Vấn đề cán bộ quyết định mọi việc

.

Hồ Chí Minh dạy rằng “cán bộ là gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.

Tức là nếu gốc vững thì mọi việc thành công, nếu gốc thối, mục ruỗng thì mọi việc thất bại. Bây giờ chúng ta cũng phải nhận thức rằng có then chốt vững và then chốt yếu. Nếu then chốt vững thì công tác xây dựng Đảng thành công, nếu then chốt yếu thì thất bại.

Cán bộ là cái gốc của mọi công việc

Hội nghị Trung ương 7 khóa XII bàn thảo đề án “xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, uy tín ngang tầm nhiệm vụ” đúng vào dịp cả nước có nhiều hoạt động kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lúc sinh thời, nỗi bận tâm lớn nhất của Hồ Chí Minh là vấn đề xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền, trong đó hạt nhân là vấn đề cán bộ. Từ Hội nghị Trung ương 4 khóa XI và XII đến Hội nghị Trung ương 7 vừa kết thúc thành công tốt đẹp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn luôn nhấn mạnh “nếu công tác xây dựng Đảng là then chốt thì công tác tổ chức và cán bộ là then chốt của then chốt”.

Hồ Chí Minh dạy rằng “cán bộ là gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Tức là nếu gốc vững thì mọi việc thành công, nếu gốc thối, mục ruỗng thì mọi việc thất bại. Bây giờ chúng ta cũng phải nhận thức rằng có then chốt vững và then chốt yếu. Nếu then chốt vững thì công tác xây dựng Đảng thành công, nếu then chốt yếu thì thất bại.

Hồ Chí Minh quan tâm đến công tác xây dựng Đảng trong điều kiện đảng cầm quyền còn một lý do rất cơ bản nữa đó là quyền lực có xu hướng tha hóa, quyền lực tuyệt đối, tha hóa tuyệt đối. Mười lăm năm sau khi ra đời, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, đó là một thành quả lớn thuộc về văn minh chính trị, vì vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là vấn đề chính quyền.

Tuy nhiên, quyền lực cũng là một mảnh đất rất màu mỡ để cho các thói hư, tật xấu, bệnh tật bám rễ. Vì vậy, điều lo lắng của Người chính là Đảng cầm quyền như thế nào, một khía cạnh thuộc về văn hóa chính trị.

Ở giai đoạn chưa cầm quyền, cán bộ, đảng viên ta trong sạch lắm, không nhũng lạm, tham ô, lãng phí, xa hoa. Khi Đảng vừa bước lên địa vị cầm quyền, xuất hiện ngay một loại cán bộ “trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo” (Thư Bác Hồ gửi nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện, làng, ngày 17-10-1945). Cứ thế, nhiều bệnh khác tiếp tục xuất hiện như “địa phương chủ nghĩa, óc bè phái, óc quân phiệt quan liêu, óc hẹp hòi, ham chuộng hình thức, làm việc lối bàn giấy, vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm, ích kỷ, kiêu ngạo…”.

Cũng không phải cứ có quyền là hư hỏng. Hồ Chí Minh và nhiều cộng sự, học trò xuất sắc của Người là tấm gương lớn, sáng chói về bài học có quyền cao lại là những người có uy tín nhất. Đứng ở đỉnh cao quyền lực của Đảng và Nhà nước, Người đã tận tâm, tận lực, hằng ngày, suốt đời dùng quyền nhân dân trao cho để phụng sự Tổ quốc, phụng sự cách mạng, phục vụ nhân dân.

Sự cống hiến của Người đối với dân tộc và nhân loại là cực đại, nhưng đối với bản thân không có gì, trên ngực áo không có một tấm huân chương. Hoàn thành nhiệm vụ nhân dân giao cho, Người muốn làm một công dân có ích “du sơn ngoạn thủy, đọc sách làm vườn, không dính líu gì với vòng danh lợi”.

Sự hư hỏng của cán bộ là ở chỗ có quyền mà không có đạo đức. Hồ Chí Minh từng chỉ ra rằng “cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”.

Một chỗ khác, Người nhấn mạnh: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”. Thiếu lương tâm và đạo đức thì sự tha hóa tỉ lệ thuận với quyền lực, quyền to tha hóa nhiều, quyền nhỏ tha hóa ít, dẫn đến “thiếu một đức thì không thành người”.

Dựa vào quần chúng mà sửa chữa cán bộ

Không phải ngẫu nhiên mà hiện nay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nói đến “phải có cái lồng để nhốt quyền lực”. Không nhốt thì quyền lực đó sẽ tung hoành, lồng lộn. Vì quyền lực có xu hướng tha hóa, cho nên nếu trao quyền cho những người không có tư cách đạo đức thì giống như “trao trứng cho ác”, đó là những “con thú sổng chuồng”.

Vì vậy, phải có cái chuồng, cái lồng để nhốt quyền lực lại. Ai có thể “nhốt” quyền lực? Đó là cấp ủy cấp trên, tổ chức Đảng, đặc biệt là nhân dân. Bởi vì quyền lực là của dân trao cho cán bộ, nên dân phải có quyền “nhốt” quyền lực.

Những nghị quyết gần đây của Đảng nói đến vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội trong việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền.

Nghị quyết của Đảng là sự trở về đích thực với tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực được nêu lên từ những năm bốn mươi của thế kỷ trước khi Người đề cập đến việc Sửa đổi lối làm việc của cán bộ, đảng viên.

