.

Bão số 12 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Theo tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 16 giờ ngày 3-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,3 độ vĩ Bắc; 114,3 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 460km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 89 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chậm theo hướng Tây sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Nam và Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 25km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 16 giờ hôm nay (4-11), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,3 độ vĩ Bắc; 109,4 độ kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - 7 (tức là từ 39 đến 61 km/giờ), giật cấp 8, cấp 9.

Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Nam và Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km, suy yếu dần thành vùng áp thấp rồi đi vào đất liền các tỉnh Thừa Thiên-Huế - Quảng Ngãi. Đến 4 giờ ngày 5-11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 15,1 độ vĩ Bắc; 106,9 độ kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là từ dưới 39 km/giờ).

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7 - 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động dữ dội. Từ sáng nay (4-11), do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh nên vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 6 – 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định và Bắc Tây Nguyên từ chiều nay (4-11) có mưa vừa, có nơi mưa to.

Theo tin từ Bộ đội Biên phòng thành phố đến chiều 3-11, ngư dân Đà Nẵng còn 28 phương tiện (PT)/347 lao động (LĐ) đang hoạt động trên biển. Cụ thể: ở vùng biển khu vực Nghệ An có 2 PT/20 LĐ, vùng biển gần bờ từ Quảng Trị đến Đà Nẵng còn 20 PT/191 LĐ, khu vực biển từ Bình Định đến Khánh Hòa còn 1 PT/12 LĐ, khu vực Tây và Tây Bắc quần đảo Trường Sa có 5 PT/124 LĐ. Hiện tại các phương tiện này đều an toàn và thường xuyên liên lạc về đất liền.

Tại đất liền đến chiều 3-11, toàn bộ ghe thuyền công suất nhỏ và thúng máy tại các địa phương: Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu đã được kéo lên bờ. Âu thuyền Thọ Quang đã đón khoảng 500 tàu vào neo đậu trú bão.

Ban Chỉ huy PCLB&TKCN thành phố đã có Công điện số 75/CĐ-PCLB gửi Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các sở, ngành, quận, huyện, yêu cầu: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để khẩn trương di chuyển vào bờ, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển, phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức, sắp xếp tàu thuyền neo đậu đúng nơi quy định. Chủ tịch UBND các quận, huyện, giám đốc các sở, ngành chỉ đạo sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với bão số 12 và lũ lớn có thể xảy ra. 

Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng, các địa phương có hồ chứa nước, tiến hành kiểm tra, triển khai phương án đảm bảo an toàn cho 2 hồ chứa nước lớn là Đồng Nghệ và Hòa Trung, các hồ chứa nhỏ trên địa bàn; vận hành hồ chứa đúng quy trình và phương án PCLB đã phê duyệt; đồng thời chuẩn bị chu đáo phương án di dời dân vùng hạ du khi tình huống xấu xảy ra.

Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các quận huyện, sở ngành tổ chức canh trực 24/24 giờ trong ngày, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, xử lý linh hoạt, hiệu quả các tình huống xảy ra và duy trì liên lạc với Ban Chỉ huy PCLB&TKCN thành phố.

N.C

;
.
.
.
.
.