.

Mưu sinh ngày hè

.

Vào hè, những “cư dân nhỏ” của biển lại tất bật theo chân người lớn mưu sinh. Có em cùng cha đi biển; có em theo bà, theo mẹ lặn ngụp trên sông Hàn bắt “lộc trời”; có em phải dầm mình cả ngày trong cái lạnh 15oC để bóc tôm, làm cá…

Chiều hè bên bờ đông sông Hàn. 									Ảnh: THANH TÂN - QUỲNH TRANG
Chiều hè bên bờ đông sông Hàn. Ảnh: THANH TÂN - QUỲNH TRANG

Vất vả mưu sinh

Cứ tầm 14 - 15 giờ, khi nước sông Hàn bắt đầu rút, trơ lên những khoảng đất ẩm ướt như bãi bồi, bên mé bờ đông (dưới chân cầu Thuận Phước), lác đác từng nhóm người hì hụp mò bắt chíp chíp. Trong những cái đầu lố nhố trồi lên, trụt xuống đó, không khó để bắt gặp những “ngư dân nhí” miệng í ới chuyện trò, tay thoăn thoắt bắt chíp chíp bỏ vào thau. Giữa cái nắng rát da tháng 6, tháng 7, vì mưu sinh, các em nhỏ vẫn “thi gan” với mặt trời. Chân trần, đầu đội nón lưỡi trai lụp sụp, em Nguyễn Văn Phong (13 tuổi, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) rụt rè nói: “Thường vào mùa hè, ngày nào con cũng theo mẹ và ngoại ra đây bắt chíp chíp, còn trong năm chỉ những ngày lễ hay chủ nhật con mới đi”.

13 tuổi nhưng trông Phong chỉ như học sinh lớp 2. Vóc dáng nhỏ bé, gầy gò khiến Phong trông như sợi dây thoắt ẩn thoắt hiện trên dòng sông. Sinh ra và lớn lên ở làng biển này nên đôi tay em dường như rất quen thuộc với từng con nghêu, con chíp. Trên đầu nóng, dưới chân thì lạnh nhưng gương mặt em vẫn ánh lên niềm hy vọng. Mỗi lần vốc được một vốc chíp chíp to là em cười giòn tan, khoe: “Nhìn nè, mẹ!”. Công việc của Phong kéo dài cho đến khi nắng cuối ngày tắt hẳn. Mỗi buổi chiều, trong khoảng 3 giờ đồng hồ ngâm mình dưới nước liên tục, Phong bắt được 7-8kg chíp chíp, bán được khoảng 80.000 - 90.000 đồng.

Mới học xong lớp 6 nhưng Phong đã có thâm niên bắt chíp chíp 2 năm. Bàn tay còn non nớt nhưng nơi có vết sần, nơi nứt nẻ, nước da đen bóng. Chị Lê Thị Anh - mẹ Phong nói, cứ đến hè, da của Phong mới “đổi màu” như vậy. Chị Anh vốn là công nhân làm việc trong xưởng đông lạnh, hơn nửa năm nay bị bệnh khớp nên nghỉ việc ở nhà bán từng mớ tôm, tép, chíp chíp… do hai mẹ con tự mò, xúc. Chồng chị theo tàu đi biển từ 7-10 ngày mới về một lần. Thu nhập bấp bênh nên nhìn con mới 13 tuổi đã phải bươn bả mưu sinh, chị xót lắm nhưng chẳng biết phải làm thế nào. “Thằng bé rất biết thương mẹ, thấy tôi đau ốm vẫn đi làm nên có nói gì nó cũng không chịu nghỉ. Tôi chỉ cầu trời cho sức khỏe để nuôi con”, người mẹ trẻ bày tỏ.

Hơn tháng hè nay, ngày nào hai chị em Nguyễn Thị M. (16 tuổi), Nguyễn Thị M.D (14 tuổi), trú tại một khu chung cư liền kề ở phường Nại Hiên Đông cũng dầm mình suốt mười mấy giờ đồng hồ (từ 6 đến 18, 19 giờ) trong xưởng đông lạnh B.H, ở cảng cá Thọ Quang để kiếm tiền trang trải cho năm học mới. Và dĩ nhiên, cũng như nhiều đứa trẻ sinh ra trong gia cảnh nghèo khó khác, M. và D. chưa từng biết “học thêm” là gì.

Vậy mà M. vẫn đạt danh hiệu học sinh giỏi suốt 10 năm liền. Em vừa học hết lớp 10 tại Trường THPT Tôn Thất Tùng, chuẩn bị lên lớp 11. Còn D. là học sinh của Trường THCS Phạm Ngọc Thạch. Thấm thoắt đã 4 cái hè liên tục M. đi bóc tôm, còn D. cũng đã ngót hai mùa. Dù quá quen với công việc này nhưng việc dầm mình suốt ngày trong cái lạnh 15oC, đứng hơn 10 giờ đồng hồ liên tục (giờ nghỉ trưa cũng là giờ ăn chỉ gói gọn trong 30 phút), tối nào hai chị em cũng thấy toàn thân nhức mỏi, đặc biệt là cổ, vai đau ê buốt, chân tưởng như không còn bước đi được…

Năm ngoái, sau giờ làm ở xưởng đông lạnh, buổi tối, M. còn tranh thủ đi phụ bán trà, cà-phê cho mấy quán nước gần nhà để kiếm thêm thu nhập. “Năm nay, em cũng tính đi bán trà sữa thêm buổi tối cho người ta (kiếm thêm 1,5-1,8 triệu/tháng) nhưng ba mẹ nhất quyết không cho”, M. chia sẻ.

