Đà Nẵng còn mưa 2-3 ngày

.

Chiều 25-11, Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ tiếp tục phát tin cảnh báo mưa lớn trên diện rộng tại các tỉnh, thành phố ở khu vực Trung Trung Bộ do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rìa phía bắc hoàn lưu vùng thấp suy yếu từ bão số 9.

Theo đó, từ đêm 25 đến ngày 28-11, các tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị có mưa rải rác, có nơi mưa vừa; các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có mưa vừa, có nơi mưa to. Tổng lượng mưa tại tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị từ 40-70mm/ngày, có nơi trên 120mm; tại tỉnh Thừa Thiên Huế từ 100-200mm/ngày, có nơi trên 250mm/ngày; thành phố Đà Nẵng từ 100-150mm/ngày, có nơi trên 200mm/ngày; tỉnh Quảng Nam từ 150-300mm/ngày, có nơi trên 300mm/ngày; tỉnh Quảng Ngãi từ 150-300mm/ngày, có nơi trên 350mm/ngày.

Về diễn biến lũ, từ 25-11 đến 28-11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận phổ biến ở mức báo động 2 - báo động 3, các sông nhỏ lên trên báo động 3; các sông ở  khu vực Tây Nguyên ở mức báo động 1 - báo động 2.

Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên. Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng - Bình Thuận, nhiều mây, có mưa to đến rất to và giông. Gió đông bắc cấp 2-3. Trong cơn giông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Độ ẩm từ 75 - 100%. Nhiệt độ thấp nhất 21 - 24  độ C; cao nhất 24 - 27  độ C.                       

Ngày 25-11, mưa lớn do hoàn lưu bão số 9 đã gây thiệt hại bước đầu tại một số địa phương. Cơn bão số 9 đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu, với cường độ mạnh cấp 8 – 9, giật cấp 12 và dù đang suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, nhưng do quét qua khu vực Nam Trung Bộ, đã làm hư hỏng nặng và tê liệt tuyến đường sắt Bắc – Nam.

Trước thực tế này, ngành đường sắt phải thực hiện chuyển tải các đoàn tàu đang nằm chờ đường ở các ga trong khu vực như SE1, SE2, SE10... với cả nghìn hành khách để từng bước khắc phục.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang tập trung huy động các đơn vị đường sắt phía nam ra khu vực bị hư hỏng khẩn trương cứu chữa, thông tàu qua từng vị trí bị hư hỏng. Tuy nhiên, công tác cứu chữa đang gặp nhiều khó khăn do nước lũ vẫn đang gây ngập nhiều vị trí nhà ga, khu gian, nên chưa thể dự kiến thời gian thông tàu.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng cơn bão số 9, hàng chục hộ nuôi tôm hùm, nuôi cá ở vịnh Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) cũng đang điêu đứng vì thiệt hại quá nặng, có người trắng tay. Mưa lớn trên diện rộng cùng với gió lốc của bão số 9 cũng đã khiến nhiều cây xanh ngã đổ và hàng loạt tuyến đường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh chìm sâu trong biển nước.

Tại tỉnh Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, nhiều địa phương bị ngập nặng, đồi núi sạt lở, địa bàn và giao thông bị chia cắt. Còn tại thành phố Phan Thiết, khu vực phường Hàm Tiến từ khu du lịch Biển xanh đến khu du lịch Làng Tre, dài khoảng 1km, sóng to, gió mạnh đã gây sạt lở sâu vào đất liền từ 5-10 m. Khoảng 30  thuyền máy nhỏ (dưới 20CV) tại thành phố Phan Thiết bị hư hỏng, chìm.

HOÀNG HIỆP - TTXVN

;
.
.
.
.
.
.