Hoàng Sa, không bao giờ quên

.

“Khi còn sống, ba tôi thường kể chuyện về những ngày ông làm nhiệm vụ trấn giữ quần đảo Hoàng Sa. Ông kể đi, kể lại từ lúc tôi còn nhỏ cho đến khi tôi lập gia đình ông vẫn kể và kể tiếp cho các con tôi nghe.”

Anh Phạm Ngọc Thức, con trai ông Phạm Khôi nói chuyện với Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa Võ Ngọc Đồng vào buổi chiều ngày 17-1. Nghe anh kể, những người cùng đi trong chuyến thăm bỗng nhớ lời Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng nói tại buổi gặp mặt nhân chứng Hoàng Sa cách đây 1 năm: Chúng ta còn nhớ là chưa mất Hoàng Sa.

Rất nhiều người Việt Nam luôn nhớ ngày này cách đây 44 năm Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa đang được trấn giữ bởi người Việt Nam và chiếm đóng cho đến tận hôm nay. Từ ngày 30-4-1975, đất nước thống nhất nhưng lãnh thổ vẫn chưa vẹn toàn. Một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc vẫn bị chiếm đóng.

44 năm qua, Hoàng Sa chưa về với Tổ quốc luôn là nỗi day dứt của nhiều thế hệ người Việt Nam. Nỗi day dứt đó đã chuyển thành những hành động cụ thể đấu tranh khẳng định và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa trên phương diện pháp lý quốc tế, bằng cách ban hành văn bản quy phạm pháp luật về việc tổ chức chính quyền và duy trì hoạt động quản lý Nhà nước của huyện Hoàng Sa - đơn vị hành chính thuộc thành phố Đà Nẵng.

Việt Nam đang lưu giữ nhiều tài liệu lịch sử có giá trị chứng minh Việt Nam đã có một quá trình lịch sử lâu dài xác lập và thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa ít nhất từ thế kỷ XVII. Việc xác lập và thực thi chủ quyền này thực sự liên tục, hòa bình phù hợp với nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, trong nhiều năm qua, đặc biệt là từ khi thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương đến nay, UBND huyện Hoàng Sa luôn duy trì hoạt động, nổi bật là hoạt động thu thập các tài liệu, tư liệu, hiện vật chứng minh lịch sử xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa.

Đặc biệt, UBND huyện Hoàng Sa thu thập được hàng trăm bản đồ cổ, bản đồ thời kỳ hiện đại do nhiều nước xuất bản, trong đó có cả bản đồ do Trung Quốc xuất bản qua các thời kỳ đều khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Việt Nam.

Tư liệu bản đồ có năm xuất bản gần đây nhất mà UBND huyện Hoàng Sa sưu tập được là cuốn sách “The People’s Republic of China: A new Industrial power with a strong mineral base” do Trung Quốc in, xuất bản năm 1949, sau đó Mỹ in lại, xuất bản năm 1975, trong đó có kèm bản đồ về phân bố mỏ và kim loại của Trung Quốc chỉ rõ cương giới của nước này chỉ đến đảo Hải Nam.

Được biết, cùng với việc đưa công trình nhà trưng bày Hoàng Sa dự kiến đi vào hoạt động vào dịp kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng thành phố (29-3) năm nay, UBND huyện đảo Hoàng Sa đã tiến hành nghiên cứu đề tài khai thác, sử dụng các tài liệu, tư liệu, hiện vật sưu tập.

Một trong nội dung nghiên cứu đó là phân loại tư liệu để biên soạn thành tài liệu tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng cụ thể là học sinh THCS, THPT, du khách trong và ngoài nước tham quan nhà trưng bày Hoàng Sa. Đây là một trong rất nhiều giải pháp tuyên truyền, nhắc nhớ về Hoàng Sa cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau, đồng thời tranh thủ sự đồng thuận của dư luận quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam.

Hiện trạng quần đảo Hoàng Sa và một số đảo thuộc Trường Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép chỉ là tạm thời. Chúng ta chưa mất Hoàng Sa. Việt Nam chỉ thực sự mất hẳn Hoàng Sa khi người Việt Nam không còn nhớ, không còn nhắc đến Hoàng Sa nữa. Trách nhiệm của chúng ta hôm nay phải liên tục lan truyền, thổi bùng ý thức đó để trong tâm trí mỗi người Việt Nam dù qua nhiều thế hệ vẫn khắc sâu ý thức: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

SƠN TRUNG

;
.
.
.
.
.
.