.

Trả lại vị thế cho tài chính tiêu dùng

.

Ngân hàng Nhà nước đã biết lắng nghe dư luận khi chính thức ban hành Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính. Kể từ 15-3-2017 trở đi, một khuôn khổ pháp lý tài chính tiêu dùng khá minh bạch và lành mạnh bước đầu được thiết lập sau nhiều năm bị bỏ ngỏ. Khách hàng vay tiền có cơ hội được nâng cao vị thế của mình, “cởi trói” phần lớn các “bẫy” nợ nần, những nguy cơ đe dọa từ “tín dụng đen” mà họ phải đối mặt nếu không thanh toán nợ kịp thời. Có thể xem đây là tin tốt cho đầu năm Đinh Dậu.

Băn khoăn lớn nhất trong Thông tư 43/2016/TT-NHNN, chính là xử lý vấn đề lãi suất. Theo Điều 9, lãi suất cho vay được áp dụng theo quy định của NHNN về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (liên quan đến Thông tư số 39/2016/TT-NHNN) dựa trên nguyên tắc thỏa thuận về mức lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi. Công ty tài chính chỉ có trách nhiệm công bố mức lãi suất cao nhất/thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng mà không bị bất kỳ giới hạn nào về việc ấn định mức lãi suất với khách hàng. Quy định này là mâu thuẫn với Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, trong đó giới hạn lãi suất thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm.  

Mỗi bên trong quan hệ giao dịch tài chính tiêu dùng đều có lý lẽ và căn cứ pháp luật của riêng mình. Người đi vay luôn muốn thụ hưởng mức lãi suất hợp lý, tốt nhất là không vượt quá giới hạn 20%/năm theo điều 468 Bộ luật Dân sự. Ở phía ngược lại, có đủ lý do để tin rằng người cho vay là các công ty tài chính sẽ tranh thủ vận dụng nguyên tắc lãi suất thỏa thuận sao cho có lợi nhất, miễn sao không chạm đến ngưỡng 100%/năm (ngưỡng lãi suất mà Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 định danh là hành vi cho vay lãi nặng). Rắc rối phát sinh ở chỗ, khi thụ lý các tranh chấp về hợp đồng tín dụng, do khuôn khổ pháp lý còn tù mù, không loại trừ Tòa án hoàn toàn có quyền vận dụng các điều luật từ nhiều bộ luật khác nhau, điều này sẽ dẫn đến những phán quyết bất lợi/ không rõ ràng/ không chắc chắn cho một bên có liên quan.

Trong cơ chế thị trường, vị thế người tiêu dùng luôn được xem là tối thượng, với những khẩu hiệu quá đỗi quen thuộc, ví như “Khách hàng là thượng đế”, “Khách hàng luôn luôn đúng”… Lý thuyết là vậy, nhưng xem ra so với thực tiễn vẫn còn khoảng cách khá xa. Không thiếu các trường hợp ưu đãi biến thành ngược đãi. Nhiều khách hàng giao dịch ngân hàng thời nay thường được săn đón bởi các chiêu khuyến mãi rầm rộ, gửi hoặc nhận tiền có thưởng, vay vốn lãi suất thấp, kỳ hạn dài… nhưng nếu không đọc và hiểu biết rõ thông tin, thiếu tư vấn pháp lý khách quan, chính xác, đôi khi phải chuốc lấy những thiệt hại dở khóc dở cười. Với Thông tư 43, có vẻ như vị thế người vay tiêu dùng so với trước đây bước đầu được bảo vệ tốt hơn. Tuy nhiên vẫn chưa thể khẳng định họ là nhân vật trung tâm của lĩnh vực tài chính tiêu dùng, nếu không muốn nói là còn nhiều yếm thế, bởi bên sở hữu tiền vẫn đang là người nắm giữ lợi thế cuộc chơi?

Có một thực tế là, nhận thức chung về lĩnh vực tài chính tiêu dùng dường như chưa trở nên chính thống ở nước ta, đôi khi bị ngộ nhận một cách đáng tiếc. Trong thể chế kinh tế thị trường phát triển, tài chính tiêu dùng luôn là lĩnh vực truyền thống, được chăm lo chú trọng, hướng đến mục tiêu mở rộng các kênh phân phối/ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, kích thích sản xuất - kinh doanh dịch vụ phát triển, nâng cao mức tiêu dùng/mức sống của người dân. Bên cạnh các ngân hàng thương mại có nhiệm vụ tập trung hỗ trợ trực tiếp dòng tiền sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp thì các công ty tài chính lại có vai trò gián tiếp nhằm thúc đẩy vòng quay tồn kho/luân chuyển đồng vốn xã hội. Sự phân công chức năng này nếu biết cách tổ chức và điều chỉnh một cách chuyên nghiệp sẽ trở nên tuyệt vời, là tấm đệm vững vàng để hỗ trợ nền kinh tế cất cánh, tạo ra mối tương tác tiền - hàng chặt chẽ mà không làm phương hại lẫn nhau.

Dư luận lâu nay khi đề cập về lĩnh vực tài chính tiêu dùng thường đánh đồng với định kiến tệ nạn cho vay cắt cổ hoặc xem đó là kênh cấp tín dụng cạnh tranh thiếu lành mạnh với hệ thống ngân hàng. Nếu các công ty tài chính cứ viện dẫn lý do cho vay tiêu dùng có độ rủi ro cao thì rốt cuộc họ sẽ bị cuốn mãi vào vòng xoáy áp đặt lãi suất cao, tự đánh mất uy tín của mình. Về phía khách hàng vay tiền, cần nhận thức đầy đủ rằng nếu không có thái độ tuân thủ pháp luật nghiêm túc, không biết gìn giữ lịch sử uy tín thanh toán cá nhân, thì trong tương lai chắc chắn sẽ bị phong tỏa, không có cơ hội tiếp cận bất kỳ nguồn vốn tín dụng nào. Đã đến lúc cần phải thừa nhận vai trò trung gian thuần túy, ngày càng quan trọng của các công ty tài chính tiêu dùng đối với câu chuyện quốc kế dân sinh. Vì tương lai phát triển bền vững, mục tiêu tối hậu của các công ty này không phải là lợi nhuận cao bằng mọi giá/ biên độ lãi suất lớn, mà chính là cơ hội tiếp cận một thị phần vô cùng đa dạng, rộng lớn, đặc biệt đối với các tầng lớp trung lưu, thị dân, công nhân lao động, sinh viên học sinh… đang trong giai đoạn đỉnh cao của chu kỳ “dân số vàng” ở Việt Nam. Nếu giải được bài toán này thì chắc chắn sẽ giải tỏa được những ngộ nhận tai tiếng, góp phần trả lại uy tín và thanh danh cho hệ thống dịch vụ tài chính ngân hàng, cũng như trả lại vị thế đáng được tôn vinh của người vay tiêu dùng.

TÂM DÂN

;
.
.
.
.
.