Hè đến, em Nguyễn Văn Phong chia sẻ gánh nặng mưu sinh với mẹ mỗi ngày.
Hè đến, em Nguyễn Văn Phong chia sẻ gánh nặng mưu sinh với mẹ mỗi ngày.

Tự nối dài con đường đến trường

M. và D. kể, ở xưởng đông lạnh hai em đang làm, có khá nhiều bạn cùng trang lứa cũng đang vất vả mỗi ngày để kiếm 70.000 - 150.000 đồng. Các em chủ yếu là cư dân của các phường chài ven biển Nại Hiên Đông, Mân Thái, Thọ Quang (quận Sơn Trà)…, số dân ngoài tỉnh cũng khá nhiều. Cô bé D. còn lém lỉnh khoe: “Như em phải khai gian là 16 tuổi, chứ nếu biết 12, 14 tuổi thì người ta không cho làm”. Theo chia sẻ của M. và D., cứ 4 ngày làm việc, các em được nhận tiền công của 2 ngày, còn 2 ngày quản xưởng giữ lại như cách để giữ chân người làm vì nhiều nhân công đang tuổi ăn tuổi học như M. và D. chỉ làm được 2-3 ngày rồi bỏ do không chịu được vất vả.

Cực nhọc là thế, nhưng những đứa trẻ nhà nghèo chúng tôi đã gặp dường như bao giờ cũng nhiều lý lẽ để biện minh cho việc “trốn” học thêm, “quên” vui chơi ngày hè của mình: “Đi làm cực nhưng vui cô ạ”, “Con muốn phụ mẹ thêm ít tiền mua sách vở và quần áo”, “Học thêm hè rồi vô năm cũng sẽ quên nên con đi làm cho vui”…

Trường THPT Tôn Thất Tùng những ngày này vắng hoe. Trường có tổ chức phụ đạo cho học sinh nhưng số em đến học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có lẽ đây là ngôi trường khá đặc biệt của thành phố khi có đến 70% học sinh là con em ngư dân. Mỗi khi nhà trường cần trao đổi với phụ huynh qua điện thoại thì cha đang lênh đênh ngoài khơi, mẹ tảo tần ngoài chợ cá. Gần một nửa học sinh đang theo học tại trường thuộc hộ nghèo và cận nghèo của thành phố. Cô Trần Thị Kim Vân,  Hiệu trưởng nhà trường tâm sự, với trẻ em làng biển này, mùa hè là mùa mưu sinh, tranh thủ kiếm thêm tiền để giúp đỡ gia đình, trang trải cho năm học mới. Các lớp phụ đạo mở ra nhưng chỉ lác đác học trò đi học. Nghĩ mà chạnh lòng cho giáo viên và thương học trò. Việc bỏ học giữa chừng của học sinh từng làm các thầy cô đau đầu. Không biết bao lần thầy cô phải đến tận nhà để động viên cha mẹ, động viên các em khi nhận thấy học trò có dấu hiệu muốn rời lớp học.

Từ khi về trường nhận công tác đến nay, công việc cô Vân giải quyết nhiều nhất có lẽ là… đơn xin miễn giảm học phí của học trò. Nhiều học sinh học tại trường 3 năm không đóng một đồng học phí dù cô nhiều lần gọi lên nhắc nhở cũng như báo về phụ huynh. “Thương học sinh nghèo sớm vất vả mưu sinh nhưng nhà trường phải làm đúng theo quy định. Tuy vậy, điều tôi lo nhất không phải là không thu được học phí, mà lo vì học phí mà học trò bỏ học. Do đó, nhắc nhở vài lần nếu thấy học trò khó khăn quá là chúng tôi cũng… thôi”, cô Vân nói.

Đã gần 15 năm kể từ khi các phường chài Nại Hiên Đông, An Hải Bắc, An Hải Tây giải tỏa, các hộ dân xóm nhà chồ xưa được bố trí nhà chung cư khang trang. Người dân an cư nhưng đâu dễ lạc nghiệp khi sinh kế chủ yếu là bám biển dài ngày và buôn bán nhỏ. Đời sống khó khăn khiến nhu cầu được học hành, vui chơi mùa hè của trẻ em làng biển này còn nhiều hạn chế. Thế nên, hè đến, những “cư dân nhỏ” của biển lại tất bật theo chân người lớn mưu sinh, để năm học mới, các em có thể tươm tất đến trường.

Cũng như bao bạn đồng trang lứa, em Nguyễn Thị M. ước mơ trở thành cô giáo, em Nguyễn Thị M.D muốn là một họa sĩ trong tương lai, cậu bé Phong muốn trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ… Nhưng các em không chỉ phải nỗ lực trong quá trình học tập để nối dài con đường học vấn, mà còn tự viết tiếp ước mơ của mình bằng những việc làm trong lúc đang tuổi ăn, tuổi lớn.

THANH TÂN - QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.