.

Bài học quá đắt

.

Vụ tàu du lịch Thảo Vân 2 bị chìm trên sông Hàn tối 4-6 làm ba nạn nhân tử vong và hàng chục người khác bị thương tiếp tục là hồi chuông báo động về an toàn giao thông đường thủy nội địa của ngành du lịch thành phố Đà Nẵng; đồng thời ảnh hưởng lớn đến hình ảnh một thành phố du lịch an bình.

Những năm gần đây, du lịch đường sông mới phát triển, một số tàu đánh cá được hoán đổi thành tàu du lịch để đưa đón khách tham quan sông Hàn, đặc biệt là ngắm những cây cầu bắc ngang dòng sông Hàn về đêm. Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải thành phố, tính đến ngày 28-5-2016, tại cảng Sông Hàn (cũ) có 26 tàu khách (10 doanh nghiệp và 6 hộ kinh doanh cá thể) được cấp phép vận tải theo tuyến cố định hoạt động khai thác khách du lịch.

Theo quy định về quản lý hoạt động vận tải hành khách du lịch đường thủy nội địa, ban hành kèm theo Quyết định số 37-2014/QĐ/UBND ngày 21-10-2014 của UBND thành phố Đà Nẵng đã nêu rõ những hành vi không được thực hiện của tổ chức, cá nhân như nhận chở khách du lịch tham quan và lưu trú trên tàu du lịch nhưng không có hợp đồng bằng văn bản hoặc vé hành khách hợp lệ; thu tiền cao hơn giá vé niêm yết, thu tiền không thỏa thuận, thống nhất trước với khách… Đối với thuyền trưởng, không được tự ý đón, trả khách ở địa điểm chưa được công bố, cấp phép hoạt động, địa điểm không được ghi trong giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp…

Mặc dù quy định là vậy, nhưng theo Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, thì tàu Thảo Vân 2 có đăng kiểm, nhưng các điều kiện khác không đủ nên không thể hoạt động được. Trong khi tàu chỉ được phép chở 28 người thì thời điểm xảy ra tai nạn, trên tàu có đến 56 người, vượt gấp đôi. Nhiều người thoát chết trong vụ chìm tàu không khỏi bàng hoàng, thậm chí phẫn nộ vì không hiểu tại sao con tàu không đủ điều kiện hoạt động vẫn có thể tham gia bán vé và đưa đón khách. Phải chăng khi tàu xuất bến đã không bị các đơn vị liên quan kiểm tra, xem xét có đủ điều kiện rời bến? Câu hỏi được rất nhiều người đặt ra lúc này là trách nhiệm thuộc về ai?

 Từ thực tế con tàu chở khách vượt quá quy định cho phép như vậy, có thể thấy công tác quản lý vận tải đường sông, việc cấp phép, xuất bến vẫn còn nhiều lỏng lẻo. Thiết nghĩ, nếu cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát đúng số người quy định lên tàu, kèm thêm ý thức của chủ tàu, tài công, nhân viên phục vụ nhắc nhở hành khách mặc áo phao an toàn… thì sẽ không có vụ việc đau lòng này xảy ra. Bên cạnh đó, cũng phải nói thêm một điều, khi du khách thấy tàu quá tải cũng không nên lên tàu và khi đã lên tàu thì cần phải yêu cầu chủ phương tiện trang bị áo phao đề phòng khi có chuyện bất trắc xảy ra.

Từ vụ việc tàu Thảo Vân 2 bị chìm, cần phải sớm tìm ra nguyên nhân vụ việc, đồng thời xem xét trách nhiệm của các bên liên quan. Nói như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đây là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả rất lớn, cần phải sớm tìm nguyên nhân, tiến hành khởi tố vụ án, đưa ra xét xử nghiêm minh để răn đe. Đã đến lúc phải quy rõ trách nhiệm thuộc về ai, cá nhân, đơn vị nào.

Rất nhiều người mong được làm sáng tỏ để không còn những đêm trắng trên sông Hàn đầy tang thương như thế này nữa.

HÀ - PHÚ

;
.
.
.
.
.