Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tiền lương

.

Thành ủy Đà Nẵng vừa ban hành Kế hoạch số 72-KH/TU ngày 18-9-2018 thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW “về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp” và Nghị quyết số 28-NQ/TW “về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII).

Kế hoạch đặt mục tiêu việc thực hiện chính sách tiền lương một cách khoa học, minh bạch, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phòng, chống tham nhũng. Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương; tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc của người lao động.

Kế hoạch đề ra lộ trình, các giải pháp thực hiện chính sách tiền lương cho khu vực công và khu vực doanh nghiệp qua các giai đoạn từ năm 2018-2020, 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của CBCCVC cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Thành phố sẽ nghiên cứu xây dựng đề án trình Chính phủ và các bộ, ngành cho phép Đà Nẵng là địa phương được mở rộng thí điểm áp dụng cơ chế chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của CBCCVC sau khi đã tự cân đối ngân sách và bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương, các chính sách an sinh xã hội. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi lương thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan mình; quyết định mức chi trả thu nhập tương xứng với nhiệm vụ được giao; xây dựng quy chế thưởng định kỳ cho các đối tượng thuộc quyền quản lý gắn với đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành công việc của từng người.

Về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2021 có ít nhất 40% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; ít nhất 33% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; có ít nhất 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội. Kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đạt các tỉ lệ tương ứng đến năm 2025 là: 50%; 2,5%; 40%; 55% và đến năm 2030 là: 65%; 5%; 50%; 60%.

S.TRUNG

;
.
.
.
.
.
.