Theo Hồ Chí Minh, muốn chống các bệnh của cán bộ, muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, muốn biết ai tốt ai kém thì có một cách là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo thì bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết và về sau khuyết điểm sẽ bớt đi.

Có hai cách kiểm soát, một là từ trên xuống và hai là từ dưới lên. Từ dưới lên là quần chúng và đảng viên thường kiểm soát sai lầm của người lãnh đạo. Cách này là cách tốt nhất.

Cũng là vai trò của quần chúng trong kiểm soát cán bộ, ở một cách tiếp cận khác, Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến việc cán bộ phải có bản lĩnh, dũng khí tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình.

Để cán bộ đích thực là gốc của mọi công việc và quyết định mọi việc thì đây là một biện pháp rất quan trọng. Bởi vì nhân dân rất tài trí, thông minh, họ nhiều tai mắt, cái gì cũng nghe thấy. Họ là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta.

Cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo đứng đầu phải nhận thức một cách khoa học và cách mạng rằng “lãnh đạo là làm đầy tớ nhân dân và phải làm cho tốt”. Vì vậy, phải học hỏi quần chúng. Hồ Chí Minh dạy rằng “không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân.

Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học của dân”. Học hỏi dân và hoan nghênh nhân dân phê bình là một sự thấu hiểu và thấu cảm nhân dân. Người lãnh đạo phải “lắng nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người “không quan trọng”; “từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”, theo đúng đường lối nhân dân.

Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh “uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm, chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng”.

Cán bộ phải tự tu dưỡng hằng ngày

Trước đây cũng như hiện nay, xét đến cùng, trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng trong sạch, vững mạnh và đất nước phát triển, phải thực hiện hai nhóm giải pháp như hai chân của con người, luôn luôn phải chắc khỏe, bước đều.

Đó là xây dựng thế chế, bộ máy khoa học, quan trọng nhất là xây nền dân chủ và ý thức tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ. Chúng ta biết rằng sự tha hóa không thể bị đánh bại bằng sự tu dưỡng, nó bị đánh bại bởi cơ chế và tính khoa học của bộ máy.

Nhưng bộ máy dù khoa học đến đâu mà con người hư hỏng thì không cơ chế, bộ máy nào phát huy được, thậm chí thành công cụ cho cái ác. Nhận thức như vậy để thấy rằng hiện nay xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh và phong cách tốt là đòi hỏi vừa cấp bách vừa lâu dài của sự nghiệp đổi mới.

Trước hết và xuyên suốt là phẩm chất đạo đức. Đây là cái gốc, giống như gốc của cây, nguồn của sông. Cây không có gốc thì cây héo, sông không có nguồn thì sông cạn. Người cán bộ lãnh đạo cũng phải có đạo đức làm nền tảng thì mới gánh vác nổi nhiệm vụ nặng nề.

Phẩm chất chính trị đạo đức cao nhất là trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng và dân tộc; kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; luôn luôn đặt lợi ích của dân tộc và Tổ quốc lên trên hết. Đó là phẩm chất đạo đức chí công, vô tư. Người cán bộ chủ chốt phải biết vượt lên chính mình, tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, tệ hại; tránh xa mọi sự cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài.

Người cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược phải có trí tuệ ở tầm chiến lược, nhìn xa trông rộng trong toàn bộ tiến trình đổi mới, phát hiện cho được quy luật đổi mới ở Việt Nam trong thế giới toàn cầu, hội nhập quốc tế. Nhưng đồng thời phải có cả cái trí để “khỏi bị bọn vu vơ bao vây” như Hồ Chí Minh đã dặn. Hiện nay bọn “vu vơ” không ít.

Đó là những loại người nói nhiều làm ít, nghĩ một đường, nói một đường làm một nẻo. Họ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống nhưng lại giỏi nịnh bợ. Sự nịnh bợ, dối trá là đê hèn nhất, kẻ thù của đổi mới, của nhân dân.

Để cán bộ có thể quyết định mọi việc, người cán bộ nói chung, lãnh đạo đứng đầu nói riêng phải có dũng khí, bản lĩnh chịu trách nhiệm cá nhân trước nhân dân, trước Đảng, không được tranh công, đổ lỗi. Theo lời dạy của Bác, khi có khuyết điểm, “các chú phải trả lời là vì tôi, mỗi người phải nhận lấy phần trách nhiệm của mình, không nên nói lãnh đạo chung chung”.

Đó chính là nét đẹp của văn hóa phương Đông “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” mà Hồ Chí Minh cũng thường nói đến. Bản lĩnh quan trọng nhất là trước lợi ích của nhân dân và lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, phải biết đặt lợi ích của nhân dân lên trên; trước cái tốt cái xấu, phải biết chọn và đứng về cái tốt; trước cái tích cực và tiêu cực phải biết bảo vệ cái tích cực...

Làm cán bộ tức là làm người ở trình độ cao nhưng vẫn trên cái nền “làm người”. Thiếu nhân tính, không có tính liêm sỉ, đổ vỡ tư cách làm người là đổ vỡ tất cả. Bài học đó đã và đang soi rọi cho mỗi cán bộ chúng ta.

PGS.TS Bùi Đình Phong

;
.
.
.
.
.
.