Nhọc nhằn đời sống công nhân

Bài cuối: Những "con thoi" của thời hiện đại

.

Khối lượng công việc nhiều, tăng ca liên tục, thậm chí không dám nghỉ phép vì sợ mất nhiều khoản tiền chuyên cần... dẫn đến nhiều người lao động ít có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, giải trí khiến đời sống tinh thần nghèo nàn, đơn điệu.

Thường xuyên làm việc tăng ca, nhiều công nhân không có thời gian chăm sóc con cái. Trong ảnh: Hai em nhỏ đang chờ ba mẹ tan làm trở về. Ảnh: PV
Thường xuyên làm việc tăng ca, nhiều công nhân không có thời gian chăm sóc con cái. TRONG ẢNH: Hai em nhỏ đang chờ ba mẹ tan làm trở về. Ảnh: P

Nhiều gánh nặng, lo toan, mệt mỏi

Từ 18 giờ tối mỗi ngày, chị Nguyễn Thị Tâm, công nhân may tại một công ty đóng tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu bắt đầu cho ca làm việc đêm tại công ty. Dù đã gắn bó với công việc làm thời gian ban đêm hơn 5 năm nhưng chị vẫn cảm thấy mệt mỏi mỗi khi kết thúc ca. Đặc biệt, tình trạng mệt mỏi, đau mắt do thức trắng đêm kéo dài gây ảnh hưởng đến việc sinh hoạt vào thời gian ban ngày. Để có sức khỏe làm việc liên tục vào ban đêm, chị phải cố gắng ngủ vào ban ngày.

“Công ty của tôi cho công nhân ăn uống, nghỉ ngơi trong quãng thời gian làm việc nhưng làm đêm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của công nhân nữ. Mỗi khi về tới phòng trọ là tôi ngủ li bì, không ăn uống đúng bữa”, chị Tâm bộc bạch.

Qua khảo sát, chúng tôi được biết, tâm lý chung của công nhân là phải tăng ca để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Với họ, việc duy trì công việc trong guồng quay “sáng đi, chiều về, tối ngủ” là điều đã quen thuộc đến… nhàm chán. Nhiều người muốn nghỉ việc nhưng lại không biết làm gì vì thiếu bằng cấp.

Chị Phan Thị Khánh Hòa, người lao động đến từ tỉnh Quảng Bình, hiện đang là công nhân tại Khu công nghiệp Hòa Khánh lo lắng, chị là lao động chính trong gia đình. Để có thể trang trải những khoản chi phí thuốc thang, chữa bệnh cho bố mẹ, có thêm thu nhập lo cho bản thân và gia đình, nhiều năm qua, chị thường xuyên phải vất vả tăng ca. Mỗi ngày, chị phải làm việc với tổng thời gian 12-16 tiếng, trong khi mỗi ca làm việc của công nhân chỉ 8 tiếng. Tuy vậy, với mức lương tăng ca ít ỏi, chị vẫn không đủ tiền để trang trải cuộc sống gia đình. May mắn trong thời gian này, chị đã tìm được thêm công việc bán hàng ở chợ đêm Hòa Khánh, nhờ vậy mới đủ tiền gửi về chi trả các chi phí và gửi về cho gia đình ở quê.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thủy, công nhân có thời gian làm việc hơn 7 năm ở một nhà máy trong Khu công nghiệp Hòa Khánh chia sẻ, mỗi ngày, chị phải làm việc suốt 12 giờ đồng hồ khiến tình trạng sức khỏe gặp vấn đề, liên tục bị chóng mặt, thậm chí không đứng vững vào cuối giờ làm. Sau giờ tan ca, cơ thể chị mệt nhoài đến mức không còn muốn ăn gì hoặc đi đâu nữa. Sức khỏe chị càng tồi tệ hơn khi sinh đứa con thứ hai, cùng với sức khỏe suy giảm, áp lực công việc nặng nề khiến chị phải nghỉ việc để ở nhà.

Thời gian làm việc kéo dài, nhiều doanh nghiệp yêu cầu làm tăng ca dẫn đến cha mẹ ít có thời gian quan tâm chăm sóc, vui chơi cùng con cái khiến mối quan hệ trong gia đình thiếu bền chặt. Qua khảo sát, nhiều trường hợp phải nhờ cô giáo giữ thêm vài tiếng vì chưa tan ca, có công nhân sau khi đón con tan học phải vội vã đến công ty làm việc để kịp giờ chấm công. Thậm chí, một số trường hợp phải gửi con về quê cho ông bà chăm non nên việc gần và chăm sóc con cái rất hạn chế, mang đến sự thiệt thòi của con khi xa cha mẹ. 

