Dấu ấn nông nghiệp công nghệ cao

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là một trong những chương trình đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hòa Vang lần thứ XVI đề ra. Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện, chương trình này đã đạt nhiều kết quả nổi bật, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của huyện.

Trong các mô hình sản xuất nông nghiệp điển hình ở Hòa Vang những năm qua, có thể kể đến mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao của anh Nguyễn Xuân Hùng ở thôn Dương Sơn (xã Hòa Châu). Năm 2011, anh Hùng mạnh dạn đầu tư gần 500 triệu đồng để trồng 4.000 hoa lan Mokara trong khuôn viên 400m² tại vườn nhà. Nhờ sự chăm sóc tỉ mỉ, công phu với giàn lưới che, hệ thống phun sương và sự tìm tòi học hỏi trong kỹ thuật nuôi trồng, ngay lứa hoa đầu tiên anh đã thu lãi được 40 triệu đồng. Được sự hỗ trợ của huyện, năm 2015, anh Hùng đã xây dựng thêm một nhà vườn sản xuất hoa lan Mokara cắt cành trên diện tích hơn 1.000m² với hơn 6.000 gốc. Hiện nay, với quy mô hơn 10.000 gốc lan, anh Hùng thu lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng.

Tại vùng rau an toàn Phú Sơn Nam (xã Hòa Khương) với tổng diện tích hơn 15ha, nhiều doanh nghiệp chủ động đầu tư hàng tỷ đồng vào hệ thống nhà lưới trồng rau, hoa quả sạch phục vụ nhu cầu của thành phố và các địa phương khác. Anh Nguyễn Hữu Thịnh, chủ cơ sở rau an toàn Tâm An Farm (thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương) cho biết, từ năm 2014 anh bắt tay vào xây dựng cơ sở rau an toàn Tâm An Farm và tập trung sản xuất các loại rau ngắn ngày trên cơ sở ứng dụng hệ thống tưới phun, hệ thống tưới nhỏ giọt, khung vòm nhà lưới vào sản xuất. Đến nay, cơ sở sản xuất rau an toàn của anh đã mở rộng lên trên 5ha, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn rau, củ các loại với lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Nông trại của anh giải quyết việc làm cho 10 lao động tại địa phương với thu nhập từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện cũng đã lần lượt được ra đời, đem lại hiệu quả kinh tế và năng suất cao, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của địa phương như: sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao tại thôn Trung Nghĩa (xã Hòa Ninh) và thôn Đông Lâm (xã Hòa Phú), trồng thủy canh tại nhà kính (xã Hòa Ninh), vùng rau sạch Phú Sơn Nam (Hòa Khương) và Túy Loan (Hòa Phong)…

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang Nguyễn Văn Lý cho hay, đến nay trên địa bàn huyện đã hình thành được 21 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; trong đó có 9 mô hình trồng hoa, 5 mô hình sản xuất rau, 3 mô hình chăn nuôi, 3 mô hình ăn quả và 1 mô hình trồng nấm. Bên cạnh đó,  huyện cùng với thành phố tiến hành quy hoạch 7 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích là 440ha để kêu gọi đầu tư. Diện tích đất sản xuất chuyên canh rau, hoa ứng dụng khoa học kỹ thuật được mở rộng, cụ thể: diện tích trồng rau 8,2ha/43,72ha, trồng hoa 2,5ha/22ha, tăng nhiều về số lượng, chủng loại các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như rau, lúa giống, lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao, hoa, nấm… Nhờ đó, việc sản xuất nông nghiệp được tiến hành ổn định, sản phẩm đạt năng suất, chất lượng, đáp ứng được nguồn hàng ổn định cho các kênh phân phối. Ngoài ra, người sản xuất và các hộ nông dân cũng tiếp cận, nắm bắt tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới. Người nông dân cũng từ đó mà dần hình thành được tư duy về thị trường, tiếp cận công nghệ để ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp. ..

HOÀNG THIÊN

;
.
.
.
.
.
.