.

Khúc tráng ca của người lính đặc công

.

Mỗi khi nhắc đến những năm tháng chiến tranh, các cựu chiến binh Tiểu đoàn Đặc công 89: Nguyễn Đình Tham, Hồ Phúc Ngôn... đều dành tình cảm đặc biệt nói về liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Phạm Văn Lãng, người con của quê hương Nam Định đã hy sinh trên đất Đà Nẵng.

Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn Đặc công 89 Nguyễn Đình Tham  thắp hương cho Anh hùng liệt sĩ Phạm Văn Lãng nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ tại bàn thờ nhà bà Thân Thị Mười.
Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn Đặc công 89 Nguyễn Đình Tham thắp hương cho Anh hùng liệt sĩ Phạm Văn Lãng nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ tại bàn thờ nhà bà Thân Thị Mười.

Cuối năm 1964, Thiếu úy Phạm Văn Lãng đang tham dự lớp tập huấn nghiệp vụ tình báo thì nhận được lệnh cùng 17 đồng chí lên đường vào miền Nam chiến đấu. Sau nhiều ngày xẻ núi luồn rừng, đầu năm 1965, mọi người đến địa bàn tỉnh Quảng Đà. Ngày 19-5-1965, tại khu rừng phía tây xã Hòa Ninh (Hòa Vang), Đại đội 1 - Tiểu đoàn Đặc công 89 Đà Nẵng làm lễ ra mắt. Mũi trưởng Phạm Văn Lãng thay mặt cán bộ, chiến sĩ bước lên trước hàng quân đọc “Mười lời thề danh dự của quân nhân”. Đứng nghiêm trang dưới quân kỳ, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh tuyên thệ: “Vì đồng bào miền Nam ruột thịt, thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Tiếng người mũi trưởng vừa dứt, cả khu rừng âm vang lời thề: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Ngay sau khi được thành lập, đơn vị nhanh chóng bắt tay vào huấn luyện và thực hành chiến đấu. Trong nhiều trận đánh “nở hoa trong lòng địch” do đại đội tổ chức, trận đánh vào sân bay Đà Nẵng ngày 30-6-1965 luôn được nhắc đến như một chiến công tiêu biểu về nghệ thuật “luồn sâu, đánh hiểm” của bộ đội đặc công. Hôm ấy, mũi trưởng Phạm Văn Lãng cùng 15 chiến sĩ tiềm nhập qua 8 lớp hàng rào dây thép gai, dưới ánh sáng chói chang của hệ thống đèn pha công suất lớn. Sau 45 phút vận động, mặc cho lũ chó béc-giê ra sức đánh hơi, các anh đã vào trung tâm sân bay trước giờ G. 15 phút.

Không bỏ phí thời gian, mũi trưởng Lãng tổ chức huấn luyện ngay tại thực địa, trực tiếp trên mục tiêu cách đặt thủ pháo, ném lựu đạn lên máy bay. Đúng 0 giờ 15, theo hiệp đồng, anh dùng thủ pháo phá chiếc máy bay đầu tiên làm hiệu lệnh cho trận đánh. Ngay lập tức, cả sân bay Đà Nẵng bừng sáng. Tiếng lựu đạn, thủ pháo nổ dồn dập xen với tiếng súng AK đanh gọn. Những khẩu DKZ57, COI81 thi nhau nhả đạn. Địch bị bất ngờ, hoảng loạn, chống cự yếu ớt. Sau hơn 25 phút chiến đấu, quân ta hoàn toàn làm chủ trận đánh với hàng trăm tên địch bị tiêu diệt, nhiều máy bay các loại bị phá hủy.

Mặc dù bị thương nhưng Phạm Văn Lãng vẫn bình tĩnh chỉ huy chuyển thương binh, lui quân an toàn. Đại bộ phận đơn vị hành quân về căn cứ, còn thương binh được nhân dân các xã Hòa Cường, Hòa Phụng (Hòa Vang) nhận nuôi dưỡng. Sau đó, bà con lần lượt hợp pháp chuyển các anh về bệnh xá tỉnh điều trị.

Với những thành tích trên, Thiếu úy Phạm Văn Lãng được đơn vị đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng Trung Trung Bộ tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng nhì.

