.

Bao giờ rừng thôi "chảy máu"?

.

Sau vụ phá rừng Cà Nhông (thuộc Ban quản lý Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa) khiến dư luận phẫn nộ hồi giữa tháng 10-2014, Công an thành phố Đà Nẵng đã vào cuộc triệt phá được đường dây phá rừng quy mô chưa từng có này, bắt hàng chục đối tượng, trong đó có cả lâm tặc lẫn cán bộ quản lý, bảo vệ rừng.

Cùng với đó, cơ quan chủ quản các lực lượng quản lý, bảo vệ rừng cũng có động thái quyết liệt bằng cách thay đổi, bố trí lại cán bộ giám sát, quản lý, bảo vệ rừng cốt để bảo vệ “lá phổi” xanh của thành phố. Những tưởng những động thái quyết liệt trên sẽ bảo vệ được khu rừng vốn ngày càng bị con người chặt phá teo tóp dần, thế nhưng tình trạng khai thác, chặt phá rừng vẫn tiếp diễn.

Trong tháng 11 vừa qua, ở tiểu khu 20 Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa và tiểu khu 12 rừng Hòa Bắc lại xảy ra tình trạng lâm tắc chặt phá rừng.

Hàng loạt gốc cây cổ thụ bằng vòng tay người ôm như xoan đào, sơn huyết, trám đinh… bị lâm tặc đốn hạ lấy gỗ, thiệt hại hơn 130m3 gỗ nguyên liệu. Trong khi đó, cơ quan chức năng chỉ thu giữ được gần 10m3 gỗ lâm tặc chưa kịp tẩu tán còn sót lại hiện trường.

Một khu rừng vốn rậm rạp phủ bóng mát giờ đây chỉ còn một khoảng trống trơ trọi với những gốc cây bị đốn hạ. Trong nhiều ngày lâm tặc chặt phá rừng, công nhân thi công đường Hồ Chí Minh ở những lán trại gần đó nghe tiếng máy cưa, cây ngã đổ ầm ầm. Nhưng điều lạ là cán bộ quản lý, bảo vệ rừng, kiểm lâm địa bàn lại không hay biết (!?).

“Rút kinh nghiệm” sau vụ phá rừng ở tiểu khu 20 Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, tiểu khu 12 xã Hòa Bắc, các lực lượng chức năng gồm: Ban quản lý Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, Hạt kiểm lâm Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, Hạt kiểm lâm Hòa Vang, chính quyền xã Hòa Bắc đã tăng cường lực lượng, tổ chức chốt chặn để bảo vệ những khu rừng này.

Trước sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, người dân cứ hy vọng đây sẽ là “thành trì” vững chãi bảo vệ những cây gỗ cổ thụ may mắn còn trơ trọi trên rừng.

Nhưng rạng sáng 20-12, lực lượng Hạt kiểm lâm Hòa Vang phát hiện thêm một xe tải chở đầy ắp gỗ lậu, đang trên đường về xuôi tiêu thụ. 10 phách gỗ xoan đào đỏ au dài gần 5m, với vết cưa cắt còn mới tinh cho thấy lâm tặc chỉ mới vừa triệt hạ trong rừng khoảng 1 tuần trở lại đây.

Dù tài xế vòng vo khai nhận số gỗ ấy chở thuê cho người khác hay sao đi nữa thì vụ việc trên cho thấy, rừng vẫn chưa ngưng “chảy máu”. Và tình trạng phá rừng vẫn đang âm thầm tiếp diễn trước sự bảo vệ, giám sát của lực lượng chức năng.   

Lâu nay, công tác quản lý, bảo vệ rừng ở thành phố Đà Nẵng được triển khai đồng bộ, tổ chức khá bài bản, chặt chẽ. Ngoài các cơ quan chuyên trách như chủ rừng, các lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương cũng tham gia công tác này.

Ngân sách thành phố hằng năm vẫn “rót” đều đặn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, cốt giữ cho bằng được mảng xanh của thành phố. Ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm thành phố Đà Nẵng cho biết, năm 2015, ngân sách thành phố chi cho chính quyền xã Hòa Bắc 600 triệu đồng để quản lý, bảo vệ rừng.

Như vậy, việc quản lý, bảo vệ rừng được thực hiện khá chặt chẽ, xuyên suốt từ cơ quan chuyên môn đến chính quyền địa phương. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì rừng vẫn liên tục bị lâm tặc đốn hạ lấy gỗ với quy mô không nhỏ (?).

Đến đây, dư luận đặt câu hỏi, cánh rừng nguyên sinh độc nhất nằm ở địa bàn xã Hòa Bắc bao giờ thôi “chảy máu”? Câu hỏi này, có lẽ chỉ có lực lượng chức năng và chính quyền địa phương mới trả lời được.  

PHƯƠNG CHI

;
.
.
.
.
.