.

Người phụ nữ "mê" sống xanh

.

ĐNĐT - Cùng với các mô hình “Tổ góp vốn tình thương”, “Tổ tiết kiệm 2T” (tận dụng, tiết kiệm), “Tổ dân phố tự quản bảo vệ môi trường”,Đội thiếu niên tiền phong bảo vệ môi trường"…, chị Trịnh Thị Hồng, Phó Chủ tịch hội Từ thiện và bảo vệ quyền Trẻ em quận Liên Chiểu, Chi hội trưởng Phụ nữ Hòa Phú 5 (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) còn ấp ủ nhiều dự án sống xanh muốn triển khai rộng rãi tại khu dân cư.

Chị Hồng đang ủ phân vi sinh từ rác hữu cơ dùng để trồng rau, bón cây.
Chị Hồng đang ủ phân vi sinh từ rác hữu cơ dùng để trồng rau, bón cây.

Từ các mô hình nhỏ...

Theo chị Hồng, rác thải sinh hoạt đô thị vốn là vấn nạn trong cộng đồng dân cư. Việc tuyên truyền cho người dân có ý thức phân loại rác thải, tập trung rác đúng nơi quy định là việc làm thường xuyên, kiên trì để người dân hiểu việc bảo vệ môi trường, tham gia xử lý rác thải sinh hoạt là việc làm của từng người chứ không phải riêng một tổ chức, đơn vị nào.

Trước những trăn trở đó, năm 2010, khu dân cư Hòa Phú 5 đã thành lập “Tổ tiết kiệm 2T”. Chị em trong chi hội phụ nữ đã phát động từng hộ dân phân loại rác thải, tận dụng vỏ lon, chai nhựa, giấy báo để tại nhà. Hằng tuần, có người thu gom, ghi nhận số lượng và đem bán tại đại lý thu mua phế liệu. Tính đến nay, mô hình này trung bình mỗi năm thu được từ 40-42 triệu đồng. Số tiền này được dùng trao quà cho học sinh giỏi, hộ khó khăn, hỗ trợ phương tiện sinh kế và vốn cho phụ nữ nghèo…

Ngoài ra, chị Hồng còn vận động chị em tận dụng rác hữu cơ, thùng xốp để ủ phân, trồng rau sạch tại nhà. Chị chia sẻ, lúc đầu chị em cũng không hào hứng với các mô hình này vì thấy phiền phức quá. Rác nào chẳng là rác, cứ đem bỏ ra xe thu gom là xong nhưng chị đã chứng minh cho mọi người thấy hiệu quả của rác bằng việc làm cụ thể.

Chị đã tận dụng tất cả rác thải hữu cơ như lá cây, rau, cơm, cỏ, mùn cưa…, dùng thùng xốp chứa các chất thải hữu cơ trên ủ thành phân để trồng rau sạch và bón cho chậu cây cảnh. Dần dần thấy nhà chị có rau sạch ăn mà lại đảm bảo vệ sinh môi trường nên chị em đã làm theo.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ, khu dân cư Hòa Phú 5 cho hay: “Từ ngày tận dụng các loại phế thải từ rau, củ, quả, lá cây để ủ phân bón rau, nhà vừa sạch mà lại có rau ăn, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa tiết kiệm”. Đến nay, đã có 745 hộ trên địa bàn phường tự ủ phân và tận dụng thùng xốp, đất chưa xây dựng trồng rau sạch, vừa sử dụng, vừa bán ra thị trường.

... Đến hội nghị quốc tế

Nhờ các mô hình nhỏ hoạt động hiệu quả, năm 2013, chị Hồng được tham gia Hội thảo về xử lý rác thải sinh hoạt các đô thị Việt Nam tại Hà Nội do Hiệp hội Đô thị, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và Ủy ban Châu Á - Thái Bình Dương tổ chức.

Chị Hồng và cách làm chế phẩm nước lau nhà tại triển lãm ảnh
Chị Hồng và cách làm chế phẩm nước lau nhà tại triển lãm ảnh "Tôi sống xanh" hồi tháng 3-2014

Chính từ hội thảo này, tháng 4-2014, chị được Viện Quốc tế về Môi trường và Phát triển mời tham dự Hội nghị về Thích ứng dựa vào Cộng đồng (CBA8) lần thứ 8 của Viện Quốc tế về Môi trường và Phát triển (IIED)  tại Nepal. Hội nghị quy tụ 62 nước và vùng lãnh thổ, với hơn 350 đại biểu tham gia. Tại đây, chị được tham quan thực tế các dự án ở Nepal để xem các cộng đồng ở hệ sinh thái khác nhau có những giải pháp tài chính gì cho việc thích ứng ở cấp độ địa phương và được tham dự các phiên trao đổi, thảo luận tại hội nghị ở Kathmandu (thủ đô của Nepal).

Bản thân chị Hồng là một tham dự viên được tài trợ bởi Mạng lưới các thành phố châu Á ứng phó biến đổi khí hậu nên chị vinh dự là người đại diện cho cộng đồng duy nhất được báo cáo tại hội nghị. Các báo cáo khác đều thuộc các tổ chức mang tầm quốc tế và chỉ được phát biểu 2 phút, duy nhất chị được ngồi trên diễn đàn và nói trong vòng 4 phút, có phiên dịch riêng, tập trung chủ yếu quanh các mô hình về môi trường đang được chị triển khai hiệu quả tại địa phương.

Chị Hồng kể, nhờ được tham dự các hội thảo, hội nghị mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế nên chị học hỏi được rất nhiều trong việc bảo vệ môi trường cũng như kêu gọi mọi người cùng tham gia. Với mong muốn bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chị đã chia sẻ và cùng các chị em trong chi hội thử nghiệm một chế phẩm từ rác hữu cơ dùng để tạo ra chế phẩm lau nhà và cọ rửa toillet có tên là EM.

Một chuyên gia Nhật Bản đã chia sẻ với chị công thức chế phẩm này tại Hội nghị “Phát triển Cộng đồng Đô thị Khu vực Châu Á” diễn ra hồi tháng 3-2012 ở Philippines. Về nước, chị bắt đầu làm thí điểm và đã thành công. Chế phẩm EM không mùi, không độc hại, rất thích hợp cho những hộ gia đình nghèo, hay gia đình có trẻ nhỏ. Hội Phụ nữ phường Hòa Minh đã đưa công thức này phổ biến tới chị em phụ nữ ở 30 chi hội trên địa bàn phường. Đến tháng 3-2013, đã có 35% hộ tự làm và sử dụng, chủ yếu dùng lau nhà và xử lý nghẹt cống do dầu, mỡ bám nơi rửa bát.

Cùng với những mô hình đang hoạt động hiệu quả, chị Hồng mong muốn nhiều chị em phụ nữ cũng như nhiều gia đình hãy cùng tham gia sống xanh để không chỉ bảo vệ môi trường sống mà còn bảo vệ sức khỏe của chính mỗi người.

Bài, ảnh: Thu Hà

;
.
.
.
.
.