Những trái tim khát sống

.

Nhiều em bé buộc phải lên bàn mổ 4-5 lần để giành lại nhịp đập bình an cho những trái tim bé bỏng, bởi vậy “cuộc chiến” để tìm kiếm một cuộc sống với trái tim mạnh mẽ như bao người của các em tốn rất nhiều nước mắt. 

Khi tiếp xúc với những bệnh nhân nhỏ mổ tim trong chương trình Chữa tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo bất hạnh của Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng, mới thấy ca mổ tim nào cũng đặc biệt, khi mỗi em một hoàn cảnh và cùng có chung một niềm khao khát sống.

Nhiều trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh của thành phố được Bệnh viện Đà Nẵng điều trị bằng phẫu thuật và can thiệp tim thành công. 						  		         Ảnh: VIỆT DŨNG
Nhiều trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh của thành phố được Bệnh viện Đà Nẵng điều trị bằng phẫu thuật và can thiệp tim thành công. Ảnh: VIỆT DŨNG

Lên bàn mổ khi mới 1 ngày tuổi

Gương mặt Bảo Phước sáng bừng lên khi cô bé cười, hiện lên lúm đồng tiền thật xinh bên má. Nhìn cô bé mới hơn 3 tuổi đã phải trải qua 6 lần mổ tim, giành giật sự sống từ khi mới được một ngày tuổi mới thấy sức mạnh tiềm ẩn trong con người em. Bởi vậy mà ba mẹ, gia đình hai bên nội ngoại đặt tên em là Bảo Phước, bởi phúc phần mà em nhận được quá lớn, dù trước mắt vẫn còn nhiều ca mổ đang chờ.

Chị Thanh Sương và con gái Bảo Phước qua 6 lần mổ tim. Ảnh: H.N
Chị Thanh Sương và con gái Bảo Phước qua 6 lần mổ tim. Ảnh: H.N

Chị Nguyễn Thị Thanh Sương (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) - mẹ Bảo Phước kể, em bé được sinh vào buổi tối, đến sáng hôm sau nhìn con tím ngắt, cả gia đình hoảng hốt. Chuyển con xuống Khoa Nhi, các bác sĩ thăm khám và cho biết bé bị bệnh tim bẩm sinh, cụ thể là bị teo van động mạch phổi và tâm thất độc nhất.

Đây là ca bệnh hiếm gặp nên các bác sĩ yêu cầu phải phẫu thuật ngay nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Thế là mới chào đời chưa được một ngày, cô bé được chuyển sang Bệnh viện Đà Nẵng để mổ đặt stent thông động mạch. Một tuần sau chị Sương mới được gặp đứa con bé bỏng.

Cả gia đình sợ chị sốc, nói là bé bị vàng da phải nằm lồng kính và phải một tháng sau chị mới biết bệnh tình của con. “Sau lần mổ đầu, các bác sĩ thấy bệnh của bé đặc biệt quá nên đã gửi hồ sơ bệnh lý sang Đức nhờ một giáo sư đầu ngành nghiên cứu. Thế là khi bé được 2 tháng tuổi, TS.BS Lê Trọng Phi (Việt kiều Đức, ông là chuyên gia về tim mạch nhi. Nghiên cứu của ông về điều trị bệnh tim bẩm sinh bằng việc đặt lò xo để đóng lỗ hở thông liên thất hoặc còn ống động mạch – PV) trong một chuyến về Đà Nẵng công tác đã tiến hành mổ tim cho bé. Lần đó ca mổ kéo dài 5 tiếng đồng hồ. Rồi 6 tháng sau bé được mổ lần 3.

Năm 2015, Bảo Phước thêm 2 lần nhập viện mổ nội soi cho quả tim lỗi nhịp. Và tháng 5 vừa qua, cô bé lên bàn mổ lần thứ 6. Lần này bác sĩ quyết định mổ tim hở. “Bác sĩ giải thích là lần mổ vừa rồi giúp mở động mạch cho máu lưu thông đều lên não, sang năm sẽ mổ tiếp để máu lưu thông đều xuống các chi. Trước khi mổ bác sĩ nói 95% là thành công, 5% có thể tử vong, nhưng đừng nhìn vào 95% đó mà hãy nhìn vào 5% để hy vọng. Nếu không mổ thì sau này cũng khó qua được, còn nước còn tát nên mình phải cố gắng. Những lần con lên bàn mổ, vợ chồng em khóc hết nước mắt, nhưng vẫn phải động viên nhau, bảo con cố gắng lên”, Thanh Sương chia sẻ.

Cô bé Bảo Phước sớm ý thức được bệnh của mình, thường tự uống thuốc, tháng nào cũng qua bệnh viện khám, nếu chưa được bác sĩ siêu âm là kêu chưa khám, khóc ầm lên. Có bác hàng xóm nào hỏi bé bị đau gì đều trả lời dõng dạc: “Con bị bệnh tim, bác không biết à!”. Cô bé vẫn còn vài lần nhập viện mổ, chiến đấu để thoát khỏi cơn đau của số phận. Bên cạnh bé luôn đầy ắp niềm yêu thương từ ông bà, ba mẹ, các anh chị em họ, và các bác sĩ, những nhà tài trợ hảo tâm ở phía sau giúp bé giữ mãi nụ cười xinh trên môi.

