Xây dựng cơ chế, chính sách mới, đưa Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ hơn

.

ĐNO - Sáng 10-8, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội thảo “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa đồng chủ trì hội thảo.

Tham dự có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố.

Phát biểu chào mừng hội thảo, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa chỉ rõ, năm 2003, bằng nỗ lực của mình, thành phố Đà Nẵng đã nhanh chóng vươn lên thành đô thị loại 1 cấp quốc gia.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa phát biểu chào mừng hội thảo. Ảnh: T.HÙNG
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa phát biểu chào mừng hội thảo. Ảnh: T.HÙNG

Đặc biệt, việc Bộ Chính trị (khóa IX) ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW "Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" là một quyết sách quan trọng nhằm tạo nền tảng và là cú hích mạnh để thành phố Đà Nẵng bứt phá phát triển; là thời cơ, vận hội lớn để Đà Nẵng phát huy lợi thế, phát triển và vươn lên giữ vai trò đô thị trung tâm khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương cũng như nỗ lực sáng tạo của mình, thành phố Đà Nẵng bứt phá đi lên, đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực; diện mạo đô thị đã có những thay đổi ấn tượng qua từng ngày, là một trong những thành phố trẻ trung, năng động, sáng tạo bậc nhất của cả nước, luôn đi đầu trong đổi mới và năng động phát triển.

Tuy nhiên, sau khoảng thời gian phát triển khá nhanh, bên cạnh những thuận lợi cơ bản và những kết quả đạt được, thành phố Đà Nẵng cũng bộc lộ một số bất cập và đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

“Vì vậy, hội thảo lần này là sự mong mỏi của thành phố Đà Nẵng, là dịp để các ban, bộ, ngành Trung ương và các chuyên gia, nhà khoa học có những đánh giá về tình hình phát triển thành phố Đà Nẵng sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị, từ đó có định hướng để thành phố Đà Nẵng phát triển trong thời gian đến”, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa khẳng định.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình (bên trái) phát biểu định hướng hội thảo. Ảnh: T.HÙNG
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình (trái) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: T.HÙNG

Phát biểu định hướng hội thảo, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá cao những thành tựu mà Đà Nẵng đạt được trong 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW.

“Các cấp lãnh đạo, nhân dân thành phố qua các thời kỳ đã tổ chức triển khai năng động, sáng tạo các nội dung của nghị quyết cùng với sự hỗ trợ, phối hợp kịp thời của các ban, bộ, ngành Trung ương nhằm cụ thể hóa các mục tiêu của nghị quyết, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.

Trong tiến trình phát triển của Đà Nẵng thời gian qua có dấu ấn của việc phát triển kinh tế bền vững và bao trùm”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhìn nhận.

Thông qua hội thảo, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận cơ chế, chính sách để tập trung thu hút nguồn lực phát triển.

Theo đó, chính Đà Nẵng phải chủ động, đề xuất các cơ chế, chính sách và kết hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương nhằm ban hành cơ chế, chính sách một cách kịp thời, năng động, bảo đảm tính đột phá.

Bên cạnh đó, tập trung đánh giá hết tiềm năng, lợi thế của Đà Nẵng và nhìn nhận, phân tích đầy đủ được những bất lợi, đặt Đà Nẵng trong tương quan so sánh với cả nước và khu vực. Trên cơ sở đó, thành phố tập trung xây dựng định hướng phát triển để triển khai thực hiện và xây dựng các cơ chế, chính sách mới.

“Không nóng vội, làm thật chắc và bài bản trong từng giai đoạn cụ thể, tạo tiền đề, nền móng để mỗi thế hệ sau có dư địa và điều kiện phát triển. Hội thảo là tiền đề hết sức quan trọng để Trung ương nghiên cứu xây dựng nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết số 33-NQ/TW có chất lượng và hiệu quả, tạo động lực phát triển tốt hơn, mở đường cho Đà Nẵng phát triển trong 10 hay 15 năm tới và tầm nhìn cho những năm tiếp theo”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Trao đổi tại hội thảo, TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn, một chuyên gia về quy hoạch kiến trúc, hiện đang làm việc tại Bắc Mỹ và Việt Nam cho rằng, cần phát huy vai trò lãnh đạo của Đà Nẵng - đô thị hạt nhân trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: T.HÙNG
TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: T.HÙNG

Theo đó, Đà Nẵng cần hướng đến tầm nhìn xa, tận dụng được sức mạnh liên kết vùng. Điều này giúp cả Đà Nẵng lẫn vùng đô thị miền Trung phát triển, có thể sánh vai với vùng thủ đô Hà Nội và vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, thành phố cần bảo tồn và phát triển bản sắc đặc trưng của đô thị biển - sông - núi; phát triển Đà Nẵng theo hướng bền vững gắn với quy hoạch xanh, kiến trúc xanh và trở thành đô thị văn minh, hiện đại, đại biểu cho phát triển đô thị Việt trong thế kỷ 21; phát triển Đà Nẵng thành đô thị đáng sống hàng đầu tầm quốc gia và quốc tế; phát triển theo hướng đô thị thông minh và trở thành đô thị khởi nghiệp, sáng tạo và toàn cầu.

Theo TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng vẫn còn những mặt hạn chế trong quá trình phát triển như: cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế còn nhiều vấn đề cản trở mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững; tình trạng quy hoạch không đồng bộ, không quy trình; hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của một thành phố đẳng cấp; hạn chế về nguồn lực ảnh hưởng đến năng lực đầu tư phát triển, năng lực cung cấp các dịch vụ đô thị có chất lượng của thành phố…

Về định hướng phát triển, thành phố cần xây dựng nhóm chính sách và cơ chế thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế; cụ thể, rà soát lại tất cả các quy định hiện hành, xây dựng chính sách đồng bộ tạo động lực thu hút đầu tư kinh doanh nhằm tạo nên làn sóng đầu tư mạnh mẽ đối với các lĩnh vực Đà Nẵng có lợi thế cạnh tranh 

“Đặc biệt, thành phố cần xây dựng, đề xuất một số cơ chế, chính sách nhằm tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, xác định rõ vị trí vai trò của Đà Nẵng trong liên kết phát triển vùng và xây dựng vùng đô thị Đà Nẵng. Đồng thời, thành phố cần xin thí điểm một số nội dung phân cấp, phân quyền, ủy quyền giữa Trung ương và thành phố Đà Nẵng để xây dựng mô hình chính quyền đô thị”, TS Trần Du Lịch nêu quan điểm.

QUỐC KHẢI – TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.
.