Phải giám sát chất lượng nhóm trẻ

.

Những hình ảnh bạo hành trẻ em tại một nhóm trẻ độc lập ở Đà Năng xuất hiện trong ngày 21-5 trên mạng xã hội khiến người xem xót xa, bức xúc. Bạo hành trẻ em vẫn xảy ra, ở đâu đó, chỉ là chúng ta – những bậc phụ huynh và các nhà quản lý có kịp phát hiện để ngăn chặn, xử lý kịp thời hay không mà thôi.

Sự ra đời, tồn tại của các nhóm trẻ tư thục là điều tất yếu, đáp ứng nhu cầu cần được giáo dục, chăm sóc trẻ em của nhiều gia đình. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi hệ thống giáo dục công lập không đáp ứng kịp với sự phát triển dân số. Nếu như các cơ sở mầm non tư thục chất lượng cao được đầu tư bài bản, chi phí học tập cao, chỉ dành cho những gia đình có điều kiện, thì các nhóm trẻ gia đình, trường mầm non tư thục bình dân được mở xen trong các khu dân cư, đã trở thành lựa chọn không thể thay thế của nhiều gia đình hiện nay.

Tuy vậy, điều đáng lo ngại nhất bao lâu nay chính là việc giám sát chất lượng hoạt động của các nhóm trẻ, trường mầm non tư thục dường như đang bị thả nổi. Hiện nhiều cơ sở mầm non được lắp đặt camera để phụ huynh có thể yên tâm, quan sát việc học của con em mình ngay trong lúc làm việc. Nhưng những chiếc camera không phải “trăm tai nghìn mắt” có thể giám sát hết mọi hoạt động ở trường. Chưa kể, vẫn có rất nhiều nhóm trẻ gia đình, trường mầm non không được lắp đặt camera, các bậc cha mẹ chỉ biết trông chờ, phụ thuộc hoàn toàn vào tình cảm, thái độ ứng xử của các giáo viên dạy con, em mình.

Trong khi đó, một lãnh đạo Phòng Giáo dục-Đào tạo trên địa bàn thành phố chia sẻ rằng, công tác quản lý Nhà nước đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Nhân sự chuyên trách của Phòng Giáo dục-Đào tạo và UBND các phường phải kiêm nhiệm cùng lúc nhiều công việc. Chưa kể, công tác thanh, kiểm tra phải tuân thủ các quy định của Nhà nước nên yếu tố “bất ngờ” trong việc kiểm tra, giám sát chất lượng dạy học, chăm sóc tại các cơ sở mầm non ngoài công lập không được diễn ra thường xuyên.

Từ thực tế đó, một nỗi lo lắng, sợ hãi mơ hồ luôn hiện diện trong tâm trí các bậc phụ huynh. Năm 2016, khi sự việc cháu bé bị bầm tím mặt, tay chân sau khi được gửi ở nhóm trẻ tư thục trên địa bàn quận Liên Chiểu, tiếp chuyện chúng tôi, người mẹ chỉ biết ôm lấy con, đôi mắt ửng nước mà nói như thể phân bua, chuộc lỗi với con rằng: cũng tại mẹ, tại mẹ đã không xin được cho con vào học ở một ngôi trường có chất lượng tốt hơn! Với đồng lương công nhân hơn 3 triệu đồng/tháng, chắc chắn chị đã không thể có sự lựa chọn nào tốt hơn, đành phải chấp nhận tiếp tục cho con đến lớp tư thục đó sau vài ngày phục hồi sức khỏe.

Nỗi đau, sự day dứt đó chắc chắn không riêng gì người mẹ trẻ này. Hàng trăm, hàng ngàn ông bố, bà mẹ mỗi ngày gửi con tại các điểm trường, nhóm trẻ tư thục đều mang trong mình nỗi lo lắng, sợ hãi trong lồng ngực; rằng hôm nay con mình có bị ngược đãi, có bị nhồi nhét thức ăn, đánh vào lòng bàn chân, bị nhúng nước… hay không? Niềm tin duy nhất họ có thể bấu víu, đó chính là lương tâm, tình cảm, đạo đức của các giáo viên, bảo mẫu.

Một bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng chia sẻ rằng, đứa trẻ bị bạo hành sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, nhân cách sau khi trưởng thành. Khi việc giáo dục không tuân theo lý lẽ, tình thương mà chỉ có đòn roi, bạo lực, vô tình đã gieo vào đầu đứa trẻ sự lì lợm, hung hăng và hiếu thắng. Đó ắt hẳn là một con người trong tương lai mà không bất cứ bậc phụ huynh nào mong chờ.

Ngược đãi, hành hạ trẻ em chắc chắn sẽ bị pháp luật xử lý theo quy định. Nhưng dường như chúng ta vẫn còn bỏ sót khá nhiều cho những sai phạm này. Câu hỏi đặt ra là, trách nhiệm của chính quyền địa phương và ngành giáo dục nằm ở đâu? Việc thẩm định, cấp phép hoạt động cho loại hình giáo dục này phụ thuộc vào chính quyền địa phương cùng với sự giám sát chuyên môn của Phòng Giáo dục-Đào tạo. Phải chăng có sự dễ dãi, thờ ơ đối với hoạt động trong lĩnh vực này?

Trong công văn ký ngày 21-5, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã yêu cầu ngành giáo dục phối hợp với quận Thanh Khê xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan việc bạo hành trẻ em ở cơ sở giáo dục mầm non vừa bị phát hiện. Đó là yêu cầu phù hợp với nguyện vọng của nhiều bậc phụ huynh hiện nay.

PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.
.