Tỉnh táo trước những mặt trái của 'thế giới ảo'

.

Thời đại thông tin ngày nay đã tạo vô vàn những điều kiện thuận lợi cho mọi người giao lưu, liên kết, chia sẻ những sở thích, sự quan tâm, những ý tưởng, những việc làm… bằng các phương tiện truyền thông hiện đại - nhất là sự phát triển ngày càng đa dạng của Internet, trong đó có các mạng xã hội.

Có thể nói Internet, mạng xã hội đã kết nối con người trên toàn thế giới, rút ngắn không gian, thời gian và thúc đẩy sự giao lưu, hợp tác quốc tế. Sự phổ biến đó của Internet cũng như các trang mạng xã hội - gọi chung là “thế giới ảo” đã làm nên những điều kỳ diệu.

Hòa trong dòng chảy đó, theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2018, Việt Nam đứng trong nhóm 10 quốc gia có nhiều người dùng mạng xã hội nhất thế giới. Trong đó, trung bình một người Việt Nam sử dụng gần 7 tiếng đồng hồ mỗi ngày trên Internet và gần một nửa thời gian đó cho mạng xã hội.

Thế nhưng, có một câu hỏi lớn đang đặt ra hiện nay là với số người và thời lượng đó, người dùng đã làm những gì trong “thế giới ảo”?

Bởi, ngoài những ưu điểm như trên đề cập là trao đổi thông tin, nghiên cứu, học tập, giải trí…, thì mặt trái của “thế giới ảo” là đầy rẫy sự nguy hại đã gây ra vô vàn phức tạp cho con người và xã hội. Vì để phân biệt đúng sai, sàng lọc những thông tin “thật” và “giả” tràn ngập trên các trang mạng để tìm hiểu, tương tác thì không phải ai cũng làm được. Bên cạnh thông tin giả trên các trang mạng xã hội, thì các website giả danh cơ quan công quyền Nhà nước hoặc các cá nhân là lãnh đạo Đảng, Nhà nước... cũng đang được nhiều đối tượng cơ hội, phản động lợi dụng khai thác triệt để nhằm kích động, gây sự hoài nghi, làm suy giảm lòng tin của nhân dân.

Thời gian qua, căn cứ vào pháp luật Việt Nam, Bộ Thông tin-Truyền thông nước ta đã yêu cầu Google ngăn chặn, gỡ bỏ được gần 4.500 video clip xấu độc trên trang Youtube. Facebook cũng đã tiến hành gỡ bỏ khoảng 3.000 đường link có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam…

Ví dụ đó cho thấy, mặt trái của nó cũng đã tạo ra những nguy cơ vô cùng to lớn nếu người sử dụng quá lạm dụng và không tỉnh táo để phân biệt đâu là thật-giả, đúng-sai.

Có một số người lầm tưởng rằng việc chúng ta tạo ra các mạng xã hội là để cho con người tự do hơn, như: tự do phát ngôn, tự do thể hiện quan điểm và suy nghĩ của mình, tự do chia sẻ những gì mình thích mà không bị ràng buộc bởi pháp luật hay cộng đồng mạng.

Thực tế không hoàn toàn như vậy. Nếu người sử dụng không tỉnh táo, không chọn lọc đúng-sai, thật-giả và quá say sưa thì dễ dẫn đến những sai lầm, thậm chí vi phạm pháp luật.

Khi đăng hay chia sẻ những thông tin nào đó lên trang mạng xã hội cá nhân và một khi nhận được nhiều sự ủng hộ của bạn bè thì càng dễ bị kích thích sự tự mãn, mà ai đó không hiểu rằng trong sự tung hô ấy có rất nhiều phần là những lời lẽ sáo rỗng, vô trách nhiệm chỉ bởi người nói ra không phải đối mặt cảm xúc với bất cứ ai, hay họ cũng không biết những thông tin mà họ chia sẻ đó đúng hay sai và có tác động như thế nào đối với đời sống xã hội.

Hiện nay, trên các trang mạng xã hội, chúng ta cũng không khó để đọc vô vàn những lời chà đạp, vô vàn lời sỉ mắng vô cùng thậm tệ mà ở ngoài đời, nếu con người đối diện trực tiếp với nhau, có thể sẽ không xảy ra. Nhưng mạng xã hội, với sự “ảo mà thực” và “thực mà ảo” - cho phép chúng ta trở nên độc ác, tàn nhẫn và vô trách nhiệm trước số phận một con người, một tổ chức, một cộng đồng nào đó… một cách không thương tiếc.

Từ câu chuyện tình sai lầm với cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và những điều khủng khiếp bản thân đã từng trải qua trong suốt thời gian ấy, đã giúp Monica Lewinsky hiểu được rất nhiều câu chuyện đau lòng khác. Trong bài thuyết trình “Cái giá của sự nhục nhã”, Monica Lewinsky đã bày tỏ một điều cũng đáng để mọi người cùng suy ngẫm: “Chúng ta hay nói nhiều về quyền tự do ngôn luận, nhưng chúng ta cần nói nhiều hơn về trách nhiệm của chúng ta với tự do ngôn luận”!

Đúng vậy, đã có không ít người cứ ra rả nói đến tự do, kêu gào sự tự do cho chính họ, hay cho ai đó, nhưng lại vô trách nhiệm với sự tự do của người khác; hoặc họ tha hồ phê phán, công kích, thoái mạ, bới móc đời tư của người khác nhưng không biết được thông tin về người đó như thế nào, giá trị nhân phẩm của họ bị tổn thương và nỗi đau của họ ra sao.

