Ngời sáng tấm gương anh hùng

.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; cùng với quân, dân cả nước, quân và dân Quảng Nam-Đà Nẵng đã kề vai, sát cánh, đoàn kết, chung sức, chung lòng, nêu cao tinh thần dám đánh và quyết thắng, lập nhiều chiến công chói lọi, viết nên truyền thống “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ” của quê hương đất Quảng anh hùng.

Ông Châu Quang Bút đang thắp hương cho hai người anh Liệt sĩ tại bàn thờ tổ tiên.
Ông Châu Quang Bút đang thắp hương cho hai người anh Liệt sĩ tại bàn thờ tổ tiên.

Trong thế hệ đó, có sự đóng góp không nhỏ của 3 cá nhân: Châu Quang Bút, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 73, Trung đoàn Tên lửa 285, Sư đoàn Phòng không 363, Quân chủng Phòng không - Không quân; Đoàn Thị Thanh Cần, nguyên y sĩ thuộc Khu 3 - huyện Hòa Vang - tỉnh Quảng Đà và liệt sĩ Mai Mỹ, nguyên Bí thư chi bộ bí mật thôn Bá Giáng - trực thuộc Huyện ủy bí mật Hòa Vang.

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại xã Hòa Phong, Châu Quang Bút giác ngộ và tham gia cách mạng từ rất sớm. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giai đoạn 1965 - 1972, trải qua các cương vị công tác Phó Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 73, Trung đoàn Tên lửa 285, Sư đoàn Phòng không 363, ông Châu Quang Bút cùng cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 73 trực tiếp tham gia chiến đấu hàng trăm trận, cơ động chiến đấu trên 15 tỉnh, thành phố, lập được nhiều chiến công vang dội, bắn rơi 43 máy bay của đế quốc Mỹ trong đó có 1 máy bay B-52; đặc biệt, có nhiều trận đánh tiêu biểu với hiệu suất chiến đấu cao.

Điển hình là trận đánh ngày 29-4-1966, với cương vị là Phó Tiểu đoàn trưởng phụ trách pháo cao xạ, ông Châu Quang Bút trực tiếp chỉ huy, hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ bắn rơi 1 máy bay F-4 tại trận địa Bùi Xá (tỉnh Quảng Ninh), lập chiến công đầu xuất sắc cho tiểu đoàn.

Trong giai đoạn từ ngày 9-7 đến ngày 4-9 năm 1967, ông Châu Quang Bút trực tiếp chỉ huy tiểu đoàn đánh 14 trận, phóng 23 quả đạn, diệt 7 máy bay địch, trong đó có 6 chiếc rơi tại chỗ. Đây là đơn vị điển hình về quyết tâm và hiệu suất chiến đấu cao của bộ đội tên lửa Phòng không...

Đến tháng 5 năm 1981, ông Châu Quang Bút được giải quyết chế độ nghỉ hưu tại quê nhà. Phát huy phẩm chất, đạo đức của người quân nhân cách mạng và hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, ông thường xuyên tích cực tham gia các hoạt động của Đảng và đoàn thể tại địa phương, được tập thể tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ.

Bà Đoàn Thị Thanh Cần giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng từ thuở niên thiếu. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bà là y sĩ của xã và y sĩ Đại đội Bộ đội địa phương Khu 3 - Hòa Vang. Ngoài tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ, bà còn cứu chữa cho rất nhiều thương, bệnh binh thuộc bộ đội địa phương và dân quân, du kích các xã của Khu 3 - Hòa Vang, cứu sống 1 sản phụ sinh đôi giữa trận càn quét của địch...

Nhắc đến Đoàn Thị Thanh Cần là nhắc đến sự anh dũng, không sợ trước mũi lê, ngọn giáo của quân thù. Tháng 8-1969, bà cùng đơn vị tiến hành tập kích vào sân bay Nước Mặn, diệt hàng chục tên Mỹ, phá hủy 18 máy bay trực thăng.

Bị tổn thất nặng nề, quân Mỹ huy động lực lượng, xe tăng đến phản kích, truy tìm lực lượng ta và do bị thương nặng, Đoàn Thị Thanh Cần bị địch bắt và dùng máy bay đưa ra bệnh viện ở Hạm đội 7 ngoài biển để cấp cứu, sau đó chúng tra tấn bằng cách mổ bụng, lần lượt cắt bỏ 1,8 mét ruột, buồng trứng để không thể sinh đẻ được và cắt gân gót chân trái để không đi lại được. Mặc dù bị tra tấn dã man, nhưng bà vẫn không khai báo, không đầu hàng, sẵn sàng hy sinh để giữ vững khí tiết cách mạng.

Do không khai thác được gì và thấy bà Cần không thể sống được lâu nữa nên chúng chở về bỏ trong nhà xác Quân y viện Duy Tân; sau đó được lực lượng của ta đưa về căn cứ để cứu chữa. Do thương tật hiểm nghèo, bà Đoàn Thị Thanh Cần được Đảng, Nhà nước cho ra nước ngoài chữa trị từ năm 1970 đến năm 1976 ở Trung Quốc, Liên Xô, Đức.

