Ông Nam "dân số"

.

Hơn 23 năm, ông Đặng Quang Nam (51 tuổi, ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) đã gắn bó với công tác dân số và đã góp phần  tạo sự chuyển biến tích cực tại địa phương.

Ông Đặng Quang Nam cung cấp thông tin về các biện pháp tránh thai mới cho người dân.
Ông Đặng Quang Nam cung cấp thông tin về các biện pháp tránh thai mới cho người dân.

Dù làm nghề phổ thông nhưng do có khiếu nói và nhiệt tình, năng nổ nên ông Nam luôn tham gia các phong trào ở địa phương rồi “bén duyên” với công tác dân số lúc nào không hay. Ông tâm sự, khi mới bắt đầu làm cũng đã gặp không ít trở ngại do đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, điều kiện tiếp cận thông tin còn hạn chế.

Trước đây, do tâm lý “trọng nam khinh nữ” và tư tưởng sinh càng đông con càng vui nên người dân trên địa bàn thường sinh đông con, vì thế cuộc sống đã khó lại càng thêm khó. Nhớ lại những buổi đầu nhận nhiệm vụ, ông cũng gặp nhiều bỡ ngỡ bởi ông chưa có kiến thức về dân số.

Vậy là ông hăng hái tham gia hầu hết các lớp tập huấn để tự trau dồi cho mình các kiến thức về kế hoạch hóa gia đình; việc sử dụng các biện pháp tránh thai... để thuyết phục đối tượng. Nói chuyện về các biện pháp tránh thai là đã khó huống chi còn vận động họ dùng các biện pháp ấy, thế nhưng không nản chí. Ông nhận ra một thực tế là phần lớn chị em cũng không muốn sinh thêm con nhưng các ông chồng thì lại áp đặt vợ đẻ.

Phải năm lần bảy lượt mời uống cà-phê rồi đến nhà chơi, trò chuyện ông Nam mới thuyết phục được nhiều ông chồng bỏ ý định muốn vợ sinh thêm con cho vui cửa vui nhà, hoặc để có con trai nối dõi. “Tôi luôn tìm cách tiếp cận với người chồng để họ hiểu và thông cảm với những vất vả do mang nặng đẻ đau của người phụ nữ. Hơn nữa, sinh thêm con thì vất vả vì trẻ em không có điều kiện để phát triển toàn diện”, ông Nam nói.

Trên địa bàn được phân công theo dõi, ông tự phân chia thành từng nhóm đối tượng để dễ quản lý như: nhóm sinh con một bề, nhóm phụ nữ đơn thân nhưng có nhiều con... Tùy từng nhóm đối tượng mà ông có những cách tuyên truyền cho phù hợp, đồng thời luôn có những đề xuất để có thể giúp đỡ họ, giúp họ nâng cao kiến thức về sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Đồng thời, thông qua các cuộc họp ở tổ dân phố, ông cũng tăng cường lồng ghép để người dân hiểu hơn về công tác dân số, các biện pháp tránh thai phù hợp.

Có trường hợp anh L. (36 tuổi, ở phường Hòa Hải) làm nghề chạy xe ôm, đã có vợ và 2 con (1 trai, 1 gái) nhưng vẫn muốn có thêm con. Gia đình thuộc hộ cận nghèo và vợ anh thường xuyên đau ốm nên chị tự quyết định đi đặt vòng tránh thai không cho chồng biết. Vậy là sau khi biết vợ mình đã đặt vòng tránh thai, hai vợ chồng suốt ngày cãi nhau, thậm chí “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” chỉ vì... cái vòng. Ban đầu, khi ông Nam đến thuyết phục, anh chồng còn hùng hổ với ông. Thế nhưng sau nhiều lần gặp gỡ, kiên trì giải thích và đề xuất các đoàn thể đến thăm động viên và hỗ trợ gạo, vận động đi khám chữa bệnh... nên anh L. đã hiểu được lợi ích của việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình và không bắt vợ phải tháo vòng nữa.

Hơn 23 năm gắn bó với công tác dân số, từ những ngày phụ cấp của cộng tác viên dân số chỉ vỏn vẹn có 40.000 đồng/người/tháng cho đến nay phụ cấp đã tăng lên 400.000 đồng/người/tháng, ông vẫn hết lòng với công việc. Công tác dân số không phải đơn giản và có thể thay đổi ý thức người dân trong ngày một ngày hai. Tuy nhiên, ông Nam và những công tác viên dân số đã có những cách làm hiệu quả nhằm góp phần thay đổi nhận thức trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình của người dân.

Bài và ảnh: PHƯƠNG MINH

;
;
.
.
.
.
.