.

Bài học từ phân cấp quản lý chuyên ngành

.

Thời gian qua, việc UBND quận Thanh Khê cùng với doanh nghiệp lập hồ sơ thiết kế, phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với dự án Khu vui chơi giải trí hồ điều tiết Xuân Hòa A, phường Hòa Khê gây… bất ngờ cho cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành ở thành phố. Đây là việc làm vi phạm các quy định về công tác quản lý Nhà nước.

Việc sai phạm này đến năm 2014 mới được xử lý; nhưng chính quyền địa phương phủ nhận sai phạm trong cấp phép xây dựng đối với các công trình trên đất ven hồ, trên mặt nước với lý giải “các công trình cấp phép xây dựng đa số là nhà tạm, kết cấu lắp ghép”. Thế nhưng, trên văn bản ngày 14-1-2010 cấp phép cho nhà hàng Đầm Sen lại có nội dung “xây dựng nhà trệt có diện tích 320m2, móng bê-tông cốt thép, trụ dầm thép, tường xây, mái bê-tông cốt thép”. Các công trình quy mô xây dựng nhà gỗ là “nhà 2 tầng, sàn bê-tông cốt thép, diện tích 105,8m2. Kết cấu: móng-trụ-dầm-sàn bê-tông cốt thép; tường xây ốp gỗ mặt trong và mặt ngoài, nền gạch hoa, mái ngói” (!?).

Dự án Khu vui chơi giải trí hồ Xuân Hòa A là bước đi cụ thể từ chủ trương phân cấp quản lý ao, hồ về các quận, huyện quản lý. Dự án đã và đang gây ra nhiều hệ lụy để giải quyết những tồn tại khi chủ đầu tư tháo chạy khỏi dự án sau khi trục lợi cho thuê mặt bằng đất ven hồ, mặt nước cho các DN khác. Bởi đến ngày 14-9-2016, UBND thành phố mới chính thức phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng hồ điều tiết Xuân Hòa A. Để triển khai quy hoạch này là công tác giải tỏa, đền bù.

Với thực trạng cấp phép xây dựng công trình kiên cố khai thác dịch vụ tại hồ Xuân Hòa A trong thời gian qua, phải đền bù thiệt hại cho doanh nghiệp với giá trị hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Vậy nguồn ngân sách nào chi trả? Hiển nhiên ngân sách thành phố và của quận Thanh Khê không thể chi ra để xử lý những bất cập do công tác quản lý Nhà nước ở địa phương gây ra. Nếu không thu xếp được nguồn chi trả đền bù thì đồ án quy hoạch của UBND thành phố khó triển khai thực hiện.

Chuyện phân cấp quản lý về quận, huyện để lại nhiều hệ lụy trong quản lý điều hành của thành phố. Vụ việc hồ Xuân Hòa A, quận Thanh Khê không phải là trường hợp cá biệt. Bởi cũng qua phân cấp quản lý mà hàng loạt các trường hợp xây dựng trái phép, không phép, sai phép “núp bóng” qua chủ trương cấp giấy phép xây dựng nhà tạm, sửa chữa nhà ở tại các dự án quy hoạch kéo dài đã diễn ra. Tình trạng này cũng để lại nhiều hệ lụy khi triển khai đầu tư dự án.

Hiện nhiều sở, ngành ở thành phố thực hiện phân cấp nhiệm vụ chuyên môn về cấp quận, huyện. Trong đó, ngành Xây dựng thực hiện phân cấp mạnh về quận, huyện với các đầu việc như cấp phép xây dựng; phân cấp quản lý hạ tầng đô thị về thoát nước, cây xanh, điện chiếu sáng, quản lý đầu tư xây dựng, nghiệm thu công trình…

Tại cuộc làm việc gần đây với Sở Xây dựng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh cho rằng, với tốc độ đô thị hóa cao, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, quản lý đô thị phải đặc biệt coi trọng. Trong đó, vị trí của Phó Chủ tịch UBND quận,  huyện phải có chuyên môn cao về lĩnh vực xây dựng, quản lý đô thị để giúp Chủ tịch UBND quận, huyện nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước ở địa phương.

Như vậy, việc phân cấp quản lý Nhà nước trong hoạt động chuyên ngành từ cấp thành phố về quận, huyện phải đi liền với việc nâng cao trình độ quản lý Nhà nước chuyên ngành. Đồng thời, cần bố trí, phân công cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về cơ sở. Có như vậy mới xóa tình trạng cấp phép xây dựng vượt thẩm quyền; cấp phép xây dựng công trình hạng mục kiên cố quy mô xây dựng 2 tầng nhưng xác định là nhà gỗ vì có yếu tố lát sàn gỗ như UBND quận Thanh Khê đã thực hiện.

Điều quan trọng, khi được phân cấp chuyên ngành, người đứng đầu chính quyền địa phương cần phải nhìn nhận ra điều đó, để công tác quản lý Nhà nước được bảo đảm thông suốt và hiệu quả.

 TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.