Nhờ đó, sức khỏe dần dần hồi phục, nhưng không có khả năng đi lại và những trận đòn thù đã cướp đi thiên chức làm mẹ của bà. Sau khi được nghỉ hưu, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, bà Đoàn Thị Thanh Cần tham gia tích cực hoạt động từ thiện, lặn lội khắp nơi, vận động các nhà hảo tâm đóng góp hàng chục tỷ đồng để xây dựng các trường mẫu giáo, trạm y tế, nhà tình thương ở các tỉnh Bến Tre, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng; giúp đỡ phụ nữ nghèo, trẻ em mồ côi, tàn tật, gia đình chính sách gặp thiên tai, bão lũ, góp phần khắc phục khó khăn cho các đối tượng.

Còn Mai Mỹ, trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cùng cha tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở làng xã. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từ một chiến sĩ du kích, sau đó là Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng dân quân du kích tập trung xã Hòa Quý - Khu Đông huyện Hòa Vang, ông trực tiếp chỉ huy và tham gia 42 trận đánh lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 60 tên địch, trong đó có 20 tên lính Âu - Phi, 10 tên ác ôn Commando, thu hàng trăm súng các loại.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên cương vị Bí thư chi bộ bí mật thôn Bá Giáng, từ tháng 8-1954 đến 12-1956, ông Mai Mỹ lãnh đạo, vận động nhân dân tham gia 5 cuộc đấu tranh chính trị, đòi Mỹ - Diệm thi hành Hiệp định Genève, Hiệp thương tổng tuyển cử và đấu tranh chống cuộc “Trưng cầu ý dân” ngày 23-10-1955 tại xã Hòa Phụng; vận động cán bộ, cơ sở cách mạng thôn Bá Giáng đóng góp tiền bạc, thuốc men... bí mật chi viện cho cán bộ, nhân dân thôn An Nông thuộc xã Hòa Hải bị địch đàn áp bắn giết trong cuộc đấu tranh cướp thùng phiếu, xé cờ ngụy cùng trong ngày 23-10-1955.

Bà Đoàn Thị Thanh Cần bồi hồi đọc lại những dòng cảm tưởng của mình ghi lại để chuẩn bị phát biểu trong lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân
Bà Đoàn Thị Thanh Cần bồi hồi đọc lại những dòng cảm tưởng của mình ghi lại để chuẩn bị phát biểu trong lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Từ tháng 1-1957 đến tháng 3-1959, ông Mai Mỹ lặn lội khắp thôn xóm, phát động phong trào, xây dựng hàng chục cơ sở nòng cốt, làm hàng chục hầm bí mật, buồng kín để nuôi giấu, bảo vệ cán bộ cấp trên, vận động nhân dân đấu tranh chống “tố Cộng, diệt Cộng”.

Đầu tháng 3-1959, cũng như các xã khác trong huyện Hòa Vang, ngụy quyền xã Hòa Phụng lấy Trường tiểu học Bá Giáng để mở lớp tố Cộng, chúng lập phòng tra tấn riêng, cách ly rất xa ở phía sau trường. Chúng bắt hơn 120 người trong xã, trong đó có 35 đảng viên, còn lại là các cơ sở cách mạng, để học tố Cộng tại đây.

Mặc dù bị đánh đập tàn nhẫn, chết đi, sống lại nhiều lần, nhưng ông Mai Mỹ vẫn đấu tranh kiên cường, cắn răng chịu đựng đòn roi, giữ vững khí tiết cách mạng, trung thành với Đảng và nhân dân, không khai báo, không đầu hàng để bảo vệ tổ chức cơ sở Đảng, cơ sở cách mạng, không để địch thủ tiêu, giết hại.

Sau khi bí mật trao đổi, thống nhất ý kiến với các cán bộ, đảng viên chủ chốt của các chi bộ cũng bị bắt giam, tra tấn tại đây, ông Mai Mỹ nhận hết trách nhiệm về mình sẵn sàng lấy cái chết của mình để bảo vệ tổ chức Đảng, bảo vệ đảng viên và cơ sở cách mạng.

Rạng sáng ngày 8-3-1959, lợi dụng sơ hở của bọn kiểm soát trại giam, ông Mai Mỹ trốn thoát ra ngoài, chạy vào nhà dân tìm một con dao, sau đó chạy đến bên giếng Nghị (cách trại giam khoảng 400m và gần nhà dân) hô vang khẩu hiệu “Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm!”, “Hồ Chí Minh muôn năm!”, rồi lấy dao mổ bụng, lôi  ruột ra ngoài và hy sinh anh dũng, gây chấn động, hoang mang lo sợ trong bộ máy ngụy quân, ngụy quyền tại xã Hòa Phụng nói riêng và huyện Hòa Vang nói chung.

Sự hy sinh anh dũng của ông có ý nghĩa hết sức to lớn, không chỉ để bảo vệ an toàn cho tổ chức, cơ sở Đảng, góp phần làm thất bại chính sách “tố Cộng, diệt Cộng” đầy gian ác của Mỹ-Diệm, mà còn thể hiện tấm gương anh dũng, ý chí đấu tranh bất khuất của người cách mạng, từ đó góp phần cổ vũ, thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng trong nhân dân...

Với những chiến công xuất sắc, ông Châu Quang Bút, bà Đoàn Thị Thanh Cần và liệt sĩ Mai Mỹ vinh dự được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

NGỌC PHÚ
(Tổng hợp theo nguồn tài liệu do Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng cung cấp)
 

;
.
.
.
.
.
.