Tác phẩm tham dự "Giải Búa liềm vàng 2018"

Đà Nẵng quyết liệt sắp xếp, đổi mới hệ thống chính trị - Bài cuối: Mạnh dạn đổi mới cách làm

.

Thời gian qua, công tác tinh giản biên chế, sắp xếp và đổi mới hệ thống chính trị theo các Nghị quyết số 18 và 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ở Đà Nẵng đang diễn ra thuận lợi, bước đầu đạt hiệu quả. Tuy nhiên, để có được những kết quả ban đầu khá ấn tượng ấy là cả những cuộc đấu tranh không kém phần gay cấn.

Đồ họa: TRÂM ANH
Đồ họa: TRÂM ANH

Vượt qua khó khăn

Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn Lê Trung Chinh chia sẻ, việc sắp xếp hoàn thiện bộ máy và tinh giản biên chế là vấn đề khó khăn, phức tạp và nhạy cảm bởi liên quan đến quyền lợi của nhiều tổ chức và con người, như: thừa cấp phó sau khi sắp xếp; một số cán bộ, đảng viên nhận thức chưa thông suốt và có sự băn khoăn bởi khi thực hiện sẽ tác động đến quyền lợi của họ do sắp xếp tổ chức và tinh giản biên chế.

Bên cạnh đó, số lao động hợp đồng theo đề án thu hút của thành phố và hợp đồng lao động của quận là các đối tượng có năng lực, được đào tạo bài bản song khi thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW nằm trong diện phải thực hiện cắt giảm.

Ngoài ra, Trung ương, thành phố cũng chưa có chính sách cụ thể đối với các trường hợp sắp xếp số cán bộ dôi dư nên công tác vận động, khuyến khích cán bộ gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều chủ trương thực hiện thí điểm theo quy định của nghị quyết rất khó thực hiện trong thời điểm hiện nay.

Để khắc phục những khó khăn này, theo ông Lê Trung Chinh, lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn đã yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể từ quận đến cơ sở, nhất là người đứng đầu phải tâm huyết, quyết liệt thực hiện; nắm thật chắc, hiểu thật rõ quan điểm, tinh thần chỉ đạo của các cấp để quán triệt cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tạo được sự thống nhất trong nhận thức và đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện chủ trương này, đồng thời phải giải quyết tốt vấn đề tư tưởng cho cán bộ, đảng viên.

“Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị tham mưu thực hiện Nghị quyết này phải thật sự công tâm, khách quan nhằm bảo đảm chất lượng và hiệu quả; phải vì tổ chức, nhiệm vụ của cơ quan đó mà chọn người, chứ không phải vì người mà bố trí”, ông Lê Trung Chinh nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Đình Vĩnh cho biết: “Trước khi sáp nhập các trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX), lãnh đạo sở đã nhiều lần đi thực tế để ghi nhận tình hình, đánh giá thực trạng cũng như trực tiếp trò chuyện, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, giáo viên, nhân viên tại các TTGDTX và vận động, thuyết phục.

Lãnh đạo sở rất thận trọng trong thực hiện các bước tinh gọn số lượng người làm việc như: đánh giá thực trạng, lập danh sách công chức, viên chức và người lao động tự nguyện nghỉ việc theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ; lập danh sách công chức, viên chức và người lao động có nguyện vọng chuyển đến các trường phổ thông; lập danh sách công chức, viên chức và người lao động có nguyện vọng khác.

Việc sáp nhập các TTGDTX được xây dựng lộ trình phù hợp theo địa bàn, tình trạng cơ sở vật chất, vị trí đất đai để thuận tiện cho việc tổ chức các hoạt động sau này đạt hiệu quả cũng như tránh tạo nên “cú sốc”. Trong quá trình thực hiện sắp xếp, bảo đảm hoạt động của các TTGDTX không bị gián đoạn, xáo trộn và các chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động đúng theo các quy định hiện hành sau khi thực hiện sắp xếp.

Nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Bùi Văn Tiếng nhìn nhận, công tác tinh gọn bộ máy là vấn đề cấp bách của cả nước nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng. Để thực hiện tốt việc này thành phố cần nhìn nhận rõ những khó khăn trước mắt để có những bước đi phù hợp, trong đó rào cản lớn là đụng chạm đến quyền lực, lợi ích của nhiều người.

Do đó, các đơn vị, địa phương cần phải làm tốt hơn nữa công tác tư tưởng, phải làm cho tư tưởng “thông” để tạo sự đồng thuận mới có thể triển khai các nội dung sắp xếp, tinh gọn một cách có hiệu quả.

