Chung tay chăm sóc trẻ em cơ nhỡ

.

Những ngày cuối đời ở trại giam tại Lâm Đồng, biết mình sẽ ra đi vì bệnh ung thư, trong một lần nhân có người bạn thân là chị Nguyễn Thị Kim Phương vào thăm, chị H. đã ngỏ lời nhờ bạn sau này nuôi giúp đứa con của mình.

Làm theo ý nguyện sau khi bạn mất, chị Kim Phương đã đưa bé N.M.H về sống với mình tại phường Chính Gián, quận Thanh Khê (Đà Nẵng) lúc bé vừa 2 tuổi. Cơ cực, nhưng người mẹ thứ hai - chị Kim Phương -  cũng cố gắng nuôi M.H khỏe mạnh, khôn lớn. 

Hằng tháng, những trẻ em bị thiểu năng trí tuệ trong nhóm được lập hồ sơ CAS sẽ được đến Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội để sinh hoạt nâng cao khả năng nhận biết, vận động độc lập. Trong ảnh: Các em nhận quà nhân dịp 1-6-2018, từ Đội công tác xã hội phường Hải Châu 1.
Hằng tháng, những trẻ em bị thiểu năng trí tuệ trong nhóm được lập hồ sơ CAS sẽ được đến Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội để sinh hoạt nâng cao khả năng nhận biết, vận động độc lập. Trong ảnh: Các em nhận quà nhân dịp 1-6-2018, từ Đội công tác xã hội phường Hải Châu 1.

Thế nhưng, khi bé chuẩn bị bước vào lớp 1 thì mọi việc mới bắt đầu rắc rối vì bé không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào và như vậy cũng có nghĩa M.H sẽ không được đi học. Thật may mắn, lúc đó Chính Gián là một trong 6 phường của thành phố được UNICEF Việt Nam chọn triển khai mô hình “Xã, phường làm tốt công tác xã hội với trẻ em”. Bé M.H đã được hưởng những điều kiện bình thường như bao đứa trẻ cùng trang lứa trên địa bàn.

Nhớ lại những ngày đầu bắt tay chăm sóc bé M.H, chị Trần Thị Hồng Mai, cán bộ phụ trách công tác trẻ em phường chia sẻ: “Mọi thứ bắt đầu từ con số không, nhưng nhờ có sự giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn, nhất là Trung tâm Cung cấp dịch vụ xã hội thành phố, đến nay bé M.H không những có đầy đủ các giấy tờ tùy thân để đi học mà còn được hỗ trợ về kinh phí để chị Kim Phương nuôi dạy bé tốt hơn”.

Còn trường hợp bé B.T.T.T (ở tổ 18, phường Nam Dương, quận Hải Châu) khi mới được 2 tuổi, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ đã bỏ đi bỏ lại em sống với cha đang lúc thất nghiệp. Đó cũng là thời điểm phường Nam Dương được chọn triển khai mô hình “Xã, phường làm tốt công tác xã hội với trẻ em” nên ba của bé là anh B.Đ.D được chương trình hỗ trợ tiền mua một chiếc xe máy để anh tiếp tục công việc chở hàng thuê.

Nhờ có sự hỗ trợ kịp thời này, kinh tế gia đình anh B.Đ.D dần vượt qua khó khăn, ổn định, bé B.T.T.T cũng được nuôi dạy tốt hơn. Anh B.Đ.D cho biết: “Đúng lúc gia đình khó khăn nhất lại nhận được sự giúp đỡ từ chương trình, nhờ vậy con tôi cũng được nuôi dạy tốt hơn, nếu không thì bây giờ tôi không hình dung nổi con mình sẽ sống như thế nào nữa”.

Theo chị Huỳnh Thị Nga, cán bộ phụ trách công tác trẻ em phường Nam Dương, mô hình “Xã, phường làm tốt công tác xã hội với trẻ em” với tiêu chí là giúp đỡ “trọn gói” cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thực sự là chiếc phao cho các gia đình rơi vào hoàn cảnh bế tắc ở phường.

