.

Vẫn còn những trường hợp "chưa bị lộ"

(ĐNĐT) - Tiếp tục tổng rà soát các trường hợp thuê căn hộ chung cư của thành phố Đà Nẵng, UBND thành phố vừa ban hành văn bản chỉ đạo giao nhiệm vụ này cho Sở Xây dựng, cụ thể là Công ty Quản lý Nhà chung cư thực hiện. Đây có lẽ là tin không vui đối với nhiều trường hợp “chưa bị lộ” qua đợt tổng rà soát vừa qua.

Thực tế là vẫn còn những trường hợp “thoát" một cách ngoạn mục khỏi các đoàn kiểm tra của Công ty Quản lý Nhà chung cư. Vì thế, hiện nay chưa ai dám khẳng định, thành phố đã "làm sạch" những trường hợp căn hộ chung cư được thuê theo chính sách "3 có" của thành phố lại sử dụng sai mục đích, đem cho thuê lại để kiếm tiền chênh lệch. Vẫn còn những căn hộ bỏ trống, không ở nhưng chủ hộ thuê nhà vẫn giữ lại làm "của để dành".

Vì sao những căn hộ chung cư được sử dụng sai mục đích này vẫn tồn tại, qua mặt và né được các đoàn kiểm tra của Công ty Quản lý Nhà chung cư? Ví dụ như ở chung cư A.C5, những hộ chính chủ là cán bộ, công chức đang ở rất ngạc nhiên mỗi khi có đoàn kiểm tra của Công ty Quản lý Nhà chung cư thì các chủ hộ (đứng tên trong hợp đồng thuê nhà của thành phố) có mặt rất đúng lúc ngay tại căn hộ của họ đang cho thuê để đón đoàn kiểm tra. Việc có mặt kịp thời, đúng thời điểm để chứng minh "Nhà tôi thuê và tôi vẫn ở" và khi Đoàn kiểm tra quay lưng, họ giao nhà lại cho người thuê nhà của mình.

Dư luận đặt câu hỏi: Làm thế nào những người này nắm được lịch kiểm tra của Công ty Quản lý Nhà chung cư? Phải chăng có sự tiếp tay, che chắn của ai đó từ cơ quan trực tiếp quản lý?

Trong thực tế, các hộ cán bộ, công chức ở đây vẫn chứng kiến sự tiếp tay của bảo vệ đối với các trường hợp sử dụng căn hộ chung cư sai mục đích. Có trường hợp, sau một thời gian thuê chung, đã mua được nhà bên ngoài nhưng vẫn giữ lại căn hộ nhưng bỏ không, được bảo vệ chung cư cho mượn bàn ghế làm "đạo cụ" để "diễn" như thật mỗi khi có đoàn kiểm tra. Những hộ này giao cho bảo vệ thi thoảng mở cửa phòng, bật điện một vài giờ, xả nước ít phút nhằm có hóa đơn điện, nước để "chứng minh" mình vẫn ở hoặc đích thân chủ hộ thỉnh thoảng về mở cửa căn hộ tự tay làm việc này.

Thậm chí, có hộ còn đối phó, thay ổ khóa cửa từ ổ khóa còng sang tay nắm, để mỗi khi ai đó đi qua cũng tưởng đang có người trong nhà, nhưng thực tế là căn hộ bỏ trống. Cũng có hộ chính chủ khóa cửa bỏ mặc căn hộ của mình ngay cả khi bị cắt cả điện và nước sinh hoạt. Đây chỉ là block chung cư kiểu cũ chỉ có 36 căn hộ. Số lượng căn hộ những block chung cư mới xây sau này có số lượng nhà nhiều hơn chắc chắn công tác quản lý sẽ phức tạp hơn; sự đối phó với công tác kiểm tra của Công ty Quản lý Nhà chung cư tinh vi hơn.

Thường trực Thành ủy, Thường trực HĐND thành phố đã chỉ đạo quyết liệt trong việc thu hồi những căn hộ chung cư của thành phố cho thuê đang sử dụng sai mục đích, trái với tinh thần chính sách "có nhà ở".  Như vậy, việc tiếp tục rà soát, kiểm tra việc sử dụng căn hộ chung cư của thành phố cho thuê là cần thiết. Công ty Quản lý nhà cần thay đổi phương thức kiểm tra, rà soát nhằm tránh những hình thức đối phó để kiếm lợi bất chính từ chính sách "có nhà ở" của thành phố. Đồng thời, cần xử lý nghiêm khắc những cán bộ, nhân viên buông lỏng nhiệm vụ quản lý, có biểu hiện tiếp tay cho những hành vi sử dụng căn hộ chung cư sai mục đích.

Chu Văn

;
.
.
.
.
.