.

Sẻ chia với đồng bào Bắc miền Trung

.

Cơn bão số 7 đang tiến vào bờ và còn một cơn bão nữa (bão Haima đang hoạt động trên khu vực Tây Thái Bình Dương) có thể tiến vào Biển Đông. Đà Nẵng là một trong những địa phương được cảnh báo chịu ảnh hưởng của các cơn bão này, phải chủ động ứng phó với tinh thần cao nhất theo chỉ đạo của Trung ương. Đây là lúc cả thành phố ưu tiên số một cho việc phòng chống bão với phương châm “4 tại chỗ”. Nhưng còn một việc khác, xin chớ quên: Ứng cứu đồng bào các tỉnh Bắc miền Trung oằn mình chống chịu lũ dữ từ ngày 13-10 đến nay.

Những ngày qua, thông tin, hình ảnh tang thương từ hiện trường lụt bão ở các tỉnh Bắc miền Trung, đặc biệt là tại Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An… đăng tràn trên khắp các mặt báo, mạng xã hội. Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lũ trong những ngày qua tại các tỉnh miền Trung đã làm 29 người chết và mất tích, 18 người bị thương; 7 nhà bị sập, gần 99.000 nhà ngập; diện tích lúa bị ngập gần 1.600ha; hoa màu bị ngập 9.143ha; nhiều tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh lộ, huyện lộ và giao thông nông thôn bị ngập, sạt lở gây ách tắc giao thông… Cả nước thương cảm, Chính phủ và các bộ, ngành tập trung mọi nỗ lực ứng cứu đồng bào trong tình cảnh vô vàn khó khăn hiện nay.

Tại Đà Nẵng, cùng với việc chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của bão lũ, một số hoạt động hướng về đồng bào các tỉnh Bắc miền Trung cũng đang triển khai. Các nhóm thiện nguyện cũng đang ra sức nỗ lực nhường cơm sẻ áo, động viên tinh thần đồng bào… Tuy nhiên, ngoài việc hầu như ai cũng bày tỏ thương cảm, dường như các hoạt động ứng cứu vẫn còn thiếu tính tổ chức, các cấp, các ngành, cơ quan, đoàn thể, kể cả các tổ chức thiện nguyện, các nhà hảo tâm vẫn có phần chậm, chưa có hành động cụ thể, thiết thực nào cho những hộ dân hiện vẫn trong vùng cô lập, đói, khát; những người già bị bủa vây giữa làn nước đục ngầu, chảy xiết; những em học sinh bị lũ cuốn trôi sách vở, đồng phục; những hộ dân phải tổ chức tang lễ cho người thân trong cảnh khó khăn, bấn loạn.

Chúng ta chứng kiến cảnh sau khi một cơn bão tràn qua Đà Nẵng, các cấp chính quyền, cơ quan, đoàn thể ra quân dọn dẹp thành phố…, trong lúc đó, rất nhiều thanh niên vẫn rảnh rỗi, vô tư nhâm nhi cà-phê, chuyện trò vui vẻ, như chẳng có chuyện gì xảy ra. Tiếc rằng, đó là hình ảnh không hề đơn lẻ, cá biệt.

Còn nhớ, khi cơn bão Xangsane (bão số 6 năm 2006) tàn phá thành phố Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, đồng bào cả nước đã chung tay giúp đỡ. Hàng loạt các đoàn cứu trợ từ các tỉnh, thành, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh đổ dồn về miền Trung nói chung, Đà Nẵng nói riêng. Bên cạnh giá trị tinh thần cao quý, là nguồn động lực mạnh mẽ tiếp sức cho đồng bào vượt qua tình cảnh khó khăn chồng chất lúc bấy giờ, thì giá trị hàng cứu trợ, ủng hộ cũng rất lớn, lên đến hàng trăm tỷ đồng cho mỗi địa phương. Riêng hội đồng hương Quảng Nam-Đà Nẵng tại TP. Hồ Chí Minh đã huy động được hàng tỷ đồng, các hội viên trực tiếp, xông xáo tham gia cứu trợ khắp nơi, từ những khu vực thấp trũng của huyện Hòa Vang, xóm nghèo Nam Ô, đến các hộ nghèo ở ngay trung tâm Đà Nẵng… Những nghĩa cử cao đẹp đó, hẳn rất nhiều người Đà Nẵng chưa quên. Giờ đây, trước cảnh tang thương của đồng bào các tỉnh Bắc miền Trung, Đà Nẵng cần đi đầu trong việc cứu trợ, sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là tinh thần xông pha của tuổi trẻ Đà Nẵng.

Chúng tôi tin rằng, tình yêu thương, lòng trắc ẩn của người Đà Nẵng không hề thiếu, nhiều người hiện nay muốn đóng góp cho đồng bào nhưng vẫn lúng túng không tìm được nơi tin cậy để gửi gắm. Vấn đề đặt ra là ở khâu tổ chức, vận động. Nếu có một lời kêu gọi chân thành, tha thiết…; nếu biết tiếp nhận một cách bài bản, minh bạch, tin cậy…; nếu có những người thực sự xông xáo, uy tín đứng ra tổ chức…, thì chắc hẳn Đà Nẵng sẽ huy động được nguồn lực để cứu trợ đồng bào các tỉnh Bắc miền Trung. Làm được việc đó, tấm lòng ấm áp của người Đà Nẵng sẽ lan tỏa mạnh mẽ, người dân cả nước, bạn bè gần xa không chỉ biết đến Đà Nẵng như một thành phố phồn thịnh, đáng sống mà còn là một thành phố thực sự biết cách sẻ chia.

Nguyễn Nguyên An

;
.
.
.
.
.