Sau khi điều trị lành vết thương, thực hiện quyết định của Thành ủy Đà Nẵng, Phạm Văn Lãng đổi tên thành Thế, vào sống hợp pháp ở nội thành trong vai người làm thuê tại lò bún nhà ông Nguyễn Tùng và bà Thân Thị Mười (số 22 Lê Đình Dương - tức nhà số K56/2 Lê Đình Dương hiện nay), là một cơ sở nội tuyến. Mọi người xem anh là thành viên trong gia đình. Mẹ Mười thường gọi anh là chú Chín. Khi nhận nhiệm vụ tiêu diệt địch tại khách sạn mụ Mai (đường Hoàng Văn Thụ), Thế đi lại thất thường để nghiên cứu hoạt động của chúng, mẹ kín đáo theo dõi, chăm sóc anh từ miếng ăn giấc ngủ. Qua điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng, Thế đề xuất phương án bí mật tập kích diệt địch và được Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng thông qua với sự nhất trí cao.

Đêm 19-8-1966, nhờ sự giúp đỡ của 3 thanh niên cơ sở hợp pháp, Thế tiếp cận được khách sạn. Cửa đóng chặt, bên trong sĩ quan Mỹ, ngụy tập trung đông đúc. Chớp thời cơ, anh đạp tung cánh cửa, ném liên tục những gói thuốc nổ mạnh vào trung tâm khách sạn, nơi địch hoảng loạn co cụm. Bất ngờ một mảnh đạn văng ra găm vào người khiến Thế bị thương nặng. Cố hết sức anh thoát ra ngoài, đồng đội đến giải vây nhưng không kịp. Số lính Mỹ sống sót đã hoàn hồn xông ra, anh bảo người chiến sĩ biệt động: “Hãy lấy súng ngắn của tôi rồi thoát nhanh để bảo toàn lực lượng”. Nghe tiếng mìn nổ, mẹ Mười tất tả chạy lên đường Hoàng Văn Thụ thì nhận được tin Thế đã bị địch bắt bỏ lên xe bò đưa đến Bệnh viện Duy Tân. Do vết thương quá nặng nên người cán bộ đặc công đã vĩnh viễn nằm lại trên đất Đà Nẵng. Hôm sau, cơ sở thông báo Thế đã tiêu diệt 61 lính Mỹ. Vốn yêu thương anh như con đẻ nên khi Thế hy sinh, mẹ Mười đã lập bàn thờ ngay tại nhà mình để tiện bề hương khói. Với những chiến công gắn liền với thành tích của Tiểu đoàn Đặc công 89 Đà Nẵng, ngày 23-2-2010, liệt sĩ Phạm Văn Lãng đã được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Đặc biệt, năm 1993, mẹ Thân Thị Mười cùng chồng sang Úc định cư, chuyện hương khói cho “người con liệt sĩ” được bàn giao lại cô con dâu út Nguyễn Thị Tú Anh. Tháng 10-2008, bà Đỗ Thị Cúc, vợ liệt sĩ Phạm Văn Lãng cùng con trai Phạm Xuân Hùng từ xóm Đông Thịnh, xã Xuân Ninh (Xuân Trường, Nam Định) vào Đà Nẵng tìm mộ. Qua thông tin từ cơ quan quân sự, Ban liên lạc Tiểu đoàn Đặc công 89, họ được biết hài cốt của liệt sĩ Phạm Văn Lãng được an táng tại nghĩa trang Hòa Hải. Thể theo nguyện vọng gia đình, Ban liên lạc Tiểu đoàn 89 cử hai cựu chiến binh Nguyễn Đình Tham và Phạm Văn Hiền đưa hài cốt đồng đội ra Nam Định bàn giao cho địa phương, gia đình.

Ngày 25-12-2008, anh Phạm Xuân Hùng trở lại Đà Nẵng. Khi cùng đoàn cựu chiến binh Tiểu đoàn 89 đến cảm ơn gia đình ông Nguyễn Tùng, anh được chị Tú Anh trao lại di ảnh liệt sĩ Phạm Văn Lãng mà gia đình chị đã cất giữ suốt hơn 43 năm qua.

Hài cốt của Anh hùng liệt sĩ Phạm Văn Lãng đã đoàn tụ với quê hương. Song, bàn thờ anh tại căn nhà số K56/2 Lê Đình Dương vẫn đều đặn khói hương, là nơi để ngày 27-7 hằng năm Ban liên lạc Tiểu đoàn Đặc công 89 ôn lại kỷ niệm về người con ưu tú thành Nam đã tô thắm truyền thống anh hùng của lực lượng vũ trang Đà Nẵng.

Bài và ảnh: NGUYỄN SỸ LONG

;
.
.
.
.
.