Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố

Kinh tế tăng trưởng nhanh, ổn định; bảo đảm an sinh xã hội

.

Nửa nhiệm kỳ qua (2015-2020), trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen, với quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố, bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng, tạo tiền đề để thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra của cả nhiệm kỳ.

Trong nửa nhiệm kỳ 2015-2020, Đà Nẵng rà soát, điều chỉnh quy hoạch, phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Ảnh: LÊ HẢI SƠN
Trong nửa nhiệm kỳ 2015-2020, Đà Nẵng rà soát, điều chỉnh quy hoạch, phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Ảnh: LÊ HẢI SƠN

Kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định

Theo đánh giá, kinh tế thành phố tăng trưởng nhanh và ổn định, phát triển bền vững gắn với tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao quy mô, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Cơ cấu kinh tế thành phố chuyển dịch đúng hướng, phù hợp với mục tiêu nghị quyết. Ngành dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng cao và liên tục, trong đó mũi nhọn du lịch phát triển mạnh mẽ, khẳng định Đà Nẵng là trung tâm du lịch có thương hiệu mang tầm quốc gia và khu vực.

Thành phố đã hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện Hòa Vang đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2016 và tiếp tục nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2017-2020. Công tác quản lý điều hành thu, chi ngân sách của thành phố được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định.

Thành phố đã triển khai Đề án chống thất thu thuế đối với một số lĩnh vực, ngành nghề có rủi ro cao về thuế, nhờ đó thu ngân sách qua các năm luôn vượt chỉ tiêu.

Lĩnh vực quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng văn minh, hiện đại, có môi trường sống tốt được đánh giá khá tốt.

Thành phố tiến hành rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, gắn với Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2018-2030; định hướng quy hoạch phát triển đô thị khu vực phía tây thành phố; hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể cảnh quan hai bờ sông Hàn, Quảng trường trung tâm thành phố. Công tác quản lý đô thị gắn với thực hiện chủ trương xây dựng văn hóa, văn minh đô thị có bước chuyển biến rõ nét.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thành phố triển khai nhiều biện pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội gắn với khuyến khích phong trào khởi nghiệp.

Theo đó, UBND thành phố đã ban hành và triển khai đề án “Phát triển doanh nghiệp Đà Nẵng đến năm 2020”, đề án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng Vườn ươm doanh nghiệp theo mô hình hợp tác công-tư; đồng thời định kỳ tổ chức các cuộc họp, đối thoại để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy triển khai dự án, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động phát huy hiệu quả, thành công của sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, đặc biệt đã tổ chức thành công Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2017, mở ra cơ hội, thuận lợi lớn cho thành phố về quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch.

Nhờ đó, giai đoạn 2015-2018, tổng vốn đầu tư phát triển huy động ước đạt 111.331 tỷ đồng, tăng 7,2%/năm, chiếm khoảng 48,3% GRDP, năm 2018 ước đạt 40.000 tỷ đồng, tăng 1,13 lần so với năm 2016, chiếm 44,7% GRDP thành phố. Hoạt động đầu tư của các thành phần kinh tế trên địa bàn diễn ra khá sôi động và có bước khởi sắc.

Với nỗ lực không ngừng, nhiều năm liền, Đà Nẵng thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin.

Quan tâm đầu tư cho văn hóa và an sinh xã hội

Lĩnh vực văn hóa-xã hội của thành phố trong nửa nhiệm kỳ qua có sự chuyển biến tích cực. Thành phố đã đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa với nhiều hoạt động sôi nổi, như: phát động phong trào văn hóa đọc, khai trương tủ sách Đà Nẵng, tổ chức các phiên chợ sách, hội sách tại các quận, huyện, các hoạt động văn hóa, lễ hội hai bên bờ sông Hàn...

Thành phố đã triển khai tu bổ, phục hồi và tôn tạo Di tích cấp quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải; phối hợp với tỉnh Thừa Thiên  Huế khởi công khai quật khảo cổ di tích cấp quốc gia Hải Vân quan; trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị của quần thể di tích văn hóa, lịch sử tại Nam Ô (Liên Chiểu). Nhiều sự kiện văn hóa, thể thao lớn, mang tầm quốc gia, quốc tế được tổ chức thường niên tại Đà Nẵng…

Trên lĩnh vực an sinh, xã hội, thành phố đã ban hành nhiều chính sách mang đậm tính nhân văn được triển khai đồng bộ, gắn với các chương trình “Thành phố “5 không”, “3 có”, “Thành phố 4 an”.

Công tác hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết các chính sách xã hội đạt kết quả tốt, số hộ thoát nghèo nhanh và ước đến cuối năm 2018 chỉ còn 2.319 hộ nghèo còn sức lao động (chiếm 0,9%) và đề án giảm nghèo về đích trước 2 năm. Thành phố thực hiện tốt công tác chăm sóc các đối tượng chính sách, người có công. Đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nhân dân được nâng lên.

