Cần đẩy mạnh xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh người dân cung cấp

.

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông thành phố, từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra, lập biên bản hơn 26.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), xử phạt hơn 27,7 tỷ đồng. Riêng trong quý 1-2022, đơn vị xử lý qua hệ thống camera giám sát 3.614 trường hợp vi phạm, lập biên bản chuyển Kho bạc Nhà nước thu hơn 6,14 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe có thời hạn 1.141 trường hợp…

Lực lượng chức năng của thành phố hướng dẫn người dân về các thủ tục nộp phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông tại Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố.Ảnh: THÀNH LÂN
Lực lượng chức năng của thành phố hướng dẫn người dân về các thủ tục nộp phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông tại Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố. Ảnh: THÀNH LÂN

Tình hình vi phạm TTATGT trên địa bàn thời gian qua tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì vậy, các lực lượng chức năng của thành phố triển khai nhiều giải pháp, trong đó đề nghị người dân khi phát hiện các hành vi vi phạm về TTATGT thì chụp, gửi hình ảnh, clip để lực lượng chức năng xem xét, xử lý phạt “nguội”.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an thành phố, đơn vị đang kêu gọi người dân hợp tác gửi hình ảnh, clip về các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ để lực lượng chức năng xem xét, xử lý. Phòng CSGT đã thiết lập 3 địa chỉ tiếp nhận hình ảnh, clip vi phạm tại các trang: “CẢNH SÁT GIAO THÔNG CATP ĐÀ NẴNG”; “Truyền hình an ninh Đà Nẵng”; “Tuổi trẻ Công an thành phố Đà Nẵng”. Để công tác xử lý được nhanh gọn, chính xác, Phòng CSGT cũng lưu ý về hình ảnh, clip phản ánh cần thể hiện rõ tính nguy hiểm của hành vi vi phạm, nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến sự an toàn của người tham gia giao thông, gây mất mỹ quan đô thị, bức xúc trong dư luận. Hình ảnh có ghi nhận thời gian, địa điểm, tuyến đường vi phạm rõ ràng để làm căn cứ xử lý vi phạm.

Thực tế cho thấy, người dân đã gửi nhiều hình ảnh, video về cho lực lượng chức năng, buộc người vi phạm phải thừa nhận lỗi của mình. Kết quả, sau thời gian triển khai, đã có nhiều trường hợp bị xử lý. Đơn cử như trường hợp thiếu niên L.T.P (2006, trú quận Cẩm Lệ) điều khiển xe máy mang BKS 43A-03... trong tư thế nằm sấp trên yên xe chạy trên tuyến đường Hoàng Sa hướng lên bán đảo Sơn Trà. Sau khi nhận được phản ánh, Phòng CSGT đã nhanh chóng vào cuộc điều tra và sau đó tiến hành tạm giữ phương tiện, lập biên bản xử phạt theo quy định của pháp luật.

Mới đây, chỉ thời gian ngắn, sau khi tiếp nhận video ghi lại cảnh 3 học sinh không đội mũ bảo hiểm, chở nhau trên mô-tô, lạng lách đánh võng gây nguy hiểm cho những người đi đường, lực lượng Công an đã mời cả người vi phạm và chủ phương tiện lên trụ sở làm việc. Tại đây, trước nội dung vi phạm được ghi lại rõ ràng, những người vi phạm đã bị lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính…

Theo em Lê Hữu Hiệp, sinh viên Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), khi người dân cung cấp thông tin, hình ảnh về trường hợp người vi phạm, đề nghị cơ quan chức năng bảo mật hoàn toàn. Đồng thời người cung cấp thông tin cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin đã cung cấp.

Đồng quan điểm này, ông Phan Văn Vỹ (trú phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) cho rằng, việc lực lượng chức năng, tiếp nhận, xác minh thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm TTATGT đường bộ do tổ chức, cá nhân cung cấp là cần thiết. Với cách làm này, sẽ có thêm những chứng cứ cụ thể để cơ quan chức năng và CSGT xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm luật giao thông...

Trung tá Thái Anh Tuấn, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông, Phòng CSGT, Công an thành phố cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an thành phố, đơn vị đang đẩy mạnh triển khai xử phạt theo hình thức này. Đến nay, đã có rất nhiều trường hợp bị xử lý, qua đó, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn.

“Chúng tôi đề nghị trong thời gian tới, người dân tiếp tục đồng hành, hợp tác cùng lực lượng CSGT, ghi lại những hình ảnh vi phạm TTATGT để làm chứng cứ xử lý vi phạm. Tuy nhiên, hình ảnh ghi lại cần phải phản ánh những vấn đề nổi cộm, gây nguy hiểm đến tính mạng người tham gia giao thông cũng như gây các hình ảnh phản cảm làm mất hình ảnh thành phố đáng sống. Các camera ghi lại cần phải thể hiện thời gian, địa điểm, cụ thể... và tùy theo từng trường hợp vi phạm và mức độ vi phạm, đơn vị sẽ cử cán bộ trực tiếp xử lý ngay, hoặc phối hợp các tổ, đội đang làm nhiệm vụ trên từng địa bàn vào cuộc xử lý...”, Trung tá Thái Anh Tuấn nói.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã lắp đặt nhiều camera giao thông, mỗi tháng, lực lượng chức năng xử lý, “phạt nguội” hàng nghìn trường hợp vi phạm. Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng thành phố Hồ Nguyễn Quốc Cường cho biết, tính đến tháng 5-2022, Sở Giao thông vận tải đã triển khai lắp đặt, đưa vào sử dụng 197 camera giám sát xử lý vi phạm, 18 thiết bị đo tốc độ chuyên dụng, 66 camera quan sát. Phòng CSGT, Công an thành phố được trang bị các trang thiết bị phục vụ công tác xử lý vi phạm TTATGT bằng hình ảnh thu được từ thiết bị của Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng theo quy định.

Hiện Công an thành phố vẫn tổ chức thêm kênh tiếp nhận bằng chứng vi phạm trên các trang mạng xã hội của lực lượng Công an thành phố, qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho người dân. Được biết, trước đó, từ cuối năm 2016, Phòng CSGT Công an thành phố đã lập Facebook tiếp nhận phản ánh của người dân. Thông qua đây, người dân có thể tương tác, cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm về TTATGT và những bất cập trong tổ chức giao thông…

Theo Nghị định số 135/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ quy định về danh mục, việc quản lý sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp về phát hiện vi phạm hành chính, hình ảnh do các cá nhân cung cấp (do camera hành trình ghi lại, dùng điện thoại ghi hình...) đều được sử dụng làm căn cứ để phạt nguội.

Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận phản ánh, cơ quan chức năng phải xác minh tính chính xác của hình ảnh được cung cấp. Người dân có thể gửi hình ảnh đến đơn vị CSGT ở các địa phương hoặc các diễn đàn về giao thông. Người cung cấp tư liệu chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực, nguyên vẹn của dữ liệu đã cung cấp..

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.