Cả nước hướng về Thành phố Hồ Chí Minh

.

ĐNO - Tình người trong đại dịch tiếp tục lan tỏa rộng khắp, mang lại tình cảm ấm áp cho tuyến đầu chống dịch và người dân gặp khó khăn, giúp họ sớm cùng thành phố vượt qua Covid-19. 

Xe thực phẩm của nhóm Thiện nguyện 0 đồng trước giờ lên đường đi hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: L. PHƯƠNG
Xe thực phẩm của nhóm Thiện nguyện 0 đồng Đà Nẵng trước giờ lên đường đi hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: L. PHƯƠNG

Sau gần 2 năm với 3 lần bùng phát dịch, người dân, doanh nghiệp và đặc biệt ngành y tế phải trải qua những ngày tháng vất vả, căng mình phòng, chống dịch để sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Ngày đó chưa kịp trở lại thì đợt dịch thứ 4 bùng phát. Ban đầu ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, rồi lan rộng ra nhiều địa phương khác, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đang phải căng mình chống đỡ trước tình hình dịch được tiên lượng diễn biến phức tạp và kéo dài.

Một thành phố hơn 10 triệu dân, là trung tâm kinh tế phía Nam, cửa ngõ giao thương với nhiều địa phương nên khi dịch bùng phát đã gây ra không ít khó khăn cho công tác phòng chống dịch. Làm sao để hài hòa và cân bằng giữa chống dịch với phát triển kinh tế, làm sao để chống dịch hiệu quả nhưng ít ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp...?

Câu hỏi nặng trĩu là bài toán khó đặt ra trước khi đưa ra quyết sách để làm sao hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch đặt lên ưu tiên hàng đầu.

Sau gần 2 tháng kể từ đợt bùng phát lần thứ 4 này, dịch diễn biến ngày càng phức tạp. Nhiều địa bàn như quận Bình Tân, Tân Phú, Hóc Môn, Bình Chánh, thành phố Thủ Đức, nhất là những nơi tập trung đông người như các chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức bùng phát. Từ đây kéo theo dịch phát tán lây lan ra khắp các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố.

Một điều khiến những người làm công tác phòng, chống dịch của thành phố lo lắng, nâng cảnh báo lên mức độ nguy cơ cao là các thành trì kinh tế cuối cùng của thành phố như khu chế xuất, khu công nghiệp, khu Công nghệ cao…bị dịch tấn công.

Một khi dịch bệnh kéo dài, số ca nhiễm tăng theo cấp số nhân, thì điều đáng lo nhất là hệ thống y tế quá tải và lực lượng chuyên môn ngành y không đủ phục vụ công tác phòng, chống dịch. Ngành y tế thành phố tiên lượng được tình hình nên đã chuẩn bị sẵn sàng kịch bản cho những tình huống này. Ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát, thành phố đã thiết lập các bệnh viện dã chiến ở Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ… sẵn sàng đón nhận và điều trị bệnh nhân không may nhiễm Covid-19.

Trước diễn biến dịch ngày càng phức tạp, trong những ngày gần đây, thành phố tiếp tục huy động toàn bộ nguồn lực xã hội chung tay phòng, chống dịch. Nhiều tổ chức cùng thành phố đóng góp tài chính để mua vắc-xin, trang thiết bị y tế… Một số doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ cơ sở vật chất như: Tòa nhà Thuận Kiều Plaza (quận 5), Khu chung cư tái định cư Bình Khánh ( quận 2)...để kịp thời thiết lập những bệnh viện dã chiến quy mô lên đến vài ngàn giường.

Không chỉ quá tải về cơ sở điều trị khi số lượng bệnh nhân mắc mới tăng nhanh, hệ thống y tế thành phố luôn trong tình trạng thiếu hụt trang thiết bị vật tư, nhất là những thiết bị chuyên dụng đặc thù cho điều trị dịch như đồ bảo hộ, máy thở, máy xét nghiệm… Nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đã thầm lặng trao tặng trang thiết bị hiện đại để ngành y tế thành phố đủ điều kiện, yên tâm phòng chống dịch.

Các y, bác sĩ thể hiện quyết tâm khi lên đường làm nhiệm vụ tại khu vực phía nam.
Các y, bác sĩ thể hiện quyết tâm khi lên đường làm nhiệm vụ tại khu vực phía Nam. Ảnh: V.T

Khi dịch bệnh kéo dài và lan rộng, nguồn nhân lực y tế cũng được huy động để chung tay cùng thành phố chống dịch. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Y tế, nhiều địa phương như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Đà Nẵng… đã chi viện cho thành phố hàng trăm y, bác sĩ. Khi thành phố cần tình nguyện viên hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, ngay lập tức, các doanh nghiệp huy động nhân lực và phương tiện chung tay cùng thành phố.

Diễn biến dịch bệnh ngày một phức tạp buộc Thành phố Hồ Chí Minh đi đến quyết định khó khăn là áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn thành phố. Các hoạt động giao thương bắt đầu đứt gãy, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp. Cuộc sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, nhất là những lao động tự do không có tích lũy dự phòng, lao động từ các địa phương về thành phố mưu sinh...

Trong những ngày qua, nhiều cá nhân, tổ chức đã chung tay cùng thành phố không chỉ phòng, chống dịch mà còn chia sẻ công tác an sinh xã hội. Nhiều hành động thiết thực lan tỏa, nhiều món quà ý nghĩa kịp thời chia sẻ đến với người dân thành phố đang gặp khó khăn trong những ngày giãn cách. Các suất ăn kịp thời tiếp thêm năng lượng cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Cùng chung tay với thành phố, một số địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Phòng, Bến Tre, Tây Ninh, Lâm Đồng, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Nội… cũng kịp thời ủng hộ tài chính, hàng hóa để chia sẻ cùng người dân thành phố. Trong đó, các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam... sẵn sàng mở rộng vòng tay đón nhận bà con đồng hương lập nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh về quê nương tựa trong thời điểm này.

Sự chung tay kịp thời của người dân và các tổ chức trong và ngoài nước đang góp phần cùng thành phố, cùng đất nước kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình an cho nguời dân.

Cả nước đang hướng về Thành phố Hồ Chí Minh, chung tay cùng thành phố sớm vượt qua Covid-19.

PHẠM SÔNG THU

;
;
.
.
.
.
.