.

Phía sau chuyện tự tử...

.

Tự tử hay giải quyết mâu thuẫn bằng cách “triệt tiêu” nhau ở lứa tuổi thanh-thiếu niên có xu hướng tăng trong xã hội. Không yêu được thì chết hoặc đâm chém, đốt cháy, ném xác người tình. Những câu chuyện bi thảm và rùng rợn tưởng chỉ có trong phim cấm khán giả dưới 18 tuổi nay liên tiếp xuất hiện trong cuộc đời thật với đủ thành phần, từ người đua đòi, hư hỏng đến những sinh viên hiền lành, ham học, v.v…

Những người hóng chuyện tỏ ra thương cảm các nạn nhân thì ít mà đau lòng thay cho cha mẹ họ thì nhiều. “Có chi đâu mà đọa đày cha mẹ đến vậy!”, “Tự tử là tội bất hiếu”…, nhiều người không tiếc lời trách móc trước những sự ra đi để lại đau xót.

Lý giải cho xu hướng tiêu cực này trong lứa tuổi thanh-thiếu niên, người ta cho rằng do giới trẻ chưa được trang bị toàn diện kỹ năng sống để ứng phó với những khó khăn đặt ra trong thực tế, nói cách khác là họ chưa đủ bản lĩnh giải quyết vấn đề một cách sáng suốt và hiệu quả hơn. Giới trẻ ngày nay còn được so sánh với thanh-thiếu niên của thời cha ông đi trước. Dường như trong chiến tranh, thanh niên tràn đầy lý tưởng và sống lành mạnh hơn thì phải. Tuy nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng, bởi chẳng lẽ phải đặt mình trong chiến tranh, phải nghèo khổ, con người ta mới đủ bản lĩnh, còn cuộc sống yên bình với đầy đủ điều kiện không thể dạy cho họ về điều đó sao?

Có những ý kiến khác lại cho rằng, lý do khiến một số bạn trẻ tìm đến cái chết do cách giáo dục của cha mẹ nặng tính áp đặt, cấm đoán và ít lắng nghe, chia sẻ khiến con cái bế tắc. Nói vậy, song nếu xét về độ cởi mở trong quan hệ cha mẹ - con cái, các nước láng giềng như Hàn Quốc, Nhật Bản hay tại các nước phát triển đã “tiến bộ” hơn Việt Nam rất nhiều, sao tỷ lệ tự tử ở những quốc gia này lại đang báo động? Mỗi ngày, trên thế giới có 3.000 người tự tử. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo đến năm 2020, tự tử là nguyên nhân tử vong hàng đầu tại các nước phát triển và hàng thứ hai tại các nước đang phát triển. Rõ ràng, dù giáo dục con cái theo hướng nào thì thanh-thiếu niên vẫn đang… chết theo cách của mình ngày một nhiều.

Tìm câu trả lời cho vấn nạn thanh-thiếu niên tự tử vẫn còn là điều tranh luận. Do đó, làm thế nào kiềm chế hoặc giảm xu hướng này vẫn chưa có một giải pháp rõ ràng và đầy thuyết phục. Với một số người trẻ, tự tử hay triệt tiêu đối phương là giải pháp chấm dứt mọi chuyện một cách quyết liệt và nhanh chóng nhất. Thật sự, đó đâu phải là sự chấm dứt khi còn lại là nỗi đau, sự mất mát và những cú sốc không bao giờ nguôi của người thân quanh họ.

Có lẽ là giáo điều nếu khuyên nhủ suông ai đó khi bế tắc hãy nhìn tương lai một cách lạc quan. Tuy nhiên, cũng xin chia sẻ tâm tình của một người mẹ về những lần bà đối diện với tuyệt vọng và cách bà vượt qua nó. Người mẹ này nói rằng, trong cuộc đời không ít lần tưởng buông xuôi tất cả, nhưng chính những lúc ấy bà lại nghĩ nhiều về các đấng sinh thành để cố sống cho cha mẹ khỏi đau lòng thêm. Bản thân, cuộc sống và tương lai của mình chính là hy vọng và nguồn sống của cha mẹ, nên việc hủy hoại nó chẳng khác nào phản bội lại tất cả yêu thương của người sinh ra mình. Nghĩ về cha mẹ và nghĩ cho cha mẹ, dù là một chút thôi trước khi quyết định làm điều dại dột, đó là cách bà thức tỉnh lòng mình.

Trong khi chờ các nhà khoa học, nhà chuyên môn đưa ra giải pháp vĩ mô cho toàn xã hội nhằm giảm vấn nạn trên, thì cách suy nghĩ của người mẹ này phải chăng cũng là giải pháp cho nhiều người, nhất là người trẻ đang muốn chối bỏ cuộc đời.

TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.