Con đường tình làng, nghĩa xóm

.

Mặc dù cuộc sống của người dân trên địa bàn huyện Hòa Vang còn gặp nhiều khó khăn nhưng khi chính quyền địa phương vận động hiến đất mở đường, người dân sẵn sàng ủng hộ và không một chút đắn đo, so bì thua thiệt. 

Những tuyến đường khang trang, rộng rãi, sạch đẹp có sự đóng góp không nhỏ của người dân trong việc hiến đất mở đường. TRONG ẢNH: Tuyến đường vào thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước được đầu tư nâng cấp mở rộng khang trang, sạch đẹp.
Những tuyến đường khang trang, rộng rãi, sạch đẹp có sự đóng góp không nhỏ của người dân trong việc hiến đất mở đường. TRONG ẢNH: Tuyến đường vào thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước được đầu tư nâng cấp mở rộng khang trang, sạch đẹp.

Về Hòa Vang hôm nay, nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước diện mạo mới của những con đường liên thôn, liên xã được trải bê-tông phẳng phiu, rộng rãi, trong đó có những đoạn đường do chính người dân tự nguyện hiến đất góp công, góp của.

Hòa Phú là một những xã tiêu biểu trong huy động sức dân làm đường giao thông nông thôn. Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Nguyễn Tân cho biết, Hòa Phú là xã thuần nông, đời sống của bà con nơi đây chủ yếu dựa vào nông nghiệp, lâm nghiệp, song khi chính quyền địa phương vận động mở rộng đường, nhiều hộ dân đã sẵn sàng phá tường rào, cổng ngõ, ủng hộ hàng chục triệu đồng, hiến hàng trăm mét đất để làm đường bê-tông thay thế con đường đất, đường gạch bé nhỏ trước đây. Nhờ sự đóng góp của nhân dân, nhiều tuyến đường giao thông được hoàn thành, thôn xóm trở nên sạch đẹp, khang trang hơn.

Từ cuối năm 2011 đến nay, nhân dân trong xã đã đóng góp hàng chục ngàn ngày công và gần 20 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã 8,4km bê-tông hóa; 100% đường trục thôn 12km cứng hóa; 100% đường giao thông kiệt, hẻm với chiều dài 23,66km cũng được nâng cấp, mở rộng lên 3,5 mét và bê-tông hóa.

Ðầu năm 2015, con đường vào thôn Đông Lâm (xã Hòa Phú) được trải bê-tông bằng phẳng, mặt đường mở rộng 3,5m, đi lại thuận tiện. Ông Nguyễn Văn Bảo, Trưởng thôn Đông Lâm chia sẻ, với cách làm công khai tài chính và đường đi qua hộ nào, hộ đó hiến đất nên ai cũng nhận thấy lợi ích của việc mở rộng đường giao thông nông thôn và tích cực tham gia.

Còn ông Nguyễn Văn Bình, người dân thôn Ðông Lâm vui mừng bày tỏ: “Khi chưa được đầu tư nâng cấp, đường luôn lầy lội, còn giờ đây thoáng đãng. Người dân nơi đây ai nấy đều mừng vì đã chung sức, chung lòng đóng góp công sức, tiền của làm nên con đường này. Và đây chính là con đường của tình làng, nghĩa xóm”.

Không riêng gì xã Hòa Phú, hưởng ứng phong trào thi đua  “Chung tay xây dựng nông thôn mới”, mỗi địa phương ở Hòa Vang đều có những cách làm hay, sáng tạo trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó có tiêu chí giao thông. Ðến nay, tại các xã Hòa Sơn, Hòa Khương, Hòa Ninh, Hòa Phong..., hầu như gần 100% các tuyến đường liên thôn, liên xã đều được bê-tông hóa; trong đó nguồn đóng góp công sức, tiền của và hiến đất mở đường của nhân dân là không hề nhỏ.

Nếu hơn chục năm trước, nhiều người tỏ ra ngán ngẩm với những con đường “nắng bụi, mưa lầy” khi đến các xã ở huyện Hòa Vang, đến hôm nay nhiều con đường liên thôn, liên xã ở vùng quê này đã được nâng cấp, mở rộng, phục vụ nhu cầu đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, buôn bán, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tính đến nay, nhân dân toàn huyện đã hiến gần 230.000m2 đất và đóng góp hơn 60.000 ngày công để làm đường giao thông nông thôn.

Ông Trần Văn Trường, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang cho rằng, để có được sự thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động của mỗi người dân là nhờ Ðảng bộ, chính quyền từ huyện đến cơ sở đồng thuận, nhất trí cao từ chủ trương đến thực hiện, luôn công khai, minh bạch; qua đó giúp nhân dân thấy được lợi ích mang lại cho chính họ. Từ đó, người dân đồng lòng hưởng ứng, tự nguyện đóng góp sức người, sức của xây dựng quê hương.

Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

;
;
.
.
.
.
.