“Nhờ chương trình này mà những trẻ em của phường được hỗ trợ, giúp đỡ chữa bệnh, làm giấy khai sinh, trợ cấp tiền hằng tháng... nên đã phát huy tác dụng rất tốt. Nếu không có chương trình này, chúng tôi không biết cuộc đời các em sẽ đi về đâu, khi người thân trong gia đình không đủ điều kiện nuôi dạy tốt các em, thậm chí có trường hợp người thân cũng bỏ các em đi vì bế tắc”, chị Nga chia sẻ.

Được triển khai từ năm 2013, mô hình “ Xã, phường làm tốt công tác xã hội với trẻ em”, với sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật từ UNICEF Việt Nam, thông qua đầu mối là Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố đã thực sự phát huy hiệu quả khi dang rộng vòng tay giúp đỡ các em đúng lúc, đúng thời điểm khó khăn nhất.

Theo đó, 6 địa phương được chọn triển khai mô hình được hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật để đạt mục đích tất cả trẻ em trên địa bàn đều được đảm bảo các quyền của trẻ em theo quy định pháp luật. Tất cả cán bộ làm công tác này đều được tập huấn về công tác xã hội; tất cả trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn phải được khảo sát, đánh giá và lập kế hoạch can thiệp theo mô hình quản lý CAS...

Nhận xét về kết quả sau 5 năm triển khai mô hình, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố cho biết, đến nay, 6 phường được chọn triển khai mô hình đều đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, đáng ghi nhận nhất là tất cả trường hợp trẻ em rơi vào hoàn cảnh khó khăn đặc biệt đều được phát hiện, can thiệp và giúp đỡ kịp thời.

Với việc ở cả 3 cấp là thành phố, quận và phường đều có tổ liên ngành bảo vệ trẻ em, với các thành viên là đại diện các cấp cơ quan, đoàn thể và các tổ dân phố đã bao phủ hết mọi khu vực dân cư. Nhờ vậy, công tác phát hiện, can thiệp cho những trẻ em khó khăn đặc biệt đều rất kịp thời, nên hiệu quả mang lại rất cao.

Tuy nhiên, do nguồn kinh phí  UNICEF hỗ trợ còn hạn chế, nếu không có thể mở rộng thêm ra nhiều phường, xã được triển khai theo mô hình này thì sẽ có thêm nhiều mảnh đời các em được cứu giúp.

Qua 5 năm triển khai mô hình ở 6 địa phương là các phường: Nam Dương, Hòa Cường Nam (quận Hải Châu); An Hải Bắc, Thọ Quang (quận Sơn Trà); Chính Gián, Thanh Khê Tây, (quận Thanh Khê), 600 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được mở hồ sơ CAS để quản lý; 100% cán bộ chuyên trách trẻ em được tập huấn công tác xã hội về trẻ em; tổ chức trên 100 buổi tư vấn nói chuyện thu hút hơn 10.000 lượt phụ huynh tham gia để giúp họ nuôi dạy và bảo vệ con mình tốt hơn.

Qua 5 năm triển khai mô hình ở 6 địa phương là các phường: Nam Dương, Hòa Cường Nam (quận Hải Châu); An Hải Bắc, Thọ Quang (quận Sơn Trà); Chính Gián, Thanh Khê Tây, (quận Thanh Khê), 600 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được mở hồ sơ CAS để quản lý; 100% cán bộ chuyên trách trẻ em được tập huấn công tác xã hội về trẻ em; tổ chức trên 100 buổi tư vấn nói chuyện thu hút hơn 10.000 lượt phụ huynh tham gia để giúp họ nuôi dạy và bảo vệ con mình tốt hơn. 

Bài và ảnh: Thanh Vân

;
.
.
.
.
.
.