.

Để đô thị phát triển bền vững

Tại cuộc làm việc của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh với Sở Xây dựng vừa qua đã đặt ra nhiều vấn đề về công tác quản lý đô thị. Nhiều vấn đề về quản lý đô thị đã được “mổ xẻ” để giải quyết những thách thức và yêu cầu mới trong công tác quản lý xây dựng phát triển đô thị Đà Nẵng theo hướng văn minh, hiện đại. Theo đó, đầu tư xây dựng và quản lý đô thị phải song hành. Năng lực quản lý đô thị còn hạn chế thì việc xây dựng không phép, sai phép diễn ra; kết cấu hạ tầng đô thị thiếu đồng bộ…

Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh chỉ ra vấn đề: Trên phần địa giới đất liền (ngoại trừ huyện Hòa Vang) thì các quận đều có tốc độ đô thị hóa cao. Thế nhưng, công tác quản lý đô thị chưa được chú trọng bởi công tác cán bộ chưa đáp ứng năng lực chuyên môn quản lý Nhà nước ở địa phương. Nhiều vị trí cán bộ là phó chủ tịch UBND quận chưa đáp ứng yêu cầu cho nhiệm vụ về công tác quản lý đô thị. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết thêm: UBND thành phố rất mong muốn được phân cấp mạnh về quận, huyện trong công tác quản lý đô thị; thế nhưng hiện tại, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ quản lý đô thị ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Nhiệm vụ xây dựng đô thị có thể hiểu là hình thành một chỉnh thể đô thị theo một phương hướng nhất định. Về công tác xây dựng và quản lý đô thị có thể thấy rằng, trong trường hợp có quy hoạch tốt nhưng xây dựng và quản lý đô thị không tốt thì quy hoạch không thể đi vào cuộc sống, không thể trở thành hiện thực. Hệ quả là mặc dù có quy hoạch tốt nhưng đô thị vẫn phát triển thiếu kiểm soát, thậm chí là phát triển tự phát. Đầu tư xây dựng và quản lý đô thị ở thành phố có thời điểm, có nơi bộc lộ những biểu hiện cụ thể là nguồn lực phát triển đô thị sẽ bị phân tán, dàn trải, đầu tư thiếu hiệu quả; môi trường và cảnh quan tự nhiên bị xâm hại; không gian đô thị và các công trình di tích không được bảo tồn và phát huy giá trị; bộ mặt đô thị có nơi còn nhếch nhác, môi trường ô nhiễm, cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị bị quá tải hoặc sử dụng thiếu hiệu quả.

Trước những thách thức và yêu cầu mới trong công tác quản lý xây dựng, phát triển đô thị Đà Nẵng, thiết nghĩ chính quyền thành phố cần triển khai những giải pháp đồng bộ, xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu cho công tác quản lý đô thị trên toàn địa bàn thành phố. Đó là, hoàn thiện hành lang pháp lý là công cụ để thực hiện việc quản lý xây dựng phát triển đô thị, xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành dưới luật, phù hợp với đặc thù quản lý xây dựng phát triển đô thị. Theo KTS Tô Hùng, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố, Đà Nẵng cần xây dựng và ban hành Quy chế quản lý đô thị có tính chất liên ngành. Đặc biệt là giải pháp phát huy sức mạnh đồng thuận của người dân qua tuyên truyền, nâng cao nhận thức. Đồng thời, nâng cao trình độ của cán bộ thực hiện công tác quản lý xây dựng phát triển đô thị. Giải pháp khuyến khích tiến tới áp dụng công nghệ cao trong xây dựng và quản lý xây dựng, phát triển đô thị. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển.

Tính cấp bách trong công tác quản lý đô thị hiện nay là nhân lực. Để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép là có hành vi tiêu cực của người làm công tác quản lý, vì vậy người đứng đầu thành phố yêu cầu cần xử lý nghiêm, trong đó có việc thôi chức vụ của lãnh đạo quận. Đồng thời với đó là tăng cường đội ngũ cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ về quận ở vị trí phó chủ tịch để tăng cường năng lực quản lý đô thị; trước mắt thực hiện ở các quận trung tâm.

Thực hiện đồng bộ những phần việc đó mới hy vọng công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý đô thị thành sức mạnh tổng hợp, đưa đô thị Đà Nẵng phát triển bền vững.

TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.