.

Gặp nhau là... nhậu

.

Ngày 8-3 vừa qua, tôi tiếp một bạn Việt kiều về quê thăm Tết. Mặc dù đã chọn một quán ăn xa trung tâm thành phố là quán H.K ở bên kia cầu Cẩm Lệ để yên tĩnh, dễ chuyện trò nhưng vẫn gặp sự phiền toái.

Xung quanh bàn chúng tôi ngồi có rất đông khách, trong đó có rất nhiều phụ nữ, bởi lẽ là Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3. Chuyện trò từ các bàn rôm rả, và chốc chốc là những tiếng hô đồng thanh “một, hai, ba, zô…zô!”. Chị em cũng là những người hưởng ứng tích cực và hăng hái.

Quay qua tôi, bạn Việt kiều nói nhỏ: “Mình chuyển sang vị trí khác ngồi, ở đây ồn quá”. Tôi mỉm cười và thầm nghĩ, vị trí nào trong quán nhậu ở Việt Nam này mà không có điệp khúc ấy. Tuy vậy, để chiều ý bạn, chúng tôi chuyển lên tầng 2. Ở đây, khách đông hơn, điệp khúc zô… zô “hào hùng” hơn…

Năm rồi, tôi cùng một số đồng nghiệp được Hội Nhà báo thành phố cho sang giao lưu cùng Hội Nhà báo Thái Lan. Ở Việt Nam, cánh nhà báo cũng rất nhiệt tình trong chuyện “lai rai” nên cứ nghĩ các đồng nghiệp ở Thái Lan khi tiếp khách chắc cũng vậy. Thế nhưng, gần 10 ngày ở Thái Lan, các đồng nghiệp mời cơm, kể cả những bữa tiệc thịnh soạn ở khách sạn sang trọng, bạn rất ít khi mời bia, rượu mà chủ yếu là nước lọc; nếu có, cùng lắm là mỗi người một chai bia, vài ly rượu nhẹ, vậy thôi.

Có lần chúng tôi vào nhà hàng tại một siêu thị, gặp gia đình Tỉnh trưởng tỉnh Chiang Mai dùng cơm, trong đó có cả khách mời là Chỉ huy trưởng Sở Cảnh sát của tỉnh và một số quan khách cùng dự, nhưng tôi thấy bữa ăn của họ rất bình thường, thức uống cũng là những chai nước lọc. Các bạn nhà báo Thái Lan và chúng tôi sang bàn chào hỏi họ; đáp lại, họ rất nhiệt tình và vui vẻ trong xã giao chứ không phải cụng ly mới là hiếu khách…

Triển khai Chỉ thị 43-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”,  ở cơ quan tôi, báo cáo viên kể vui, trước đây ông có dịp cùng đoàn của Việt Nam qua thăm Lào. Khi bước vào quán ăn, biết là người Việt Nam, chủ quán người Lào bố trí vào một góc quán kèm theo lời nói vui, nhẹ nhàng: “Biết các bạn là người Việt Nam, khi uống bia hay nói chuyện nhiều, nên thông cảm vậy nhé!”.

Đã đi đến nhiều nơi trên đất nước hình chữ S này và có mặt ở nhiều nhà hàng ăn uống, tôi nhận ra người Việt mình có một nét chung trong văn hóa rượu, bia. Hình như khi uống rượu, bia, người Việt thích nói nhiều, ưa nói to và xem “zô… zô” là sự phấn khích, là lời mời chân thành, nhiệt tình và hiếu khách…

Cũng như ở nhiều địa phương khác, thành phố Đà Nẵng có rất nhiều nhà hàng, quán nhậu. Năm 2015 được Đà Nẵng chọn là “Năm văn hóa, văn minh đô thị”. Người viết bài này ước gì Đà Nẵng là thành phố đầu tiên trên cả nước người uống rượu, bia thực hiện không đồng thanh mời nhau “zô… zô”; khi uống rượu, bia không ồn ào; các nhà hàng, quán nhậu đều có câu khuyến cáo khách: “Ở đây không bán rượu, bia cho người zô…zô…!”.

LÊ VĂN HOA

;
.
.
.
.
.