.

Biện pháp không thể thiếu

.

Mấy ngày qua, nhiều người dân bàn luận sôi nổi chuyện thành phố Đà Nẵng rầm rộ ra quân tuần tra kiểm soát (TTKS) ban đêm phòng, chống tội phạm theo Quyết định 8394 của Chủ tịch UBND thành phố. Người dân rất tin tưởng, đồng tình, ủng hộ một biện pháp tuy không mới nhưng hết sức ý nghĩa và có nhiều tác dụng trong việc giữ gìn sự yên bình cho phố phường.

Ngay trong đêm đồng loạt ra quân, đích thân Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã trực tiếp đi thị sát, kiểm tra, động viên các lực lượng phối hợp TTKS ở cơ sở, đồng thời ghi nhận từ thực tế để có chế độ cụ thể đối với lực lượng này.

Chúng ta đều biết, Đà Nẵng nằm ở vị trí trung độ của cả nước, thuận lợi về giao thông, kề cận với 3 di sản văn hóa thế giới, một đô thị trực thuộc Trung ương được du khách trong và ngoài nước biết đến là thành phố an bình, đáng sống. Điều đó đã làm những người dân Đà Nẵng càng tự hào và tiếp tục “chung lưng, đấu cật” để thành phố ngày càng văn minh, hiện đại hơn.

Nhìn lại chặng thời gian đã qua, công bằng mà nói, có lúc, có nơi, tình hình an ninh trật tự (ANTT) cũng còn bất ổn, người dân lương thiện vẫn bức xúc về tội phạm các loại hoành hành, trật tự giao thông, công cộng còn đáng lo ngại… tuy nhiên, tình hình chưa đến mức phức tạp, khó quản lý, kiểm soát.

Làm được điều đó cũng có nghĩa rằng trong nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân - mà nòng cốt là công an, quân đội, các lực lượng bảo vệ ANTT ở xã, phường có chung một ý chí, quyết tâm để từng bước kiềm chế, tiến tới kéo giảm tội phạm. Song, hiệu quả mang lại chưa thực sự đạt như mong muốn.

Có rất nhiều nguyên nhân và điều kiện làm sinh sôi, nảy nở các hành vi gây nguy hiểm đối với cuộc sống, đe dọa đến thể chế, xâm hại đến trật tự xã hội. Để ngăn chặn từ gốc việc nảy sinh tội phạm, dứt khoát phải có các yếu tố tác động khách quan trực tiếp từ bên ngoài.

Công tác quản lý hành chính nói chung, TTKS nói riêng cũng là một trong những biện pháp nghiệp vụ cơ bản của ngành công an. Thực tế cho thấy, qua TTKS trên địa bàn thành phố, các lực lượng chức năng đã bắt quả tang hàng trăm vụ phạm pháp, lập hồ sơ xử lý hàng trăm đối tượng, thu giữ nhiều tài sản có giá trị mà đối tượng đã xâm hại, đồng thời ngăn chặn kịp thời được các ý đồ chuẩn bị phạm tội, góp phần đắc lực bảo vệ an ninh xã hội và sự phát triển của thành phố.

Chúng ta đấu tranh, phòng, chống tội phạm bằng nhiều biện pháp nhưng không thể thiếu được việc TTKS, bởi đây là biện pháp công khai, phát hiện, ngăn chặn được kẻ phạm tội nhanh và hiệu quả nhất. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành không ít chỉ thị, quyết định huy động các lực lượng ở cơ sở tham gia công tác TTKS để phòng, chống tội phạm.

Quyết định 8394 lần này của Chủ tịch UBND thành phố đã quy định khá rõ ràng và bổ sung theo hướng tăng thêm các lực lượng phối hợp với nhau trong công tác TTKS. Đây cũng là thông điệp mạnh mẽ của chính quyền, nhân dân thành phố thể hiện sự quyết liệt, không khoan nhượng với bất cứ loại tội phạm nào, để từng góc phố, mỗi ngả đường của Đà Nẵng luôn được đảm bảo ANTT, để mỗi mái nhà của người dân được yên ổn, thanh bình.

Để Quyết định 8394 đạt mục đích, yêu cầu đặt ra, các cấp ủy, chính quyền, nhất là cấp cơ sở phải thực sự quan tâm, tập trung đầy đủ lực lượng, duy trì thường xuyên, liên tục TTKS khép kín các tuyến, địa bàn trọng điểm, các khu vực dễ phát sinh tội phạm, tránh tình trạng làm theo pha, đợt, phô trương hình thức.

Công tác TTKS cũng cần thay đổi về phương án, kế hoạch, không tạo ra quy luật để đối tượng lợi dụng kẻ hở gây án. Người dân thành phố vốn có bề dày truyền thống tốt đẹp trong việc tham gia giữ gìn an ninh trật tự xã hội. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi, góp sức cùng hệ thống chính trị và các lực lượng chức năng ngăn chặn các tệ nạn, tội phạm từ trong mầm mống và từ cơ sở; góp phần thực hiện mục tiêu chung xây dựng Đà Nẵng an bình, đáng sống.

Thái Mỹ

;
.
.
.
.
.