.

Chấn chỉnh mất an toàn lao động trong xây dựng

.

Ngay trong nửa đầu tháng 1-2017, trên địa bàn Đà Nẵng xảy ra 2 vụ tai nạn lao động, trong đó có vụ sập giàn giáo công trình tối 11-1 tại Dự án tổ hợp căn hộ thương mại dịch vụ và khách sạn cao cấp Foints by Sheraton and Luxury Apartment Đà Nẵng (đường Võ Nguyên Giáp, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) làm ít nhất 4 công nhân bị thương.

Điều đáng nói, đây là công trình có quy mô đầu tư lớn, yêu cầu cao về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nhưng thiếu sự giám sát của chủ đầu tư và việc tổ chức thi công của đơn vị nhà thầu không bảo đảm an toàn.

5 ngày trước đó, Sở Xây dựng - cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng - đã có công văn hướng dẫn thực hiện việc bảo đảm an toàn tại các công trình xây dựng; theo đó, quy trách nhiệm trực tiếp cho chủ đầu tư và nhà thầu nếu để xảy ra tai nạn lao động.

Văn bản quản lý Nhà nước ở địa phương là vậy, nhưng việc văn bản quản lý có đến với chủ đầu tư và nhà thầu hay không là một khoảng cách lớn, cần có giải pháp để văn bản hành chính đi vào cuộc sống thiết thực hơn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an toàn lao động (ATLĐ); trong đó, nhà thầu thi công buông lỏng giám sát, tiết kiệm chi phí thi công công trình nên việc tổ chức thi công mất an toàn đã dẫn đến tai nạn lao động.

Thống kê của Cục ATLĐ (Bộ LĐ-TB&XH) khi phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn lao động cho thấy, do thiết kế không bảo đảm ATLĐ chiếm 18,3% tổng số vụ, bao gồm cả việc nhiều thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ như: thiết bị nâng, cẩu trục, cần cẩu tháp… không được kiểm định trước khi đưa vào vận hành, kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng, chất lượng kiểm định của các tổ chức kiểm định không bảo đảm; người sử dụng lao động không huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động chiếm 11,4% tổng số vụ, bao gồm cả việc người lao động không được huấn luyện đầy đủ về an toàn trong vận hành thiết bị, thi công trên công trường, người lao động chỉ được huấn luyện về an toàn chung trong xây dựng; người lao động thực hiện sai các quy định vận hành thiết bị, quy định thi công; người sử dụng lao động không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động chiếm 4% và người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân chiếm 1,5% số vụ.

Về công tác quản lý Nhà nước, các cơ quan đơn vị chức năng đều được phân cấp quản lý, kiểm tra, giám sát trong hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, tình trạng mất ATLĐ vẫn liên tiếp xảy ra. Thực tế hoạt động kiểm tra, giám sát bảo đảm ATLĐ chưa được thực hiện nghiêm túc, thiếu sự kiểm tra thường xuyên và việc kiểm tra chưa triệt để.

Các cơ quan chức năng đều nhận định rõ nguyên nhân chính gây mất ATLĐ là việc tuân thủ quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng chưa nghiêm; chất lượng khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng công trình còn nhiều hạn chế và đặc biệt là thường xuyên vi phạm các quy định về ATLĐ.

Để chấn chỉnh tình trạng mất ATLĐ trên địa bàn Đà Nẵng, đơn vị chức năng và chính quyền quận, huyện cần phối hợp, phân công trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn các công trình; nghiêm khắc chấn chỉnh, xử lý những sai phạm về công tác an toàn thi công, ATLĐ tại các công trình; tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất.

Đối với chủ đầu tư, nhà thầu phải tổ chức lập biện pháp quản lý rủi ro trong suốt quá trình thi công, phải bảo đảm an toàn cho cả người lao động lẫn người dân xung quanh; lựa chọn những lao động có chuyên môn, kinh nghiệm và được đào tạo an toàn đầy đủ khi làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ tại các công trình, dự án trọng điểm, gần các khu dân cư có nguy cơ gây mất an toàn cho người dân và người lao động.

Về lâu dài, để chấn chỉnh tình trạng mất ATLĐ trên các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố, các đơn vị thầu cần chú trọng xây dựng văn hóa ATLĐ trong doanh nghiệp; chủ động, tăng cường công tác tự kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguy cơ, yếu tố nguy hiểm, có hại trong sản xuất, để xây dựng và thực hiện kịp thời các biện pháp phòng ngừa nâng cao ý thức, quy định an toàn cho người lao động.

TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.