Ai đốt cháy kho xăng Nại Hiên năm 1951?

.

Năm 1951, kho xăng Nại Hiên (Sơn Trà) phát nổ, tiêu hủy 2 triệu lít xăng, 160.000 lít dầu và làm chết 5 lính gác… khiến thực dân Pháp đóng chân tại Đà Nẵng hoang mang, lo sợ. Tuy nhiên đến nay, việc xác định ai là người đốt cháy kho xăng này vẫn gây nhiều tranh cãi.

Tờ Thông tin số 2 ngày 15-9-1951 của Ban Chính trị Thành đội Đà Nẵng An Thành có đăng sự kiện bà Phạm Thị Biên đánh cháy kho xăng Nại Hiên (ảnh chụp từ cuốn Truyền thống Cảng Đà Nẵng). 				                            (Ảnh tư liệu)
Tờ Thông tin số 2 ngày 15-9-1951 của Ban Chính trị Thành đội Đà Nẵng An Thành có đăng sự kiện bà Phạm Thị Biên đánh cháy kho xăng Nại Hiên (ảnh chụp từ cuốn Truyền thống Cảng Đà Nẵng). (Ảnh tư liệu)

Liên quan việc này, Báo Đà Nẵng nhận được đơn phản ánh của ông Phạm Ngọc Cừ (92 tuổi, nguyên là cán bộ nghiên cứu của Tiểu ban 2, Trung đoàn 93; hiện trú H28/1, K18 Phan Kế Bính, phường Thuận Phước, quận Hải Châu) cho biết, nhiều tài liệu lịch sử khi nhắc đến trận đánh kho xăng Nại Hiên đều nêu tên người nữ du kích mật Khu Nam trực tiếp đặt mìn cháy chậm là bà Phạm Thị Biên, lúc đó chừng 19, 20 tuổi. Tuy nhiên, bà Phạm Thị Biên là ai thì cần phải xác minh, làm rõ.

Ông Cừ nghiêng về phương án đây là bà Phạm Thị Ngân (SN 1912 tại An Phước 1, phường Phước Ninh, quận Hải Châu), gọi theo tên chồng (Nguyễn Văn Biên - PV) là Phạm Thị Biên. Trong kháng chiến chống Pháp, bà Biên hoạt động địch vận, nằm vùng ở cơ sở. Thành tích nổi bật là đốt cháy kho xăng Nại Hiên năm 1951.

Chứng cứ mơ hồ?

Ông Cừ cho rằng, cơ quan chức năng của Đà Nẵng dựa vào một số chứng cứ khá mơ hồ để công nhận chiến công đánh cháy kho xăng này cho bà Phạm Thị Lệ Biên, tên thường gọi Phạm Thị Miển (SN 1933 - CMND ghi năm 1932, nguyên quán phường Hòa Cường (cũ), quận Hải Châu; thường trú số 86 Thạch Lam, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà; mất năm 2009).

Điều này khiến gia đình bà Phạm Thị Ngân và một số cán bộ lão thành cách mạng sống cùng thời với bà Ngân bức xúc. Ông Cừ tỏ ra thắc mắc: “Tôi thấy rất lạ là một thành tích to lớn, vang dội cả nước lại không được bà Lệ Biên ghi vào lý lịch, kể cả lý lịch bổ sung kê khai sau đó. Vì sao bà Phạm Thị Lệ Biên xem thường thành tích này nếu bà là người đốt kho xăng?”.

Bên cạnh đó, mốc thời gian đánh cháy kho xăng Nại Hiên đến nay chưa thống nhất. Cụ thể, cuốn Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng 1930-1975 của NXB Chính trị quốc gia, trang 319 viết: “Ngày 19-5-1951, nữ biệt động thành Phạm Thị Biên hoạt động bí mật tại nội thành Đà Nẵng đã đánh cháy kho xăng thực dân Pháp tại Nại Hiên, phá hủy hàng triệu lít xăng, dầu của địch”.

Trong khi đó, Tờ thông tin số 2, ra ngày 15-9-1951 của Ban Chính trị Thành đội Đà Nẵng An Hành viết: “Để phối hợp kế hoạch khuếch trương chiến quả và hoàn thành chương trình hai tháng “Xuân lập công”, dân quân Khu Nam đã đốt được một kho dầu của địch tại Đà Nẵng. Lúc 16 giờ 30 ngày 19-4-1951, một nữ du kích bí mật Khu Nam vào đặt mìn cháy chậm ở kho dầu”.

Cũng theo ông Cừ, Công văn số 2383/TH-TĐKT của Cục Tuyên huấn thuộc Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng ban hành ngày 10-8-2016 xác nhận thông tin “bà Phạm Thị Biên, quê quán Khu Nam, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì.

Quyết định số 1280/BTL ngày 2-9-1954; người ký: Đồng chí Võ Nguyên Giáp” chỉ có thể minh chứng từng có người tên Phạm Thị Biên nhận Huân chương Chiến công hạng nhì năm 1954, chứ chưa thể khẳng định bà Phạm Thị Biên này chính là bà Phạm Thị Ngân hay bà Phạm Thị Lệ Biên.

Gần 10 năm nay, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung (cháu nội bà Phạm Thị Ngân, hiện ở L36/38 Lê Đức Thọ, phường 6, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) liên tục gửi đơn kiến nghị, đề nghị thành phố Đà Nẵng khen thưởng thành tích đánh cháy kho xăng Nại Hiên đối với bà Phạm Thị Ngân.

