.

Giáo dục ý thức song hành với chế tài

Tại Hội nghị đánh giá công tác phối hợp, quản lý, giáo dục và phòng ngừa vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố vừa qua, Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng, phát biểu: “Trong khi học sinh mẫu giáo, cấp 1 ngồi trên xe chỉ cần bố mẹ đi nhanh, vượt đèn đỏ thì lập tức bị các cháu “rút thẻ đỏ”, “khiển trách” ngay; còn học sinh THPT, sinh viên ĐH, CĐ ít nhiều hiểu biết về luật nhưng lại cố tình phạm luật, thật đáng thất vọng”. Đây cũng là suy nghĩ, tâm tư của nhiều người dân Đà Nẵng trước thực trạng đang làm xấu đi hình ảnh của một thành phố có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị…

Năm học mới 2013-2014 bắt đầu. Hằng ngày khi ra đường, cùng với sự tấp nập, đông đúc do lượng người tham gia giao thông tăng lên, chúng ta cũng chứng kiến cảnh học sinh, sinh viên vô tư vượt đèn đỏ ở các giao lộ, đi ngược chiều ở những tuyến đường một chiều, đi xe máy và không đội mũ bảo hiểm (MBH) đến trường, hay không đội MBH khi đi xe đạp điện…

Các biện pháp xử lý cũng đã được cơ quan chức năng, nhà trường đưa ra. Nhưng để chấm dứt hẳn tình trạng vi phạm, cần có những biện pháp mạnh mang tính răn đe và triệt để hơn nữa, không có sự nương nhẹ và châm chước. Việc xử lý phải có sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành, đầu tiên là CSGT, sau đó là nhà trường, hội - đoàn thể, và cuối cùng là gia đình.

Để hạn chế tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm an toàn giao thông (ATGT), thiết nghĩ giai đoạn giáo dục, nhắc nhở đã qua, cần nhường chỗ cho các hình thức chế tài cụ thể, chẳng hạn như CSGT mặc thường phục đi kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp học sinh và cả người lớn vi phạm. Đây cần được xem là biện pháp khả thi, vì nếu đơn thuần chỉ mặc sắc phục Công an khi làm nhiệm vụ thì chưa chắc đã hiệu quả, vì không ít học sinh, sinh viên bây giờ khá tinh quái trong việc đối phó. Việc CSGT tạm giữ xe vi phạm, báo cho nhà trường, đồng thời báo với phụ huynh đến nộp phạt để nhận xe sẽ có tác dụng răn đe mạnh đối với học sinh vi phạm.

Về phía nhà trường, ngoài việc chủ động phát hiện, xử lý các học sinh vi phạm ATGT, cũng cần có hình thức kỷ luật cụ thể khi được CSGT thông báo tên học sinh vi phạm.

Về vai trò của gia đình, hiện vẫn có tình trạng phụ huynh dung túng, tiếp tay cho con em ngang nhiên vi phạm luật giao thông. Dễ bắt gặp nhất là tình trạng phụ huynh không đội MBH khi chở con đến trường hoặc đội MBH cho mình nhưng không đội cho con. Đó là chưa kể việc một số phụ huynh còn trang bị cho con mình xe máy phân khối lớn để các em tự đến trường…

Ngoài việc đưa giáo dục về ATGT vào nhà trường thì việc xử lý vi phạm luật giao thông phải làm cho học sinh biết sợ, biết tuân thủ triệt để pháp luật. Nếu để các em “lờn” luật từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì sau này ra đời, các em cũng dễ xem nhẹ các luật khác. Điều đó sẽ tạo ra những hệ lụy khó lường. Đó cũng là việc làm thiết thực để thực hiện nếp sống văn hóa văn minh đô thị trong chương trình “thành phố 3 có” mà chúng ta đang thực hiện trong những năm qua.

DÂN HÙNG

;
.
.
.
.
.