Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết về "Chiến lược Biển Việt Nam"

.

Quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực kinh tế biển còn yếu, quy hoạch không gian biển còn rời rạc, hệ thống pháp lý liên quan chưa hoàn chỉnh...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sau hơn 10 năm Nghị quyết Trung ương 4 về "Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020" ra đời, Quốc hội đã ban hành nhiều nhiều văn bản pháp luật liên quan, đồng thời Chính phủ đã tích cực hiện thực hóa các nội dung mà Nghị quyết Trung ương đặt ra trong “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, qua đó đã làm thay đổi căn bản diện mạo kinh tế biển Việt Nam.

Các khu kinh tế ven biển được thành lập, các đô thị ven biển được đầu tư phát triển, hệ thống hạ tầng giao thông được xây dựng, các ngành như hàng hải, khai thác hải sản ngày càng hiện đại hóa, ngành khai thác dầu khí tiếp tục có những đóng góp lớn cho nền kinh tế đất nước; công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo được giữ vững, nhiều trang thiết bị quốc phòng mới, hiện đại đã được đầu tư, đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình mới…
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, những kết quả đó vẫn chưa đạt được kỳ vọng, hạn chế tồn tại còn nhiều. Quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực kinh tế biển còn yếu, quy hoạch không gian biển còn rời rạc, hệ thống pháp lý liên quan chưa hoàn chỉnh…

Trong khi đó, tình hình Biển Đông có những diễn biến phức tạp và có tác động mạnh mẽ đến quá trình thực hiện chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Tiếp cận từ góc độ “không gian biển”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng, phải củng cố vùng duyên hải với tư cách là vùng kinh tế động lực và sớm kết nối không gian của duyên hải với không gian của đảo. Bởi vì hệ thống đảo là sự phân hóa lãnh thổ tự nhiên sẽ cho chúng ta thế và lực mới nếu chúng ta tranh thủ được nó. Bên cạnh chuỗi đô thị ven biển cũng cần hình thành các đô thị đảo, hình thành các cực phát triển để thu hút, đồng thời kết nối với đất liền, gia tăng sức mạnh của Việt Nam trên biển và mở rộng bán kính ảnh hưởng ra các vùng biển còn lại của đất nước.

Mục tiêu cụ thể là xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học - công nghệ, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP của cả nước.

Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển, có thu nhập bình quân đầu người cao gấp 2 lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước. Cùng với xây dựng một số thương cảng quốc tế có tầm cỡ khu vực, hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh, xây dựng một số khu kinh tế mạnh ở ven biển; xây dựng cơ quan quản lý tổng hợp thống nhất về biển có hiệu lực, hiệu quả, mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực về biển.

Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, sau 10 năm thực hiện “chiến lược kinh tế biển đến năm 2020”, kết quả nói chung đã đạt được là hết sức to lớn nhưng trong từng chỉ tiêu cụ thể ở nhiều ngành như dầu khí, đóng tàu… còn rất nhiều hạn chế.

Theo ông Trần Hồng Hà, để đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa X, về “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020” đã đề ra cũng như thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển kinh tế biển nước ta phát triển trong thời gian tới, trong thời gian tới cần nhấn mạnh những khâu đột phá: “Thứ nhất là thể chế, cần tạo hành lang pháp lý tốt hơn nữa; thứ 2 là khoa học công nghệ, thứ 3 là nguồn nhân lực chất lượng cao đón vai trò đột phá và xuyên suốt chứ không phải dựa vào tài nguyên”.

Còn theo PGS.TS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược và đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đánh giá có đạt được mục tiêu đề ra trong chiến lược hay không cần phải đợi thêm 2 năm nữa. Thời điểm hiện tại cũng không cần thiết phải điều chỉnh các mục tiêu và quy hoạch tổng thể nhưng đối với từng lĩnh vực cụ thể cần thay đổi cách thức thực hiện thì mới có triển vọng đạt mục tiêu đề ra.

“Tôi cho rằng thời gian còn lại ngắn nên không cần phải sửa lại mục tiêu, quy hoạch nhưng rất mong muốn trong rất nhiều các lĩnh vực cụ thể phải thay đổi cách thức thực hiện. Đại hội XII cũng đã chỉ ra nhiều cách, trong đó là phải có tư duy thị trường, xã hội hóa các nguồn lực. Thực hiện theo một phương thức mới chứ không phải như trước đây nữa” –PGS.TS Bùi Tất Thắng cho biết.

Dù còn thời gian ngắn nhưng hội nghị sắp tới đây của Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đánh giá chính xác những kết quả đã đạt được, những tồn tại hạn chế từ đó đưa ra kế hoạch thực hiện tốt các vấn đề còn tồn tại để đến năm 2020 sẽ đạt được mục tiêu mà chiến lược kinh tế biển đề ra.

Theo VOV
 

;
.
.
.
.
.
.