Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về phòng, chống cháy nổ

.

Ngày 12-9, phát biểu tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18-7-2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH) của lực lượng PCCC, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, thời gian qua, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, khó lường, tần suất ngày càng cao, nhất là các vụ cháy tại khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh và đặc biệt là các cơ sở kinh doanh karaoke.

“Những vụ việc nghiêm trọng, thương tâm xảy ra thời gian qua là cảnh báo và cho thấy tình hình khẩn cấp, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ, tư duy, cách tiếp cận mới cho công tác phòng ngừa, ứng phó với các sự cố, tai nạn, hỏa hoạn, để bảo đảm an toàn tài sản và nhất là tính mạng con người; đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn phát biểu tại hội nghị.  Ảnh: LÊ HÙNG
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: LÊ HÙNG

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC và CNCH, coi đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân, góp phần tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội.

“Phải lấy người dân là trung tâm, chủ thể trong công tác PCCC và CNCH; đặt an toàn của người dân lên trên hết, trước hết; an toàn cháy nổ để góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, đề cao ý thức, kỹ năng PCCC và CNCH cho người dân; phấn đấu ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt xảy ra chết người, hậu quả nghiêm trọng trong cháy nổ, do nguyên nhân chủ quan. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp... phải chịu trách nhiệm trước hết về bảo đảm an toàn, cháy nổ và CNCH trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị cơ quan chức năng tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác PCCC và CNCH; chú ý hoàn thiện quy định về PCCC tại các quán karaoke; tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng để nhân dân tự giác chấp hành pháp luật về PCCC và CNCH; xây dựng phong trào toàn dân PCCC và CNCH; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương kiện toàn, củng cố các lực lượng tại chỗ làm công tác PCCC và CNCH tại khu dân cư, cơ sở; tập trung các nguồn lực để xây dựng và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về PCCC và CNCH; xây dựng, kiện toàn lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo đúng tinh thần Nghị quyết 12-NQ/TW ngày 16-3-2022 của Bộ Chính trị.

Đặc biệt, tăng cường thanh tra, kiểm tra, siết chặt quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH; xử lý nghiêm, kiên quyết thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động của các cơ sở không đủ điều kiện; xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa bảo đảm các điều kiện an toàn PCCC và khi xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu kiểm tra, giám sát. 

Theo báo cáo, trong 5 năm (2017-2021), toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy làm 433 người chết và 790 người bị thương, thiệt hại ước tính 7.043 tỷ đồng và 7.548ha rừng. Bên cạnh đó, xảy ra 149 vụ nổ, làm 64 người chết và 190 người bị thương; thiệt hại khoảng 1,14 tỷ đồng.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, toàn quốc xảy ra 1.136 vụ cháy, làm 57 người chết và 52 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính 532 tỷ đồng và 39ha rừng; đồng thời, xảy ra 10 vụ nổ, làm 7 người chết và 11 người bị thương.

Cháy và thiệt hại do cháy vẫn tập trung trong khu dân cư, nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh sản xuất (chiếm hơn 45% tổng số vụ cháy) và tại các cơ sở sản xuất, kho tàng (chiếm 30% tổng số vụ cháy), trong đó đã xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người. Nguyên nhân cháy chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện (chiếm trên 45% tổng số vụ cháy)…

Báo cáo thảo luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn cho biết, 5 năm qua trên địa bàn thành phố Đà Nẵng xảy ra 946 vụ cháy nổ, làm chết 5 người và bị thương 7 người, thiệt hại tài sản khoảng 56,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lực lực chức năng tiếp nhận 283 sự cố tai nạn, tổ chức CNCH 268 vụ, cứu được 127 người...

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn, thực hiện quy định của pháp luật, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và văn bản quy định của các bộ, ngành Trung ương, thời gian vừa qua, thành phố ban hành nhiều văn bản, chỉ thị sát với điều kiện thực tế của địa phương. Trong đó, chú trọng huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia vào các hoạt động PCCC và CNCH.

“Đà Nẵng đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở làm nòng cốt, trong đó lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH cũng như các cấp tổ chức thực hiện một số nội dung, đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về kiến thức PCCC và CNCH đến từng hộ dân.

Đồng thời, thường xuyên tập huấn về nghiệp vụ, hướng dẫn người đứng đầu cơ sở và lực lượng PCCC và CNCH thực hiện tốt công tác tự kiểm tra về an toàn cũng như tổ chức các hoạt động PCCC và CNCH”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn cho biết.

LÊ HÙNG

;
;
.
.
.
.
.