Chị Huỳnh Thị Hồng và con trai Phan Văn Tú. Ảnh: H.N
Chị Huỳnh Thị Hồng và con trai Phan Văn Tú. Ảnh: H.N

Chữa lành những trái tim

Các thành viên của chương trình Chữa tim bẩm sinh thuộc Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh vẫn chuyền nhau câu chuyện của chị Trần Thị Hoài Thu (phường Hòa Khê, quận Thanh Khê), mỗi lần cậu con trai bé bỏng vào phòng mổ là ở bên ngoài các bác sĩ phải đưa chị vào phòng cấp cứu. Áp lực của những lần đưa con đến phòng mổ chắc chắn ông bố, bà mẹ nào trải qua cũng nhớ suốt đời, nhất là những ca khó, thời gian mổ kéo dài vài giờ đồng hồ.  

Cậu bé Nguyễn Thành Hưng, con trai chị Thu được các bác sĩ chẩn đoán bị tứ chứng fallot, gây ra máu nghèo oxy trong tim. Lần mổ đầu tiên của Hưng vào năm 2006, lúc đó cậu bé tròn 3 tuổi, lần mổ thứ 2 vào năm 2009, và lần thứ 3 vào năm 2010, đều ở Bệnh viện Trung ương Huế. Lần thứ hai ca mổ không thành công vì bác sĩ chưa xử lý được, phải đóng lồng ngực; lần thứ ba thì một cậu bé vào mổ cùng lần với Hưng tử vong vì bệnh quá nặng, cậu bé may mắn hơn vẫn “chiến đấu” được với bệnh tật… Cứ thế, mỗi lần theo con là mỗi lần trái tim mẹ Thu như co thắt lại vì lo cho con, đôi khi có cả nghĩ dại nữa, nhưng vẫn hy vọng. Niềm hy vọng của những người mẹ hình như cho các con thêm sức mạnh, để những trái tim hồi sinh.

Nhìn những bức ảnh của cậu con trai Phan Văn Tú  mà chị Huỳnh Thị Hồng (Khái Tây 2, phường Hòa Quý, Ngũ Hành Sơn) giữ gìn cẩn thận, mới thấy sự thay đổi kỳ diệu qua những lần mổ tim, và cả công sức mẹ đã chăm sóc em suốt 15 năm qua.

Bức ảnh ban đầu là cậu bé Tú còi cọc, lần mổ tim cách đây 7 năm là một cậu bé dễ thương, khôi ngô và giờ là một cậu thanh niên mới lớn dễ thương, lễ phép. Chị Hồng kể, năm 3 tuổi thấy bé mệt, khó thở, vận động khó khăn, hai vợ chồng chị đưa con đi khám trong một lần khám sàng lọc bệnh tim thì phát hiện con có biểu hiện bệnh tim, nhưng vẫn chưa cần can thiệp, chỉ cần uống thuốc.

Nhưng trong thời gian 5 năm uống thuốc đó Tú bị mờ một mắt, rồi gãy chân, người yếu hẳn không đi lại được. Cậu bé đã được mổ mắt nhưng không thành công. Vợ chồng chị thay phiên nhau nuôi con ở Bệnh viện Đà Nẵng, nhà vốn nghèo nhưng đồ đạc trong nhà cũng thay nhau “đội nón” ra đi, làm được hạt lúa nào cũng bán hết chữa bệnh cho con. Có những lúc chị tưởng không giữ được con.

Thế là chị đưa con về, đi hết các ông thầy thuốc Bắc này lại đến những thầy thuốc Nam, nhà chẳng lúc nào tắt lửa sắc thuốc. Vậy mà con cũng đỡ đỡ. Năm 2010 bác sĩ quyết định mổ cho Tú để sửa van 2 lá và tháng 8 vừa qua mổ lần 2 thay van. “Bác sĩ nói bệnh Tú là bị bẩm sinh gì đó ở động mạch chủ, phải mổ thay van. Đến hồi mô cái van nớ không chịu được thì phải mổ tiếp”, chị Hồng cho hay.

Người mẹ ấy trước đây làm công nhân, nhưng từ ngày con mắc hết bệnh này đến bệnh khác, chị phải ở nhà chăm con. 8 năm nay chị chuyển sang làm nghề muối dưa cải, 3 giờ sáng phải chở hai thùng dưa cải muối vào chợ Điện Ngọc bỏ hàng. Số tiền 10 triệu đồng chị vay của Hội Phụ nữ để mổ cho con từ lần trước cũng mới trả được một nửa. Trong ngôi nhà trống trải, không hề có vật dụng gì đáng giá ngoài cái xe máy bắt đầu gỉ sét do nước dưa muối đổ vào để chị đến chợ mỗi ngày. Chị bảo, cũng may là những lần mổ tim cho con đều có sự giúp đỡ của Hội Bảo trợ, chứ không thì ba mẹ con cứ nương vào nhau trong đơn côi thế, chỉ có nước mắt thì lấy gì trả đơn thuốc.

Bên cạnh những cơn đau mà các con phải trải qua, chúng tôi luôn nhận thấy nghị lực tuyệt vời của những người cha, người mẹ và tình yêu mênh mông của nhiều người khác để những trái tim lỗi nhịp có thể đập hiền hòa, cho cuộc đời bình an.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.