.

Trên những nẻo đường biển, đảo Tổ quốc

.

Bước chân chị đã ghi dấu ở hầu hết những hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc để viết và cảm nhận hơi thở cuộc sống, công việc của người lính Hải quân, những công dân trên đảo. Chị là nữ nhà báo Đỗ Thị Thu Lan (35 tuổi) - biên tập viên, phóng viên kiêm phát thanh viên Hệ Thời sự chính trị tổng hợp VOV1 - Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN).

Phóng viên Thu Lan phỏng vấn cán bộ, chiến sĩ Trạm radar 540.
Phóng viên Thu Lan phỏng vấn cán bộ, chiến sĩ Trạm radar 540.

Duyên với nghề

4 lần ra thăm đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) và Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) vào những dịp Tết thì 2 lần tôi gặp chị. Dáng người xinh xắn, giọng nói ngọt ngào, chị đã để lại nhiều ấn tượng không chỉ với cán bộ, chiến sĩ (CBCS) hải quân mà ngay cả những người cầm bút như chúng tôi. “Có thể nói, tôi trở thành phóng viên của Đài TNVN là một cái duyên. Vào thời điểm tôi cất tiếng khóc chào đời là tiếng loa truyền thanh của xã cất lên: Đây là Đài TNVN, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”, Thu Lan tâm sự.

Thu Lan tốt nghiệp Đại học Thương mại, ngành Quản trị doanh nghiệp nhưng công việc chị chọn là làm báo. Năm 2006, Thu Lan chính thức trở thành phóng viên của VOV1. Kể từ đó đến nay, chị gắn bó với hai chương trình Nông nghiệp nông thônBiển đảo Việt Nam. Chương trình Biển đảo Việt Nam chính thức phát sóng từ ngày 1-1-2010 khi Đài TNVN phủ sóng Biển Đông. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, chương trình đã tạo được dấu ấn rõ nét trên làn sóng VOV1. Chương trình Biển đảo Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những chương trình hay, hấp dẫn của Đài TNVN.

Là phóng viên chương trình Nông nghiệp nông thônBiển đảo Việt Nam, Thu Lan luôn có ý thức tuân thủ chặt chẽ về kỷ luật tuyên truyền, bám sát định hướng tuyên truyền để cùng lãnh đạo và các phóng viên trong phòng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Để chương trình ngày càng được bạn nghe đài thích thú, Thu Lan đã đề xuất với lãnh đạo phòng xây dựng các chuyên mục cụ thể như: Sổ tay người đi biển, Bảo vệ tài nguyên biển, TM Ra khơi, Câu chuyện chiến sĩ, Biển bạc cho cuộc sống vàng… Chỉ một thời gian ngắn sau khi phát sóng, chương trình thật sự tạo ấn tượng cho người nghe, đặc biệt là ngư dân, chiến sĩ, những người đang sống và hoạt động trên các vùng biển đảo. Chỉ tính riêng lực lượng Bộ đội Biên phòng biển, Cảnh sát biển, Hải quân, chương trình đã được đưa vào mục sinh hoạt chính trị mà hằng ngày các CBCS phải nghe đúng giờ, song song với chương trình phát thanh Quân đội Nhân dân.

Đi và viết

Với Thu Lan, đi và viết là sở thích của chị. Chị luôn xông pha ở những nơi khó khăn nhất, những hòn đảo khó khăn nhất để viết, cảm nhận những nỗi vất vả của người lính, những người dân luôn bám biển bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. “Mặc dù nắng, gió và đặc biệt là say sóng nhưng với nhiệm vụ của một phóng viên chương trình biển, đảo, tôi đã cố gắng vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Bước chân của Thu Lan đã đến nhiều hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc như: Trường Sa, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Thổ Chu, Hòn Chuối, Nam Du, Hòn Khoai, Hòn Đốc, Bạch Long Vĩ… Mỗi một nơi đến, chị phản ánh chân thực đời sống, tình cảm của quân dân trên đảo, của bà con ngư dân với nhiều phóng sự chân thực, những bài bình luận sắc bén khẳng định chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, góp phần thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam.

