.

Hễ mưa là ngập!

.

Mới vào đầu mùa mưa và đặc biệt dù cấp độ bão số 4 chỉ nhỉnh hơn áp thấp nhiệt đới một chút và đi qua nhanh, nhưng tình trạng ngập nước ở nhiều tuyến phố, khu dân cư của thành phố đã diễn ra nghiêm trọng. Mức độ ngập được xác định có nhiều điểm ngập sâu, lại thêm phát sinh nhiều điểm ngập mới bất thường.

Theo thống kê của Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, hiện trên địa bàn thành phố có trên 80 điểm ngập úng, tăng 50 điểm so với năm 2011. Trong đó, quận Sơn Trà và quận Liên Chiểu là hai địa phương có số điểm ngập nhiều nhất với 20 điểm mỗi quận. Tiếp đến là quận Thanh Khê với 14 điểm; quận Hải Châu 9 điểm; quận Ngũ Hành Sơn 8 điểm; quận Cẩm Lệ 7 điểm và huyện Hòa Vang 5 điểm. So với năm 2011, số điểm ngập úng của các quận đều tăng, nhiều quận trung tâm như Hải Châu, Sơn Trà, Thanh Khê có số điểm ngập úng tăng gấp đôi. Đặc biệt, năm 2011, toàn quận Sơn Trà chỉ có 5 điểm ngập úng thì năm 2012 thống kê có tới 20 điểm.

Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thành phố cho biết, trong tổng số 83 điểm ngập, có 33 điểm ngập cũ của năm trước vẫn chưa được khắc phục. Những điểm ngập mới phát sinh năm nay, chủ yếu tập trung ở các khu dân cư mới do các ban quản lý dự án điều hành. Trong quá trình đầu tư và khớp nối giữa hệ thống cống mới xây và xây cũ thiếu đồng bộ nên xảy ra ngập úng.

Ông Đặng Minh Dũng, Phó Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thành phố nêu rõ nguyên nhân của tình trạng ngập nước ở đô thị là do lượng mưa lớn, tình hình đầu tư và triển khai các hạng mục công trình thoát nước chưa đáp ứng về tiến độ trong giải quyết tình trạng ngập hiện nay. Tuy nhiên, nguyên nhân khác tác động đến năng lực thoát nước ở đô thị đang nằm ngoài tầm kiểm soát.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng và Báo Đà Nẵng đã phản ánh, tình trạng thi công hạ tầng công trình ngầm của các đơn vị thông tin - truyền thông, tuyến ống cấp nước sinh hoạt đô thị đã và đang “bức tử” năng lực thoát nước đô thị. Cụ thể, phản ánh của Sở Xây dựng cho biết tình trạng hạ tầng các công trình ngầm của cáp thông tin, cấp điện, cấp nước đang ảnh hưởng nặng nề đến năng lực thoát nước đô thị.

Đây là một trong những nguyên nhân gây ngập ở nhiều tuyến phố mỗi khi có mưa. Qua kiểm tra và thống kê sơ bộ, có trên 62 địa điểm họng cống và tuyến thoát nước bị các đường ống cáp ngầm vây bịt đường chảy. Tại quận Hải Châu, có đến 28 điểm đường ống công trình ngầm bít đường thoát nước; khu vực quận Ngũ Hành Sơn có 13 điểm làm tắc nghẽn năng lực thoát nước đô thị từ 10 - 50%; quận Sơn Trà có 14 điểm tắc nghẽn; quận Thanh Khê có 10 điểm; quận Liên Chiểu có 11 điểm…

Theo Sở Xây dựng, số địa điểm bị tác động lên năng lực thoát nước đô thị do mạng lưới cáp ngầm thông tin liên lạc, cáp điện và đường ống cấp nước mới chỉ kiểm tra bước đầu. Tình trạng các đơn vị chủ đầu tư, đơn vị thi công hạ tầng công trình ngầm thi công sai thiết kế, thi công cẩu thả và đang xâm hại hạ tầng thoát nước diễn ra phổ biến. Việc khắc phục hậu quả, di dời toàn bộ tuyến ống cáp ngầm thông tin liên lạc, cấp điện, cấp nước ra khỏi hệ thống thoát nước là rất tốn kém.

Tuy nhiên, việc thực hiện di dời là cần thiết và qua đây chấn chỉnh công tác đầu tư, quản lý dự án, giám sát thi công ở các dự án công trình ngầm. Có thực tế là việc xây dựng tuyến đường kiểu mẫu ở đường Lê Duẩn khi ngầm hóa cáp thông tin đã dẫn đến tình trạng tổ chức thi công làm tắc nghẽn hạ tầng thoát nước chiếm đến 17/22 điểm thoát nước đô thị. Do đó, những dự án công trình, dự án ngầm hóa cáp viễn thông cần đặt trong tình trạng kiểm tra.

Đặc biệt, việc xâm hại và làm mất năng lực tiêu thoát nước lên hạ tầng thoát nước đô thị, đó là việc người dân che lấp các họng thu nước mặt đường để chống mùi hôi khi thời tiết nắng nóng, tuyến cống thoát nước khô cạn. Những nguyên nhân trên được phơi bày khi ngày 14-9, nhân viên Công ty Thoát nước và xử lý nước thải đi thu gom, khơi thông từng tuyến cống, họng thu nước trên đường Lê Duẩn do cửa thu nước đã bị người dân, chủ các cửa hàng, cửa hiệu dùng giẻ bịt kín để ngăn mùi hôi vào những ngày nắng nóng. Ngoài tuyến đường Lê Duẩn, thì tình trạng người dân bịt kín họng thu nước diễn ra tràn lan ở nhiều tuyến đường phố khác.

Vì đâu mà nên nỗi ngập đô thị?

Người dân thành phố và cụ thể người dân ở đô thị có quyền được hưởng lợi ích từ những công trình hạ tầng đô thị, đòi hỏi chính quyền thành phố có kế hoạch đầu tư hạ tầng, thực hiện các giải pháp chống ngập để bảo đảm đời sống và sinh hoạt. Tuy nhiên, phải nhận thức và khi phê phán khả năng xử lý và đầu tư hạ tầng thoát nước đô thị, thì người dân cần phải xem lại những việc làm thiếu ý thức của mình, không chỉ gây ảnh hưởng cho chính họ mà còn gây khó khăn, trở ngại cho rất nhiều người khác lưu thông khi có mưa lớn. Ngoài ra, chính quyền cơ sở và các hội, đoàn thể cũng xem lại hiệu quả triển khai tuyên truyền, tiến hành khơi thông cống rãnh, bảo đảm vệ sinh môi trường… theo chỉ đạo của UBND thành phố.

Những nguyên nhân cần được chính quyền thành phố và các ngành đánh giá, có giải pháp phù hợp để tránh tình trạng công tác chống ngập rơi vào tình cảnh mất kiểm soát.

TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.