Ngoài ra, để tinh gọn bộ máy có hiệu lực, hiệu quả thì cần sắp xếp công việc cho hợp lý, nhất là giải quyết hợp tình, hợp lý với các biên chế dôi dư. Do đó, công tác đánh giá cán bộ phải được đặt lên hàng đầu. Cán bộ, công chức có ý chí cầu tiến, hoàn thành nhiệm vụ nhiều năm liền thì giữ lại; người không hoàn thành nhiệm vụ thì cần phải loại ra khỏi bộ máy. Việc này phải được thực hiện công tâm, khách quan.

Chú trọng kiện toàn bên trong

Thực tế cho thấy, công tác sắp xếp, đổi mới hệ thống chính trị đang đòi hỏi sự quyết liệt hơn nữa trong thực hiện; tinh giản phải hướng đến đúng đối tượng; đồng thời, bảo đảm sự công khai, minh bạch, dân chủ cũng như sự ổn định về tư tưởng trong nội bộ đơn vị có người bị tinh giản.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng, việc cắt giảm theo tỷ lệ 1,5% hằng năm và thu hồi 50% chỉ tiêu nghỉ tinh giản biên chế, hưu trước tuổi là phương pháp cào bằng, dễ làm nhưng bất hợp lý do số lượng biên chế giao, quá trình giao biên chế, cơ sở giao biên chế suốt thời gian qua không giống nhau ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Những yếu tố này gây áp lực lớn đối với các cơ quan hành chính các cấp trong thực hiện nhiệm vụ cũng như triển khai thực hiện chủ trương tinh giản biên chế. Đồng quan điểm, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Võ Công Chánh cho rằng không nên thực hiện một cách cơ học việc sáp nhập bởi lẽ không cẩn thận, lợi bất cập hại.

Vì vậy, để có cơ sở rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý đối với cơ cấu bên trong ĐVSNCL khi chưa có các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương điều chỉnh, Sở Nội vụ đã tham mưu Chủ tịch UBND thành phố có Công văn số 2737/UBND-SNV ngày 17-4-2018 quy định về cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động và số lượng cấp phó trong ĐVSNCL.

Công văn quy định rõ: bộ máy và nhân lực làm gián tiếp, hỗ trợ phục vụ chiếm tỷ lệ không quá 1/3; bộ máy và nhân lực làm trực tiếp về chuyên môn, lao động dịch vụ chiếm tỷ lệ ít nhất 2/3 trong đơn vị. Đơn vị dưới 20 người thì có không quá 2 phòng, dưới 30 người thì thành lập không quá 3 phòng, từ 30 người đến dưới 150 người thì được thành lập không quá 2 phòng gián tiếp, trên 150 người thì thành lập theo tỷ lệ 1/3-2/3 như trên. 

Về cấp phó, đơn vị dưới 30 người chỉ có 1 cấp phó; từ 30 người đến dưới 150 người có 2 cấp phó. Đơn vị y tế điều trị bệnh có 150 người trở lên có không quá 3 cấp phó. Các đơn vị sự nghiệp khác có từ 150 người trở lên và có phạm vi hoạt động trải rộng trên nhiều địa bàn hoặc có tính chất phức tạp thì Chủ tịch UBND thành phố xem xét từng trường hợp cụ thể để thực hiện, nhưng không quá 3 cấp phó.

Theo đó, các sở, ngành, đơn vị đã triển khai phương án sắp xếp tổ chức bên trong, điều chỉnh cơ cấu lao động. Điển hình, Sở Tư pháp thực hiện mô hình bỏ phòng chuyên môn trong 5 ĐVSNCL có quy mô nhỏ từ 8-16 người; đồng thời, điều chỉnh cơ cấu lao động ở 3 phòng công chứng. Trường Cao đẳng Văn hóa-Nghệ thuật, Trường Cao đẳng nghề giải thể, hợp nhất, sát nhập các phòng chuyên môn và đơn vị trực thuộc có khối lượng công việc ít...

Bên cạnh đó, việc thực hiện cơ chế tự chủ trong ĐVSNCL cũng được chính quyền thành phố quan tâm và thực hiện quyết liệt. Tỷ lệ đơn vị được giao quyền tự chủ tăng dần; riêng năm 2017 tăng thêm 7 đơn vị, nâng tổng số lên 27 ĐVSNCL được giao quyền tự chủ. Đặc biệt, việc chuyển sang cơ chế giá dịch vụ đã giúp đẩy mạnh thực hiện tự chủ tài chính tại các trung tâm y tế quận, huyện, giảm mạnh số lượng người làm việc giao cho khối sự nghiệp y tế.

