.

Về chữ "trung thực"

.

Đại từ điển Tiếng Việt định nghĩa, trung thực là ngay thẳng, thật thà; một con người trung thực có tính tình ngay thẳng, thật thà; trung thực là phản ánh sự vật đúng như vốn có, đúng như sự thật.

Điều hiển nhiên này, học sinh tiểu học đã được dạy bảo. Vậy mà không ít người lớn - thậm chí cả bậc quyền cao chức trọng, một số ít doanh nhân lại không nhớ mà vận dụng cho đúng. Hay họ cố tình quên, vì lợi ích riêng? Xin nêu vài ví dụ như sau:

1.  Doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường, đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII,  tiếp tục ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Tại một khu vực bỏ phiếu ở thủ đô Hà Nội, bà Nguyệt Hường có tỷ lệ phiếu trúng cử cao nhất. Hồ sơ ứng cử của bà (tự khai) rất đẹp, lại là ứng cử viên nữ doanh nhân, đương nhiên bà được cử tri tín nhiệm cao. Té ra, bà lại thiếu sự trung thực, không ngay thẳng trong bản hồ sơ bà tự khai. Bà Nguyệt Hường mang 2 quốc tịch - như vậy vi phạm Luật Quốc tịch. Tài sản của bà ở nước ngoài không ít, nhưng bà lại ém nhẹm, không khai  báo - như nó vốn có. Và thế là bà không đủ tiêu chuẩn ở lại Quốc hội XIV! Về tư cách đại biểu HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016- 2021, theo một lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, rồi đây bà cũng sẽ bị bãi nhiệm.

2.  Về vụ cựu doanh nhân Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Xây lắp dầu khí; nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Doanh nghiệp ông làm ăn thua lỗ khoảng 3.400 tỷ đồng - một khoản tiền khủng; nhưng ông cũng lại không trung thực, không khai báo sự thật như nó vốn có, ém nhẹm để doanh nghiệp ông nhận Huân chương Lao động hạng nhất, hạng nhì trong 2 năm liền kề, nhận danh hiệu Anh hùng Lao động năm tiếp sau đó. Rồi ông cũng ém luôn vụ làm ăn thua lỗ, làm bộ hồ sơ ứng cử viên đại biểu Quốc hội thật đẹp để được bầu vào Quốc hội khóa XIV. Sự không trung thực bị phát giác, sau vụ “hô biến” biển số xe trắng thành biển số xe xanh!

3.  Với vụ “đại án” Phạm Công Danh làm thất thoát của Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng đang được xét xử. Phiên tòa dự kiến kéo dài 2 tháng. Những lời khai trước tòa của các bị cáo, người có liên quan làm ta thảng thốt giật mình. Sự không ngay thẳng của không ít quan chức ngân hàng và một số doanh nhân tên tuổi làm ta sợ. Đường đi của hàng ngàn tỷ đồng cứ loằng ngoằng, lẩn khuất chỗ này, lươn lẹo chỗ kia!

Trên đời còn bao nhiêu sự không trung thực khác. Hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, trốn thuế... đều là những biểu hiện của việc không trung thực, không ngay thẳng, không như vốn có. Ấy là sự vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức doanh nhân, đạo đức xã hội.

Trung thực là ngay thẳng, thật thà, như vốn có - đó là phẩm chất, là đạo đức làm người. Trung thực là phẩm chất hàng đầu, điều cốt lõi -  của đạo đức doanh nhân, đạo đức báo chí cũng như nhiều ngành nghề khác. Gian dối, che đậy sự vật  không như vốn có, sớm muộn cũng bị phanh phui, lật tẩy.

Phạm Quốc Toàn

;
.
.
.
.
.