệu quả đề án xây dựng, tạo nguồn cán bộ trẻ, giải quyết việc hụt cán bộ quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý; đồng thời, thực hiện có chất lượng, hiệu quả việc sắp xếp bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ theo quy định của Trung ương.

Trong khi đó, ĐB Lê Thị Như Hồng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố cho rằng, tờ trình đã bỏ sót đối tượng là cán bộ công chức thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức chính trị-xã hội diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý… Về nội dung này, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung ghi nhận ý kiến của các ĐB và khẳng định sẽ thảo luận kỹ hơn nữa trước khi biểu quyết thông qua nghị quyết vào chiều 12-7. (KHA MIÊN)

Quốc Khải - Trọng Hùng-Trâm Anh

;
.
.
.
.
.
.