.
Đà Nẵng trước nguy cơ thiếu nước

Bài 1: Thủy điện bức tử nguồn nước

.

Những năm gần đây, việc cấp nước sinh hoạt và sản xuất tại thành phố Đà Nẵng trở nên mất an toàn bởi việc chặn dòng làm thủy điện trên các lưu vực sông. Đỉnh điểm của sự tranh chấp nguồn nước từ việc tích nước thủy điện Đắk Mi 4 và khi thủy điện này không tiến hành trả nước lại sông Vu Gia.

Sông Đắk Mi trơ đáy bởi việc ngăn nước của các hồ thủy điện.                                                                                                    Ảnh: TRIỆU TÙNG
Sông Đắk Mi trơ đáy bởi việc ngăn nước của các hồ thủy điện. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Trong tháng 3-2013, khác thường so với mọi năm, Đà Nẵng thành lập Ban Chỉ đạo cấp nước an toàn để ứng phó với biến đổi khí hậu, kiểm soát nguồn nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất. Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết, ngay từ cuối mùa đông năm 2012, tình hình thủy văn trên các dòng sông ở Đà Nẵng diễn biến phức tạp khi nước thượng nguồn bị cắt dòng, nước mặn xâm nhập sâu vượt qua Nhà máy Nước Cầu Đỏ. Tiếp theo đó, những tháng đầu năm 2013 hạn hán diễn ra nghiêm trọng ở hạ lưu sông Vu Gia khiến gần một triệu người dân Đà Nẵng lao đao vì nguồn nước nhiễm mặn, quy trình vận hành khai thác nước sinh hoạt thay đổi, gây áp lực về kinh phí sản xuất, mất an toàn trong cung cấp nước. Ngoài ra, vùng lưu vực sông Vu Gia qua địa phận Quảng Nam và Đà Nẵng có hơn 7.000ha lúa vụ đông xuân đang trổ bông, bị thiếu hụt nguồn tưới, đe dọa mất trắng.

Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đã cấp tốc ký công văn gửi Bộ TN&MT và Bộ Công thương về việc bảo đảm nguồn nước cho vùng hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn, bao gồm thành phố Đà Nẵng và các huyện Đại Lộc, Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam). Theo đó, thành phố Đà Nẵng yêu cầu chủ đầu tư thủy điện Đắk Mi 4 xả nước về lại sông Vu Gia với lưu lượng 25m3/s theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Công văn số 2840/VPCP-KTN ngày 29-4-2010 của Văn phòng Chính phủ.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp Đà Nẵng yêu cầu chủ đầu tư thủy điện Đắk Mi 4 trả nước về hạ du. Được biết, công trình thủy điện Đắk Mi 4 nằm trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công năm 2007, đến tháng 5-2012 chính thức đưa vào vận hành bốn tổ máy với công suất 190 MW, tổng vốn đầu tư 4.547 tỷ đồng. Trong quá trình thi công, thành phố Đà Nẵng phát hiện thủy điện Đắk Mi 4 chuyển nước từ sông Vu Gia đổ về sông Thu Bồn gây nên tình trạng thiếu nước nghiêm trọng cho thành phố nên đã có văn bản kiến nghị lên Chính phủ. Sau nhiều lần kiến nghị liên tục, tháng 4-2010 Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có văn bản yêu cầu IDICO phải thiết kế cống điều tiết tại đập để xả 25m3 nước/giây trở lại sông Vu Gia nhằm giải quyết nguy cơ thiếu nước trầm trọng ở vùng hạ lưu. Tuy nhiên, theo UBND thành phố  Đà Nẵng, đến nay thủy điện Đắk Mi 4 vẫn phớt lờ chỉ đạo, không thực hiện dù đã xây dựng đập xả.

Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng, cho rằng tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra chưa từng có kể từ 30 năm qua. Ông Thắng phân tích: “Những năm trước, trung bình có 20% nước của sông Vu Gia đổ về phía sông Thu Bồn thì hiện tại, con số này đã lên đến 60%. Nguồn nước của sông Vu Gia đổ về hạ lưu hiện tại chỉ còn 40%. Trong khi đó, diện tích nông nghiệp của hạ lưu Thu Bồn lại ít hơn diện tích đất nông nghiệp tại hạ lưu Vu Gia với các huyện Đại Lộc, Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) và huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng) cùng hàng triệu người dân có nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt”. Ông Huỳnh Vạn Thắng tính toán, chỉ riêng nhu cầu tại Đà Nẵng, muốn các trạm bơm có thể hoạt động được thì mực nước tại đập dâng An Trạch phải từ 2m trở lên. Hiện nay, nhiều trạm bơm phải dừng hoạt động do mức nước này chỉ còn 1,5m. Tương lai ở vụ hè thu đến, nhu cầu nước sẽ đặc biệt tăng cao vào đầu vụ, tương đương 32m3/s.

Ông Huỳnh Vạn Thắng thẳng thắn, quyết liệt: “Chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Đắk Mi 4 viện dẫn quy trình vận hành liên hồ chứa vào mùa kiệt đang được lập và trình Chính phủ để phớt lờ, không thực hiện xả nước về hạ du Vu Gia. Hiện nay, thành phố Đà Nẵng yêu cầu xả 25m3/s về sông Vu Gia không phải là lớn so với lưu lượng nước thực tế chảy về hồ chứa của Đắk Mi 4. Theo quy định của Luật Tài nguyên nước, cũng như theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, thủy điện Đắk Mi 4 phải có trách nhiệm, nghĩa vụ xả nước cứu hạn cho vùng hạ du. Nước sinh hoạt cho dân là ưu tiên số 1. Thủy điện Đắk Mi 4 cần chia sẻ, hy sinh lợi ích kinh tế của mình để bảo đảm cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho dân, chứ không nên xây cống xả để đối phó với dư luận mà không trả về Vu Gia một giọt nước nào”.

Thủy điện Đắk Mi 4 chặn dòng sông Vu Gia khiến vùng hạ du thiếu nước nghiêm trọng.
Thủy điện Đắk Mi 4 chặn dòng sông Vu Gia khiến vùng hạ du thiếu nước nghiêm trọng.

Thế nhưng, ông Đỗ Xuân Yến, Giám đốc Công ty CP Thủy điện Đắk Mi 4, lại cho rằng, Đắk Mi 4 đã thống nhất với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam chỉ dành nguồn nước từ sông Vu Gia đổ về sông Thu Bồn (qua 2 tổ máy phát điện) để chống xâm nhập mặn, phục vụ chống hạn cho vụ hè  thu tới ở vùng Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên.

Ngày 31-3, Bộ NN&PTNT đã chủ động làm việc với thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam về xử lý tình trạng thiếu nước đang diễn ra trầm trọng tại hạ lưu sông Vu Gia. Một hướng xử lý chống hạn vùng hạ du sông Vu Gia được đưa ra với giải pháp xây đập ngăn nước tại Quảng Huế, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam để chuyển dòng nước từ sông Thu Bồn sang sông Vu Gia. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng không thể thực hiện ngay trong năm nay.

Bức xúc trước tình hình này, tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội ngày 2-4, ông Huỳnh Nghĩa, Phó Chủ tịch HĐND, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, khẳng định sẽ đưa vấn đề này ra chất vấn Bộ Công thương tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Việc tranh chấp nguồn nước trên dòng sông Vu Gia để chống hạn và cấp nước sinh hoạt cho Đà Nẵng và Quảng Nam cứ đến hẹn lại “kêu” tận Trung ương. Sau những kiến nghị của Đà Nẵng, ngày 5-4-2013, các ngành chức năng của Trung ương và các đơn vị, địa phương liên quan đã thống nhất lịch xả nước từ các hồ thủy điện. Theo đó, tại Đà Nẵng, Quảng Nam, các bên đã thống nhất lịch xả nước của thủy điện A Vương và Đắk Mi 4 liên tục 15 ngày từ 15 đến 30-5 với lưu lượng được đánh giá đáp ứng nhu cầu, giải quyết được một số khúc mắc giữa hai địa phương thời gian qua.

(Còn nữa)

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG
 

;
.
.
.
.
.