Tìm nguyên nhân nước biển gây ngứa

.

Trước tình trạng nhiều người dân phản ánh bị ngứa, nổi dị ứng đốm đỏ trên da khi tắm biển, Sở Tài nguyên - Môi trường đã chỉ đạo Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường lấy mẫu, phân tích chất lượng nước biển liên tục trong 5 ngày. Theo nhận định ban đầu, có thể do một loại sứa đỏ gây ra ngứa khi tình trạng nắng nóng gay gắt kéo dài.

Nhiều người dân và du khách vẫn tắm biển ở bãi tắm Phước Mỹ.
Nhiều người dân và du khách vẫn tắm biển ở bãi tắm Phước Mỹ.

Trước đó, trên mạng xã hội Facebook, nhiều người dân phản ánh việc đi tắm biển bị ngứa và nổi mẩn đỏ toàn thân. Trên trang cá nhân của bà Đặng Thúy Hằng (Đà Nẵng) phản ánh: “Con gái tôi (10 tuổi) tắm ở biển T20 khoảng 5 phút thì bị châm chích gây ngứa. Về nhà tôi xoa thuốc thông thường cho con nhưng vết mẩn đỏ lan nhiều hơn.

Đưa con đi khám da liễu, các bác sĩ cho thuốc đặc trị mới thuyên giảm. Tại bệnh viện, tôi thấy nhiều người có chung biểu hiện sau khi tắm biển, chủ yếu trẻ nhỏ và phụ nữ”.

Bà Huỳnh Thị Mỹ (trú đường Trần Cao Vân, quận Thanh Khê) lại cho biết: “Tắm gần bờ thì ngứa nhưng ra xa khoảng 20m lại không bị. Mong rằng các cơ quan chức năng sớm công bố kết quả xét nghiệm mẫu nước biển để tìm nguyên nhân và có khuyến cáo cho người dân”.

Ngày 26-6-2018, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng có Công văn số 520/BQL-QLB về việc nước biển gây ngứa nổi dị ứng đốm đỏ trên da, khu vực xảy ra tại các bãi tắm biển từ quận Sơn Trà đến quận Ngũ Hành Sơn.

Tại công văn này, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã cảnh báo về việc xuất hiện sinh vật là sao biển và sứa ở các khu vực bãi tắm; đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng lấy mẫu, phân tích chất lượng nước biển để tìm nguyên nhân.

Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng khẳng định: “Hiện tượng gây ngứa cho người tắm biển không phải do nước thải chảy ra từ các cửa xả như: Mỹ An, Mỹ Khê… Nếu do nước thải sẽ gây ngứa toàn thân và người nào cũng bị, nhưng ở đây chủ yếu là trẻ em và phụ nữ khi tắm khu vực gần bờ.

Tôi cho rằng, nguyên nhân có thể là trời nắng nóng gay gắt kéo dài nhiều ngày dẫn đến phát sinh một loại tảo hay sinh vật nào đó gây ngứa cho người tắm biển, có thể khi đợt nắng nóng này kết thúc thì hiện tượng trên cũng sẽ hết. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, xét nghiệm các mẫu nước biển để tìm nguyên nhân, tránh để người dân hoang mang”.

Theo ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, đến thời điểm này, ghi nhận ban đầu về các chỉ số trong nước biển không có gì bất thường, nguyên nhân gây ngứa có thể do một loại sứa lửa phát sinh do trời nắng nóng gay gắt kéo dài. Sở đã tiến hành lấy mẫu nước và đang phân tích, khi có kết quả sẽ biết chính xác nguyên nhân và công bố rộng rãi để người dân và du khách được biết.

Chi cục Bảo vệ môi trường cũng tổ chức khảo sát các cửa xả ven biển, tiến hành lấy mẫu tại khu vực tiếp nhận liên quan các bãi tắm của thành phố và phối hợp Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng tiếp tục ghi nhận hiện trường trên.

Trước đó, kết quả quan trắc chất lượng nước biển tại các vị trí biển, ven bờ và bãi tắm ở đợt quan trắc gần nhất (ngày 19-6-2018) cho thấy, các thông số môi trường như: pH, TSS, COD, Amoni, dầu mỡ và coliforms… đều đạt yêu cầu so với quy chuẩn cho phép về chất lượng nước biển tại bãi tắm và các vị trí khác.

Khu vực biển từ quận Sơn Trà đến quận Ngũ Hành Sơn và vịnh Đà Nẵng hiện có 10 vị trí quan trắc, trong đó có 3 vị trí quan trắc tại bãi tắm công cộng Mỹ Khê, Non Nước và bãi tắm Phạm Văn Đồng. Chương trình quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố được thực hiện với tần suất 1 lần/tháng đối với nước biển, ven bờ.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.
.