.

Thí điểm bảo đảm an toàn cây xanh đô thị

.

Sở Xây dựng và ngành liên quan đang triển khai các phương án phòng chống bão; giảm thiệt hại đối với cây xanh đô thị. Thời gian qua, trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh đã triển khai thi công cọc sắt chống dựng cây xanh. Một số ý kiến của người dân thành phố chưa thực sự hài lòng với giải pháp này bởi thiếu tính mỹ quan, không thân thiện, ảnh hưởng đến an toàn giao thông… Phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Lê Tùng Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng.

Cây xanh trên đường Nguyễn Văn Linh đang được triển khai thí điểm chống dựng phòng chống ngã đổ trong mùa mưa bão năm nay.
Cây xanh trên đường Nguyễn Văn Linh đang được triển khai thí điểm chống dựng phòng chống ngã đổ trong mùa mưa bão năm nay.

* Người dân thành phố đang muốn biết về chủ trương sử dụng cọc sắt để thi công chống ngã đổ cây xanh trên đường phố hiện nay?

- Việc  thi công lắp đặt cọc chống bằng thép đối với cây xanh đường Nguyễn Văn Linh hiện nay được thực hiện trên cơ sở chủ trương của UBND thành phố khi thống nhất đề xuất của Sở Xây dựng về thí điểm trong chống dựng tăng cường đối với cây xanh có kích thước lớn trên vỉa hè đường phố trong mùa gió bão. Việc nghiên cứu, đề xuất của Sở Xây dựng xuất phát từ việc rút kinh nghiệm việc phòng chống bão, thiệt hại đối với cây xanh trong thời gian qua; khắc phục những bất cập hạn chế hiện nay về phát triển và quản lý cây xanh đô thị.

Hiện nay trên đường Nguyễn Văn Linh có khoảng 300 cây lim xẹt, muồng tím được trồng có kích thước lớn (đường kính thân, chiều cao, tán cây). Bo viền hố trồng cây có kích thước khoảng (1,2m x 1,2m). Hạ tầng ngầm bên dưới không thuận lợi để bảo đảm rễ cây phát triển bình thường. Qua cơn bão số 11 năm 2013 đã thiệt hại nhiều, dù đã được cắt tỉa, chống dựng lại nhưng thời gian qua đã xảy ra 3 trường hợp ngã cây khi có mưa to gió lớn. Trong khi đó, đường Nguyễn Văn Linh là trục giao thông quan trọng, mật độ giao thông đông đúc, có yêu cầu cao về cảnh quan kiến trúc, an toàn giao thông. Trước những bất cập hạn chế nêu trên, việc nghiên cứu đề xuất biện pháp chống dựng phù hợp đối với cây xanh bóng mát công cộng trên vỉa hè đường phố (mô hình kết cấu, vật liệu cọc chống, kích thước cọc chống…) là hết sức cần thiết, đặc biệt đối với cây xanh trên các tuyến đường quan trọng như đường Nguyễn Văn Linh.

Sau khi nghiên cứu, tính toán kiểm tra, tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân và các cơ quan chuyên môn, Sở Xây dựng đã đề xuất UBND thành phố cho phép thực hiện việc thí điểm lắp đặt cọc chống bằng thép đối với cây xanh đường Nguyễn Văn Linh để đáp ứng 2 mục tiêu: kịp thời bảo đảm an toàn cho hệ thống cây xanh đường Nguyễn Văn Linh; qua thí điểm sẽ tổng kết đánh giá có cơ sở quyết định triển khai các bước tiếp theo.

* Nhiều ý kiến chưa đồng tình về giải pháp này vì cây xanh bị “cùm” gốc nhìn phản cảm và ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Phần đông vẫn cho rằng, sử dụng giải pháp cắt tỉa cành và dùng cọc gỗ sẽ có mỹ quan và tiết kiệm chi phí đầu tư?