Theo tờ tự khai do bà Nhung cung cấp, bà Phạm Thị Ngân có tên thường gọi là Phạm Thị Biên, SN 1912, nguyên quán thôn 3, xã Cẩm Thanh, làng Thanh Nhứt, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam); chồng là Nguyễn Văn Biên (thường gọi là Hai Biên). Bà Nhung cho biết, từ năm 1949-1951, bà Phạm Thị Ngân là nữ du kích biệt động thành Đà Nẵng, hoạt động bí mật dưới sự chỉ đạo của Liên khu 5 cùng ông Nguyễn Văn Biên đốt kho xăng của Pháp ở Nại Hiên vào ngày 19-5-1951.

Từ năm 1958-1959, bà Ngân vượt tuyến đường dây 559 (gọi là đường Trường Sơn) ra Hà Nội gặp ông Lê Văn Minh làm Trưởng ban Thống nhất Trung ương để đưa tin. Từ năm 1959-1962, bà Ngân bị địch truy nã khắp các tỉnh từ Bình Định đến Quảng Nam, các vùng Tây Nguyên, rồi bị bắt, tra tấn cho đến chết. Ngày 21-5-1962, bà Ngân hy sinh.

Cần một hội thảo khoa học

Để có cơ sở giải quyết nội dung kiến nghị của bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, ngày 30-3-2016, Chủ tịch UBND thành phố ban hành Quyết định số 1863/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác liên ngành để xác minh, gồm đại diện Thanh tra thành phố, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Ban Thi đua - Khen thưởng, Phòng Nội chính thuộc Văn phòng UBND thành phố.

Xét báo cáo của Tổ công tác liên ngành, ngày 16-9-2016, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Công văn số 7659/UBND-NC trả lời nội dung kiến nghị nêu trên của bà Nguyễn Thị Hồng Nhung là không có cơ sở xem xét giải quyết.

Nội dung Công văn số 7659/UBND-NC nêu rõ: “Tại biên bản làm việc với Tổ công tác vào ngày 25-4-2016, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung xác nhận hiện gia đình không lưu giữ giấy tờ về khai sinh, hộ khẩu, lý lịch để chứng minh ngày, tháng, năm sinh của bà Ngân (Biên) mà chỉ nghe người trong gia đình kể… Quá trình cư trú và hoạt động cách mạng của bà Ngân (Biên) thông qua việc bà nghe kể lại từ người khác”.

Suốt 10 năm bà Nhung lặn lội từ Nam chí Bắc tìm kiếm thông tin về bà nội mình là Phạm Thị Ngân. Thậm chí, bà Nhung còn trực tiếp đến gặp ông Hoàng Minh Thắng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (khóa 5, 6), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng (khóa 13); ông Trần Thận (Trần Cát), Khu ủy viên Khu ủy 5, nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam; ông Lê Đào, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng… để nhờ xác minh bà Phạm Thị Ngân chính là người đốt cháy kho xăng năm 1951.

Sau khi nhận công văn trả lời từ UBND thành phố Đà Nẵng, bà Nhung tiếp tục gửi kiến nghị lên Văn phòng Chính phủ, đề nghị thành phố Đà Nẵng làm rõ những quan điểm được nêu tại Công văn số 7659/UBND-NC theo hướng cho rằng bà Phạm Thị Lệ Biên mới là người đốt cháy kho xăng.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tám (Hoài), SN 1937, hiện trú 147/31 Nguyễn Tri Phương, Đà Nẵng, khẳng định thông tin bà nêu tại bản xác nhận thành tích ngày 5-4-2014 là chính xác.

Bà Tám trình bày, tại thời điểm năm 1951, bà 14 tuổi, được giao mang thư đến cho bà Phụng Ký ở tiệm ảnh Đà Nẵng; đồng thời được hướng dẫn sử dụng kíp nổ, thuốc nổ, dây cháy chậm. Bà Tám cũng được yêu cầu mang thư, kíp nổ, thuốc nổ, dây cháy chậm đến hướng dẫn bà Phụng Ký sử dụng.

Lúc bà Tám trao đổi với bà Phụng Ký thì có một phụ nữ ngồi bên (sau này bà Tám biết người phụ nữ đó được gọi theo tên chồng là Biên và là người tiếp nhận gói thuốc nổ bà Tám mang đến để đốt kho xăng Nại Hiên).

“Lúc ấy, trông bà Biên khá chững chạc chứ không phải là thiếu nữ mười tám, đôi mươi như nhiều sách báo sau này viết về nữ du kích tấn công kho xăng Nại Hiên năm 1951. Tuy nhiên, điều khiến tôi khá bất ngờ là Công văn số 7659/UBND-NC cho rằng tôi đã rút lại nội dung xác nhận thành tích nói trên”, bà Tám chia sẻ.

Cùng quan điểm với ông Phạm Ngọc Cừ, bà Tám cho rằng, với những thông tin về nữ du kích đánh cháy kho xăng Nại Hiên chưa thống nhất, thành phố cần sớm tổ chức một hội thảo kêu gọi sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà sử học, những chứng nhân lịch sử hoạt động cách mạng cùng thời với bà Phạm Thị Ngân, Phạm Thị Lệ Biên nhằm xem xét cụ thể, chính xác những chứng cứ, tài liệu, từ đó đi đến kết luận ai là người đốt cháy kho xăng Nại Hiên năm 1951.

HUỲNH LÊ

;
.
.
.
.
.
.