“Điểm mấu chốt của việc chuyển đổi là tăng tính tự chủ trên nguyên tắc chuyển từ cơ chế cấp phát sang cơ chế đặt hàng; từ hỗ trợ cho các đơn vị cung cấp dịch vụ sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng hưởng thụ; chuyển từ phí sang giá. Tính đúng, tính đủ chi phí vào giá dịch vụ sẽ vừa giảm gánh nặng ngân sách, vừa thúc đẩy hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp theo cơ chế thị trường; đồng thời tạo hành lang pháp lý, môi trường cung ứng dịch vụ sự nghiệp công bằng, cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh”, ông Võ Ngọc Đồng bày tỏ.

Đồng thời, Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên chủ động và tích cực triển khai cổ phần hóa ĐVSNCL với các giải pháp, bước đi thận trọng, chặt chẽ. 5 đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi thành công ty cổ phần trong giai đoạn 2017-2020 gồm: Công ty Quản lý cầu đường (Sở Giao thông vận tải), Công ty Quản lý vận hành điện chiếu sáng công cộng, Công ty Công viên-cây xanh, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải (Sở Xây dựng), Trung tâm Vi mạch (Sở Thông tin và Truyền thông). Trong giai đoạn 2021-2025, Đà Nẵng sẽ có thêm 7 đơn vị sự nghiệp công lập cổ phần hóa.

Việc cổ phần hóa, đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ thúc đẩy mạnh mẽ yêu cầu tách dịch vụ công ra khỏi cơ quan quản lý Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII), Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) và Nghị quyết số 04-NQ/TU của Thành ủy; từ đó, giảm áp lực công việc, tập trung nguồn lực cho quản lý hành chính, làm cơ sở để tinh gọn bộ máy và biên chế hành chính.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Võ Văn Thương cho biết, việc triển khai các nghị quyết này trên địa bàn thành phố vẫn còn gặp một số hạn chế, như: hiện nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa được các cơ quan Trung ương ban hành để quy định, sửa đổi, bổ sung thay thế các văn bản liên quan đến công tác quản lý trên các lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế, tinh giản biên chế, công chức, viên chức, tổ chức chính quyền địa phương nên địa phương chưa có cơ sở tổ chức thực hiện. Nhiều bộ, ngành chưa ban hành các văn bản hướng dẫn, định hướng công tác sắp xếp, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành nên các sở, ngành địa phương lúng túng trong tham mưu tổ chức thực hiện.

Để bước đầu khắc phục những khó khăn này, đối với những việc đã có quy định cụ thể thì thực hiện thực hiện ngay; những việc mới chưa được quy định, hoặc những việc đã có quy định nhưng không còn phù hợp thì mạnh dạn chỉ đạo thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện, không cầu toàn, không nóng vội.

Đối với những việc còn mang tính phức tạp, nhạy cảm, còn có ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để có chủ trương, giải pháp phù hợp. “Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy phải thực hiện một cách hợp lý, chặt chẽ, làm đến đâu chắc đến đó, không để phát sinh những bất cập. Phải có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài”, ông Võ Văn Thương nêu giải pháp.

Lời kết:

Hai Nghị quyết số 18 và 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII là bước đi quan trọng nhằm giải quyết tốt việc đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế. Việc thực hiện nghị quyết không chỉ hướng đến mục tiêu tinh gọn mà còn bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, sẽ góp phần to lớn nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay.

Những kết quả ban đầu từ việc sắp xếp, đổi mới hệ thống chính trị mà Đà Nẵng đạt được trong thời gian qua rất ý nghĩa, tạo bứt phá mạnh mẽ trong việc giảm sự cồng kềnh của bộ máy Nhà nước trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, để việc sắp xếp, đổi mới hệ thống chính trị đạt kết quả tốt nhất, Đà Nẵng cần phải tiếp tục triển khai các giải pháp phù hợp, có lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt lẫn lâu dài và kiên trì với giải pháp đó.

Đồng thời, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện để tháo gỡ vướng mắc kịp thời, phát huy những mặt tích cực. Có vậy mới thực hiện tốt một trong những giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã đề ra là “kiên quyết thực hiện đúng mục tiêu, có hiệu quả việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cải cách chế độ công vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”...

Đề án thể hiện sự đột phá mạnh mẽ so với trước. Đã đến lúc chúng ta đối diện sự thật là phải cải cách” Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại cuộc họp về triển khai đề án sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố quản lý, giai đoạn 2017-2020, ngày 3-10-2017.

TRÂM ANH - QUỐC KHẢI

;
.
.
.
.
.
.