“Có những chuyến đi đảo say sóng, nằm bẹp trên tàu không ăn uống được gì nhưng khi đến nơi, chứng kiến cuộc sống, sinh hoạt của bà con, sự hăng say rèn luyện, công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền của CBCS trên các đảo, sự mệt mỏi tan biến, thay vào đó là lòng yêu nghề, nhiệt huyết, muốn tìm hiểu để phản ánh chân thực nhất, sinh động nhất”, Thu Lan thổ lộ. Chị còn chia sẻ: “Chứng kiến và nghe kể biết bao câu chuyện xúc động về người thuyền trưởng tàu HQ628, HQ632 trong những chuyến đi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên biển, sóng, gió, bão biển, lính biển cũng say sóng, nhiều lần bỏ cơm nhưng không rời vị trí, không bỏ nhiệm vụ. Có chuyến sóng cấp 9, cấp 10, con tàu chao đảo, lắc, nghiêng, người thuyền trưởng phải đeo một xô nước đầy, đứng sải chân hết cỡ, tay bám chặt vào mặt bàn, mắt dõi theo phía trước để chỉ huy xua đuổi tàu nước ngoài ra khỏi vùng biển Việt Nam. Không chỉ vậy, các anh còn bị đe dọa đến cả tính mạng như bị phun vòi rồng trực diện vào kính khoang cabin, buồng lái, bắn đạn thật cho vỡ kính… nhưng vẫn kiên cường trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió. Chính những điều đó đã khơi nguồn cảm xúc cho các phóng viên biển đảo xông pha”. 

… “Điều làm tôi xúc động là khi đến với đảo Lý Sơn,  nhận thấy đâu đâu cũng có những ngôi mộ gió, ngay cả trong vườn nhà, nhưng người dân Lý Sơn vẫn kiên cường bám biển. Ngư trường truyền thống là Hoàng Sa, Trường Sa, dù khó khăn, hiểm nguy nhưng với họ, đó là mảnh đất mà ông cha để lại, họ phải giữ gìn, cả đời con cháu họ sau này cũng thế”, Thu Lan chia sẻ… Theo chị, từ những câu chuyện của chính người dân và CBCS trên đảo làm chị cảm thấy yêu nghề hơn, cần phải cố gắng hơn nữa để viết nên những phóng sự, những câu chuyện sinh động, đầy ắp hơi thở cuộc sống đến với thính giả cả nước.

Những chuyến đi của chị luôn có những bài viết sắc sảo. Năm 2011, loạt bài “Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa nhìn từ công pháp quốc tế” của chị cùng nhóm đồng nghiệp đã đạt giải A - giải Báo chí quốc gia. Đó là sự ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của chị và các phóng viên khác trong công tác tuyên truyền biển đảo. Để có được loạt bài này, chị và đồng nghiệp đã phải mất rất nhiều thời gian để liên hệ phỏng vấn, thu thập thông tin… Sau gần một năm, loạt bài mới hoàn thành. 

Ngoài việc viết lách, Thu Lan là phát thanh viên có giọng đọc ngọt ngào, lôi cuốn. Mỗi buổi sáng từ 5 giờ 30 đến 5 giờ 40, hầu hết người lính Hải quân, BĐBP, Cảnh sát biển đều thức dậy mở radio để nghe giọng nói ấm áp của chị. “Có những chuyến công tác dài ngày, không nghe tôi dẫn chương trình, các anh điện đến thăm hỏi xem đau ốm thế nào”, Thu Lan nói.

Đi nhiều, viết nhiều, hiểu nhiều về cuộc sống của người lính hải quân, chị luôn để lại những tình cảm tốt đẹp, trở thành người thân của lính hải quân. Và sau mỗi chuyến đi của chị, quà trở về là những quả bàng vuông, ốc, san hô mà những người lính hải quân gửi tặng. “Có những thời gian dài không ra đảo, khi nhìn lên những kỷ vật ấy, tôi lại nhớ da diết biển đảo, nhớ những người lính hải quân đang ngày đêm nhọc nhằn bảo vệ biển đảo Tổ quốc yêu dấu”, Thu Lan tâm sự.

NGỌC PHÚ
 

;
.
.
.
.
.