.

Không lấy rẻ làm trọng

Nhằm duy trì và phát triển chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh - nhất là phục vụ khách du lịch, ngày 29-11, Sở VH-TT&DL thành phố tổ chức chương trình biểu diễn, trao đổi thông tin và góp ý liên quan đến hoạt động trong 3 năm qua với các đơn vị kinh doanh du lịch. Nhìn lại chặng đường 3 năm hoạt động, có thể nói, việc duy trì chương trình biểu diễn vào mỗi tối thứ tư và thứ bảy hằng tuần là một nỗ lực rất lớn đối với nhà hát trong bối cảnh nhiều chương trình nghệ thuật truyền thống tại các địa phương khác đưa vào phục vụ du lịch bị “chết dần chết mòn” do vắng khách.

Nhiều người làm du lịch có mặt trong khán phòng ngày hôm ấy theo dõi suốt gần 50 phút chương trình đã nhận thấy rõ sự đổi mới trong từng tiết mục biểu diễn, sự đầu tư về trang phục cũng như lối diễn xuất của diễn viên ngày càng chuyên nghiệp hơn. Nhưng phần báo cáo tình hình tổ chức biểu diễn của Phó Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Trần Ngọc Tuấn đã khiến không ít người cảm thấy ngỡ ngàng: Trong năm 2013, dự kiến Đà Nẵng đón khoảng 3,1 triệu lượt khách du lịch nhưng số lượng khách đến nhà hát tuồng chưa quá 2.000 người. Nhiều hàng ghế trống, lượng khách đến xem chưa đến 20 người trong nhiều đêm diễn dường như đã trở nên quen thuộc đối với nhà hát suốt thời gian qua!

Mổ xẻ vấn đề, nhiều nhà làm du lịch chỉ rõ chương trình biểu diễn còn khá đơn điệu và rời rạc, chưa có một chủ đề cụ thể cũng như sự thiếu liên kết giữa nhà hát với các doanh nghiệp làm du lịch; vì vậy sản phẩm này trong thời gian qua không có sức sống trong lòng khán giả. Khi nhận câu hỏi “Trong khi giá vé chỉ 50.000 đồng như hiện nay mà nhà hát vẫn chưa thu hút được nhiều du khách thì việc xây dựng một nhà hát đa năng rồi bán với giá vé gấp 3, 4 lần thì liệu du khách có đón nhận hay không?”, lãnh đạo của một hãng lữ hành lớn trên địa bàn thành phố dứt khoát trả lời: “Không phải cứ hễ vé giá rẻ là khách muốn xem. Nhiều khi giá vé vài ba trăm nghìn mà du khách lại đón nhận nhiệt tình. Cái quan trọng không phải ở giá vé bao nhiêu mà quan trọng là chúng ta có gì, sản phẩm của chúng ta như thế nào, có thực sự xứng đáng để khách bỏ ra vài trăm nghìn thưởng thức hay không?”.

Ông dẫn chứng ở một số nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc... nhiều buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống với giá vé đắt gấp 10 lần ở Đà Nẵng nhưng vẫn thu hút cả trên nghìn lượt khách vì khi xem xong chương trình, du khách cảm thấy xứng đáng với một sản phẩm được đầu tư bài bản. Với số tiền vé bán được, các nước đã dành một khoản chi phí không nhỏ để đầu tư phát triển chương trình biểu diễn, trong khi Đà Nẵng chỉ với 50.000 đồng/vé thì việc trả lương cho diễn viên hiện nay vẫn còn khó khăn, vẫn còn chịu sự bao cấp của Nhà nước..., chưa nói gì đến chi phí để đầu tư phát triển sản phẩm.

Đồng ý kiến không lấy rẻ làm trọng, nhiều người cho rằng, ngành du lịch Đà Nẵng cần phải đầu tư để nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa sản phẩm vào nhiều chương trình du lịch hơn nữa, quảng bá sản phẩm trên nhiều kênh... là những việc làm cần thiết để đưa nghệ thuật truyền thống vốn “kén” khán giả này đến với nhiều du khách hơn. “Làm sao mỗi du khách khi ghé lại thành phố, phải nói một câu rằng, đến Đà Nẵng chưa xem được tuồng ở Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thì coi như chưa đến Đà Nẵng!”, bà Dương Thị Thơ, Phó Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng đúc kết.

MAI KHÔI
 

;
.
.
.
.
.