Và có một thực tế đắng cay khác cũng đáng để chúng ta nói đến, đó là: Sự xấu hổ ở thế giới thực có khi chỉ trong phạm vi gia đình, làng xóm, trường học hay cộng đồng; nhưng còn ở “thế giới ảo” sẽ là hàng triệu triệu người trên cả nước và cả hành tinh này có thể đâm vào trái tim bạn bằng những lời lẽ đầy đắng cay, xúc xiểm đến rợn người.

Hậu quả nặng nề là vậy, thế nhưng, cách xử sự nhẫn tâm của khá nhiều người khi sử dụng Internet, các trang mạng xã hội hiện vẫn không dừng lại, thậm chí, ngày càng có xu hướng gia tăng một cách đáng lo ngại.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) trong một buổi trò chuyện về chủ đề “Ta đã làm gì đời ta… trong thế giới ảo?” mới đây đã cho rằng: “Cuộc đời thực đang xâm lăng thế giới ảo” khi mọi người thoải mái phơi bày cuộc sống và suy nghĩ riêng tư lên mạng xã hội, làm cho nó “sống thực hơn cả thực trong thế giới ảo” mà không biết chính họ đã vô tình hay cố ý làm hại chính họ và nguy hiểm hơn là ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả cộng đồng!

Ở một phương diện khác, cũng cần phải nói là xuất hiện không ít những “anh hùng bàn phím” đã và đang làm khuynh đảo trên các trang mạng xã hội. Họ tự cho mình là “nhất thiên hạ” về mọi mặt. Để gây sự chú ý của cộng đồng mạng, họ không ngại tung ra những thông tin “bịa đặt” nhưng được cho là “thâm cung bí sử” bằng ngôn từ y như thật để lừa lọc mọi người. Hay họ tung ra những lời lẽ như “khuôn vàng thước ngọc”, để “dạy bảo” như những bậc thánh nhân. Thậm chí, họ còn đưa ra sự phán quyết như những quan tòa về những điều mà họ cho là “vi phạm” mà không có sự thật hay không được kiểm chứng… Chính những “anh hùng bàn phím” này đã gây ra không ít những thông tin sai lệch cho mọi người. Hệ lụy cao hơn mà những “anh hùng bàn phím” tạo nên, đó chính là làm ảnh hưởng đến chính sách của một quốc gia, của một đơn vị, địa phương, hay bôi xấu người khác không thương tiếc, gieo rắc về một lối sống lệch lạc, làm cho đời sống tinh thần không ổn định, tạo ra bầu không khí u ám và đầy rẫy sự nghi ngại ngay chính họ hay mọi người xung quanh…

Có một ví dụ đáng để mọi người cùng suy nghĩ. Đầu tháng 3 vừa qua, khi dịch tả heo châu Phi bắt đầu lan rộng tại một số địa phương ở nước ta và các phương tiện truyền thông đăng tải, thì trên mạng xã hội, không ít chủ tài khoản cũng “bắt trend” (theo xu hướng) đưa thông tin về bệnh dịch. Điều đáng bàn ở chỗ, trong khi dịch tả heo châu Phi đã được các nhà khoa học, bác sĩ trên thế giới và Việt Nam khẳng định không lây sang người, thì không ít chủ tài khoản Facebook khẳng định lây sang người, rồi kêu gọi cộng đồng tẩy chay thịt lợn. Nổi lên trong số này có fanpage Đầm bầu thời trang Mami (Hà Nội) đăng tải thông tin thịt heo vùng dịch được chế biến, nấu ăn sẽ lây sang người nên phải tẩy chay thịt heo kèm ảnh minh họa lấy lại từ các báo điện tử phản ánh về bệnh sán dây ở lợn năm 2018. Hành vi vi phạm này của chủ tài khoản đã bị Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông phạt hành chính 20 triệu đồng.

Hay như gần đây, khi thành phố Đà Nẵng tiến hành điều tra, kiên quyết ngăn chặn, xử lý các đơn vị vi phạm môi trường; hay tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch một số công trình để mở lối xuống biển cho người dân, thu hẹp hoặc ngừng thực hiện một số dự án để mở rộng diện tích đất công cộng cho đô thị thêm xanh, thông thoáng… thì đã có không ít thông tin sai trái đầy hằn học trên các trang mạng xã hội nhằm vào một số cá nhân, tổ chức để công kích một cách quyết liệt. Một số người cấu kết với nhau đưa ra những thông sai lệch rồi còn đặt ra câu hỏi như những quan tòa; hoặc họ cho rằng đang xuất hiện về phe cánh, về lợi ích nhóm, cá biệt họ còn nhằm vào một số cá nhân cụ thể để vu cáo nhằm chia rẽ nội bộ.

Từ những thông tin sai trái đó, một số người - kể cả cán bộ, công chức- thông qua các trang mạng xã hội cứ vậy chia sẻ, bình luận theo những cảm nghĩ riêng mình, gây nên sự hoài nghi trong dư luận, ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố.
Như trên đã đề cập, trong “thế giới ảo” có rất nhiều thông tin mà chúng ta không tỉnh táo kiểm chứng để nhận biết thật-giả, đúng-sai mà vô tư chia sẻ, bình luận thì chính chúng ta vô tình hay cố ý làm hại chính mình và nguy hiểm hơn là ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả cộng đồng.

Vì thế, sự tỉnh táo, thận trọng trước những mặt trái ngày càng nhiều của “thế giới ảo” sẽ không bao giờ thừa đối với người sử dụng Internet và các trang mạng xã hội hiện nay.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.