Anh Hoàng Đại Nghĩa, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Cầm (quận Cẩm Lệ) chia sẻ, để có thêm thu nhập và trang trải cuộc sống, vợ chồng anh liên tục tăng ca, việc quan tâm, chăm sóc con có phần lơ là dẫn đến con bị bệnh nặng về tiêu hóa và dinh dưỡng. Đến khi phát hiện, bệnh đã diễn biến nặng cần phải tốn khoản kinh phí lớn để chữa trị.

Đời sống tinh thần nghèo nàn, đơn điệu

Nhiều công nhân sau quá trình làm việc mệt mỏi chỉ có thể dấu mình sau những vách ngăn từ những bức tường phòng trọ, một phần vì cơ thể mệt mỏi cần nghỉ ngơi, phần khác vì các thói quen tiết kiệm chi phí từ đồng lương eo hẹp. Với họ, chiếc điện thoại thông minh như là… “người bạn “tri kỷ”. Đây là phương tiện giải trí được nhiều người lao động lựa chọn sau những giờ tan ca mỏi mệt. Thậm chí, nhu cầu hẹn hò cũng tạm thời gác qua, số lần dạo phố hiếm hoi có thể đếm bằng “đầu ngón tay” do không có thời gian…

Chị Nguyễn Thị Sao, công nhân tại Khu công nghiệp Hòa Khánh tâm sự, mỗi ngày, thời gian đi làm từ 18 giờ tới 6 giờ sáng khiến đồng hồ sinh học của chị bị đảo lộn hoàn toàn. Việc này cứ lặp đi lặp lại khiến chị không có nhiều mối quan cộng đồng, đa phần chỉ những người bạn cùng làm công nhân. “Thời gian rảnh trong ngày của những công nhân như tôi chỉ dành ngủ hoặc nằm bấm điện thoại. Làm ca đêm nên tôi luôn cảm thấy trong người mệt mỏi, không có sức sống và buồn ngủ. Vì thế mà tôi không muốn tiếp xúc hay giao tiếp với ai khác”, chị Sao nói.

Trong khi đó, mỗi ngày cuộc sống của chị Nguyễn Thu Hiệp (30 tuổi, trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu), công nhân tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, chỉ quanh quẩn từ nhà trọ đến công ty. Lối sống công nghiệp làm việc cả ngày, tăng ca liên tục khiến chị và nhiều công nhân nữ có rất ít cơ hội, thời gian để gặp gỡ, giao lưu với những người khác giới. Thêm vào đó, tại công ty, số lượng công nhân nữ luôn nhiều hơn công nhân nam nên rất càng khó có người yêu. Mặc khác, sau thời gian đi làm, hầu như chị Hiệp chỉ ở phòng chứ không dám đi đâu. “Nhiều người vẫn hỏi tại sao 30 tuổi rồi mà chưa lấy chồng. Nhưng với mức lương, thời gian đi làm như hiện tại thì thời gian đâu mà tìm đối tượng hẹn hò”, chị Hiệp chia sẻ.

Theo quan sát của phóng viên, ở những khu tập trung đông công nhân sinh sống thường có rất ít tụ điểm vui chơi, giải trí lành mạnh. Chủ yếu nơi đây tập trung những loại hình giải trí như bắn cá, bi-a, quán net, quán nhậu… Những tụ điểm này là nơi nhiều công nhân thường xuyên lui tới sau những giờ làm việc căng thẳng, mệt mỏi. Anh Huỳnh Văn Tuấn, công nhân Khu công nghiệp Hòa Khánh cho hay, mặc dù rất đam mê thể thao nhưng do không có phương tiện đi lại và nhiều bạn bè nên anh không thể vui chơi, giải trí. Sau thời gian đi làm, anh chỉ ở nhà với chiếc điện thoại thông minh. Trong khi đó, cũng làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, anh Nguyễn Văn Phúc (đến từ tỉnh Quảng Bình) chia sẻ, sau giờ làm việc, anh cùng nhiều công nhân khác giải tỏa tâm lý bằng những cuộc nhậu. Tuy nhiên, với đồng lương công nhân eo hẹp, nhiều khoản chi phí để lo toan, cuộc sống của anh luôn lâm vào tình trạng “thiếu trước, hụt sau”. Nhiều lần, anh phải vay mượn từ các đồng nghiệp để trang trải tiền thuê trọ.

C.THẮNG - X.DUYÊN - V.HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.