- Mô hình chống dựng bằng thân cây được xem là phù hợp khi bảo đảm 5 yếu tố sau đây:  “An toàn - Mỹ quan - Giá thành hợp lý - Phù hợp hạ tầng đi kèm - Dễ kiểm soát, quản lý”. Về yếu tố kỹ thuật: vị trí chống cây cách gốc khoảng 1/3 chiều cao cây; góc chống tối ưu từ 30-45 (độ). Việc nghiên cứu đề xuất đã tiến hành so sánh 2 phương án sử dụng cọc chống thép và cọc gỗ (gỗ có chất lượng, nhóm II, chịu được mưa nắng; không sử dụng cọc gỗ nhóm 4 như phi lao) về kỹ thuật và giá thành; cho thấy cọc chống thép có nhiều ưu điểm hơn, giá thành hợp lý hơn.

Hạn chế của cọc chống thép như ý kiến của một số người dân phản ánh là đúng: không thân thiện bằng cọc chống gỗ. Về vấn đề này chúng tôi  sẽ tiếp thu để sắp tới điều chỉnh hình dáng, kích thước, màu sắc cọc chống và các liên kết sao cho thân thiện, mỹ quan hơn. Để phòng chống bão cho cây xanh hiệu quả, có thể áp dụng 1 trong 3 biện pháp: cắt tỉa, chống dựng, cắt tỉa kết hợp với chống dựng cây xanh. Căn cứ vào tình hình thực tế để rà soát, thống kê, phân nhóm để áp dụng biện pháp phù hợp với từng nhóm cây, từng khu vực, từng tuyến đường; đáp ứng yêu cầu vừa an toàn vừa bảo đảm mỹ quan là hết sức cần thiết.

* Ông cho biết tình trạng cây xanh đô thị hiện nay, kết quả phục hồi những thiệt hại đối với hệ thống cây xanh sau mùa bão năm qua. Kế hoạch và phương án cụ thể trong việc bảo vệ cây xanh trước và trong mùa mưa bão năm nay.

- Sau bão Nari năm 2013, thành phố Đà Nẵng đã bị thiệt hại về cây xanh tương đối lớn (khoảng 20.000 cây). Tuy nhiên, với sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo thành phố và công tác phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành liên quan, các địa phương nên số lượng cây xanh thiệt hại không thể phục hồi ở mức thấp dưới 2%. Thực tế cho thấy rễ của cây bị tổn thương do bão phát triển chậm, cần phải áp dụng các biện pháp cắt tỉa, chống dựng kịp thời.

Rút kinh nghiệm trong đợt bão vừa qua, từ đầu năm 2014 đến nay, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND thành phố ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác phát triển và quản lý hệ thống cây xanh đô thị. Sở Xây dựng đã ban hành Quy trình tạm thời về kỹ thuật trồng cây xanh bóng mát công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Quy định phối hợp giám sát, nghiệm thu hạng mục cây xanh thuộc dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Ngoài ra triển khai thực hiện nhiều công việc liên quan đến công tác xã hội hóa trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh.

Đặc biệt, vừa qua Sở Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với các ngành, các địa phương, các tổ chức đoàn thể thống nhất nội dung dự thảo, tham mưu UBND thành phố trong tháng 8-2014 sẽ ban hành Kế hoạch chi tiết phòng chống và khắc phục bão đối với hệ thống cây xanh đô thị thành phố Đà Nẵng năm 2014 (tương đương như Cẩm nang hướng dẫn phòng chống, khắc phục bão cây xanh công cộng) nhằm huy động tổng thể các nguồn lực, các tầng lớp nhân dân trong việc phòng chống bão. Thực tế cho thấy giải pháp khả thi, hiệu quả nhất hiện nay vẫn là cắt tỉa mạnh cây xanh (trừ cây chậm phát triển hoặc tán nhỏ). Hiện nay, Sở Xây dựng đã chỉ đạo Công ty Công viên-Cây xanh tập trung, khẩn trương thực hiện việc cắt tỉa, chống dựng cây xanh trên các tuyến đường, trong đó ưu tiên cắt tỉa mạnh đối với 50 tuyến đường phố chính, các trục cảnh quan của thành phố; để hạn chế thấp nhất thiệt hại cây xanh do bão gây ra trong năm 2014.

* Xin cảm ơn ông.

TRIỆU TÙNG  thực hiện

;
.
.
.
.
.