Đối với giáo dục và đào tạo, thành phố luôn chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng trong quản lý, công tác dạy và học, công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS. UBND thành phố đã ban hành và triển khai hiệu quả Đề án dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2016-2020, Đề án Sữa học đường.

Mạng lưới các trường, lớp trên địa bàn được quy hoạch theo hướng đa dạng hóa, xã hội hóa, có cơ cấu hợp lý giữa các ngành học, cấp học. Hiện nay, thành phố có 150 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 41%.

Chăm lo công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, thành phố đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống các bệnh viện chuyên sâu, đa khoa và trung tâm y tế; triển khai đầu tư và đưa vào hoạt động Trung tâm Y học hạt nhân và xạ trị miền Trung tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Nhờ đó, mạng lưới khám, chữa bệnh từ tuyến thành phố đến quận, huyện, phường, xã ngày càng hoàn thiện. Bên cạnh đó, công tác thông tin, truyền thông, thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được tăng cường.

Đà Nẵng là địa phương thứ 2 trên cả nước đã thành lập thí điểm Ban Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm; từ đó đưa công tác này đi vào nền nếp, hiệu quả.

Nhìn chung, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố, hầu hết các nhiệm vụ cụ thể được giao đều đạt được kết quả tích cực.

Đến nay có 10/14 chỉ tiêu đạt tiến độ nghị quyết đề ra. 3 đột phá tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI của Đảng bộ thành phố có kết quả bước đầu, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá nhanh và ổn định, chất lượng tăng trưởng được cải thiện.

Cơ cấu kinh tế thành phố chuyển dịch theo đúng định hướng, tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt cao, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là các lĩnh vực du lịch, thương mại, tài chính ngân hàng, thông tin truyền thông, công nghiệp công nghệ thông tin, kinh tế biển...

Nửa chặng đường đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI của Đảng bộ thành phố  đi vào cuộc sống thể hiện rõ ở đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; diện mạo đô thị ngày càng theo hướng văn minh, hiện đại; bước đầu đã định hình và xác lập vai trò, vị thế của Đà Nẵng đối với khu vực miền Trung và cả nước.

Kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu

- Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) ước tăng 8%/năm (Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố - NQ: 8-9%/năm) và năm 2018 ước đạt 62.150 tỷ đồng.

- Năm 2018, GRDP bình quân đầu người ước đạt 3.391 USD (NQ: đến năm 2020 đạt 4.000-4.500 USD).

- Cơ cấu GRDP đến năm 2018 ước đạt: dịch vụ 55,8%; công nghiệp - xây dựng: 30,6%; nông nghiệp: 1,6% (NQ: dịch vụ: 63-65%; công nghiệp - xây dựng: 35-37% và nông nghiệp: 1-2%).

- Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ ước tăng 9,9%/năm (NQ: 9,5-10,5%/năm).

- Giá trị sản xuất ngành công nghiệp-xây dựng ước tăng 7,1%/năm (NQ: 10-11%/năm), trong đó công nghiệp tăng 8%/năm (NQ: tăng 10,5-11,5%/năm).

- Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ước tăng 3,9%/năm (NQ: 2-3%/năm).

- Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tăng 12%/năm (NQ: 15-16%/năm).

- Tổng thu ngân sách Nhà nước ước tăng 19,1%/năm (NQ: 5-8%/năm); tổng chi ngân sách Nhà nước ước tăng 19,6%/năm (NQ: 2-3%/năm).

- Tổng vốn đầu tư phát triển ước tăng 7,2%/năm (NQ: 9-10%/năm).

- Năm 2018, giảm tỷ suất sinh ước đạt 0,1‰/năm (NQ: 0,1‰/năm).

- Năm 2018, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ước đạt 51% (NQ: đến năm 2020 đạt 55%); tỷ lệ tạo việc làm tăng thêm ước đạt 4,04% (NQ: 4-5%/năm).

- Tỷ lệ hộ nghèo còn sức lao động theo chuẩn thành phố ước đến cuối năm 2018:  0,9%.

- Đến cuối năm 2018, tỷ lệ dân cư thành thị sử dụng nước sạch ước đạt 100% (NQ: 95-100%); tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96% (NQ: 95-100%); tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom đạt 98% (NQ: 95-98%).

- Hằng năm, phát triển trên 2.000 đảng viên mới, không còn tổ chức cơ sở Đảng yếu kém.

(Nguồn: Dự thảo Báo cáo kiểm điểm giữa nhiệm kỳ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XXI, nhiệm kỳ 2015-2020)

S.T

;
.
.
.
.
.
.
.