.

41 năm mưu sinh bên gốc đa An Thị

.

Gọi là quán, nhưng chỉ là mấy tấm bạt vây lại để che nắng, che mưa cho khách đến cắt tóc. Ấy thế mà quán tồn tại suốt 41 năm nay. Hơn nửa cuộc đời gắn bó với gốc đa già An Thị, ông Ngô Quảng - chủ quán cắt tóc, đã chứng kiến sự đổi thay diệu kỳ của thành phố Đà Nẵng.

“Quán ông Quảng” nằm bên gốc cây đa già trên 600 tuổi.
“Quán ông Quảng” nằm bên gốc cây đa già trên 600 tuổi.

Người ta vẫn quen gọi quán cắt tóc ấy là quán ông Quảng, ở ngay bên gốc đa làng An Thị (đường Nguyễn Công Trứ, thuộc tổ 1, khu phố An Thị, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà). Lẫn trong những hàng quán khác nhau ở khu vực này, thật khó nhận ra quán ông Quảng. Không bảng hiệu, không đông khách, quán chỉ gồm hai tấm bạt - một che đầu, một che ngang để phân biệt với các hàng quán khác. Đồ nghề cũng đơn sơ. Cái gương để khách soi nhỏ xíu và cũ kỹ như tuổi đời cái quán.

Ông Quảng vui tính, cởi mở. Lúc tôi đến, ông đang tỉ mẩn húi đầu cho khách theo từng nhát kéo khéo léo. Khi nghe nói tôi muốn chụp ảnh ông, người đàn ông có vóc người nhỏ thó này cười: “Cứ chụp thoải mái, miễn đừng bắt chú “diễn” là được, bởi không để mắt là… xẻo tai khách ngay đấy”.

Ông Quảng quê gốc Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam), theo cha ra Đà Nẵng sinh sống từ năm mới 6, 7 tuổi. Cũng từ đó, ông gắn bó với cây đa làng An Thị. “Ngày trước đói kém, cuộc sống bấp bênh, cả làng ai cũng nhao nhác trong chiến tranh.

Tuyến đường này hồi đó là tuyến giao thông huyết mạch của quận Ba (bây giờ là quận Sơn Trà), nhộn nhịp, tấp nập người qua lại bởi nó dẫn tới bến phà An Thị để qua quận Nhất (quận Hải Châu ngày nay). Do vậy, rất nhiều người tập trung về đây buôn bán, mưu sinh. Rồi những thành phần bất hảo cũng theo đó tụ tập về quậy phá, “tranh giành địa bàn” đủ kiểu…

Dù là tuyến đường chính nhưng cũng chỉ bằng phân nửa bây giờ, mưa bùn nắng bụi, lầy lội quanh năm. Lên 15 tuổi, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi theo học cắt tóc từ một người thợ, rồi mở quán bên gốc đa này để hành nghề từ trước năm 1975. Thấm thoắt hơn 40 năm gắn bó với cây kéo, với những vật đổi sao dời ở thành phố này”, ông Quảng trầm ngâm.  

Ông Ngô Quảng cắt tóc cho những khách quen. 								Ảnh: TRỌNG HUY
Ông Ngô Quảng cắt tóc cho những khách quen. Ảnh: TRỌNG HUY

Nói về sự nhộn nhịp của “khu phố An Thị” hồi trước, ông Quảng nhắc đến nhiều hàng quán nối nhau dọc ven đường, có cả chợ Hà Thân cũng gần sát (nay đã di dời đến chỗ khác). “Ngày trước đông người qua lại, ở khu vực này có 5-6 quán cắt tóc, anh em chia phiên ra làm. Rồi dần dần, các quán ấy hoặc di dời đi nơi khác, hoặc không tồn tại nữa…, chỉ còn mình tôi trụ lại. Bây giờ, bước qua tuổi 60, làm nhàn nhã đủ sống qua ngày, con cái đã lớn khôn”, ông Quảng nói.

Ông Quảng cho biết, không hẳn ông gắn bó trọn vẹn suốt 41 năm bên gốc đa An Thị với nghề cắt tóc bởi cuộc đời ông có lắm thăng trầm. “Tôi làm nghề cắt tóc ở đây từ trước năm 1975. Sau ngày đất nước thống nhất, những năm đầu tình hình còn nhiều khó khăn, nhất là chính quyền siết chặt công tác quản lý. Tôi cắt tóc cũng phải đóng thuế môn bài, rồi công khai niêm yết giá, cắt tóc chỉ 2 đồng, không được cắt 5 đồng. Do vậy, tôi bỏ nghề khoảng 2-3 năm đi phụ xe, sau quay trở lại. Rồi duyên số thế nào cứ quanh quẩn với gốc đa già này”.

