Giai đoạn 2015-2020, giảm nghèo chưa bền vững

Từ ngày 9 đến 11-10, tại Đà Nẵng, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 11.

Chủ trì và phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Tại phiên họp này, Ủy ban sẽ cho ý kiến đối với các nội dung thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH); thẩm tra việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đối với các cam kết liên quan đến lĩnh vực Ủy ban phụ trách và các nội dung thường xuyên của Ủy ban; quyết định chương trình hoạt động giám sát năm 2019 và giải trình trách nhiệm quản lý Nhà nước và phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình; thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và cho ý kiến về các nội dung thuộc lĩnh vực y tế-dân số.

Tại phiên họp thứ nhất, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thay mặt Chính phủ báo cáo về tình hình hai năm (2017- 2018) thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH 13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Theo đó, chương trình đạt được những kết quả đáng ghi nhận, công tác giảm nghèo có nhiều tiến bộ; nhiều chỉ tiêu, nội dung nghị quyết đạt và vượt. Giai đoạn 2015-2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,59%, vượt so với mục tiêu đề ra là từ 1-1,5%/năm.

Trả lời những chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Trong việc thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 có những khó khăn, một số nhiệm vụ còn chậm, nguồn lực đầu tư cho các địa bàn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, các chính sách giảm nghèo đã được tích hợp bước đầu nhưng vẫn còn dàn trải. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chưa đồng đều, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng thường xuyên bị thiên tai.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng khẳng định: “Việt Nam vẫn là điểm sáng về công tác giảm nghèo, các nước, các tổ chức quốc tế đã đánh giá rất cao những thành tựu mà chúng ta đã đạt được. Vấn đề là làm sao để bảo đảm giảm nghèo một cách bền vững”.

S.T

;
.
.
.
.
.
.