Ông Quảng còn kể, khi cầu Sông Hàn bắt đầu khởi công, ông khăn gói vào thành phố Hồ Chí Minh để làm nghề cắt tóc, kiếm tiền nuôi hai con trai ăn học. Ngày ông trở lại quê nhà, thấy cầu đã xây xong, bến phà cũng chỉ còn là quá vãng, một cảm giác bồi hồi xâm chiếm, mừng mừng tủi tủi.

“Có cảm giác như vừa đánh rơi cái gì đó khi bến phà không còn. Rồi tôi mở lại quán ở chỗ cũ, lượng khách đến quán cũng thưa dần. Đa số là khách quen cũ, những người đến cắt tóc một phần cùng nhau ôn chuyện ngày xưa trong tuổi xế chiều. Nhưng có niềm vui và sự tiện lợi thấy rõ khi cầu Sông Hàn hoàn thành là con đường cũ được nâng cấp, cải tạo nên to rộng hơn. Nhà cửa đàng hoàng hơn, cuộc sống người dân trong xóm cũng khấm khá lên, thoát khỏi cảnh nhếch nhác, lam lũ ngày nào”.

Ngày trước, câu cửa miệng “Gái quận Ba không bằng bà già quận Nhất” thể hiện sự xa xôi, cách trở bên này bờ đông và bên kia bờ tây sông Hàn, cũng là nói lên cái nghèo, cái đói, kém phát triển với những hạn hữu kinh tế, hạ tầng. Nó giống như hai thế giới khác biệt, con sông như một hố ngăn cách, tựa như bên này là thiên đường, bên kia là vùng hoang vu…

“Khi cầu Sông Hàn đi vào hoạt động, rồi hàng loạt cây cầu mới nối đôi bờ đã đưa quận Ba ngày trước thành một địa phương phát triển với tốc độ nhanh chóng. Cứ nhìn đường sá, nhà cửa, các trung tâm thương mại, hệ thống khách sạn, nhà hàng… mọc lên nhanh chóng thì biết được mức độ phát triển. Tôi có kỷ niệm rất đáng nhớ: Hồi tôi làm nghề cắt tóc ở Sài Gòn, có một ông khách thường lui tới.

Sau tôi về quê cắt tóc, tình cờ ông ấy đi du lịch ở Đà Nẵng, vô tình đi ngang qua và nhận ra tôi. Ông khen Đà Nẵng đẹp, thanh bình biết bao, còn bảo sẽ quay lại nhiều lần. Bạn bè tôi ở khắp nơi, kể cả ở nước ngoài, mỗi lần về cứ tìm tới “quán ông Quảng”, tôi đưa đi khắp để họ xem Đà Nẵng thực sự đẹp hay không. Rảo khắp nhà hàng sang trọng, quán sá ê hề, nhưng vẫn quay lại quán quen vỉa hè để nhâm nhi tâm sự”, ông Quảng cho hay.

Đến nay, quán ông Quảng vẫn vậy, vẫn đơn sơ như cuộc đời ông. Hiện mỗi ngày ông có khoảng 4-5 người khách, chủ yếu là bạn già ngày trước. Ông bảo, nghe cha ông kể lại, cây đa này hơn 600 tuổi, từng nghe cơ quan chức năng đề nghị xét danh hiệu cây di sản.

Đó là tin vui của mảnh đất làng An Thị này. Bến đò An Thị đã lùi vào quá vãng, nhường lại cho những cây cầu viết tiếp câu chuyện lịch sử đổi thay vùng đất quận Ba. Đà Nẵng đổi thay từng ngày sau 41 năm thống nhất đất nước và nhất là gần 20 năm trực thuộc Trung ương. Quận Ba ngày nào cũng trở mình mạnh mẽ để những năm trở lại đây là địa phương có tốc độ phát triển nhanh nhất, là điểm nhấn, sức hút mạnh mẽ cho toàn thành phố.

Bây giờ, ông Quảng đi về một mình bởi con ông ở xa, vợ ông càng xa nữa. Nhưng ông vẫn vui bởi, “chiều chiều mấy ông già trong xóm gặp nhau, ngồi lai rai dọc bờ sông ngắm thành phố lên đèn. Cứ thế, thấy cuộc đời thật đáng sống, thật đẹp đẽ biết bao”, như ông chia sẻ.

TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.