.

Chủ động ứng phó với mọi sự cố thiên tai

.

Chủ động ứng phó kịp thời với thiên tai; phục vụ tốt các nhu yếu phẩm cho người dân; hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị trực tuyến về triển khai công tác phòng, chống thiên tai năm 2016 tổ chức ngày 12-5 tại Hà Nội. Tại điểm cầu Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết chủ trì.

Nhiễm mặn, thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Vũ Văn Tám cho biết, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết, thiên tai thời gian qua diễn biến rất phức tạp và kéo dài. Ngay từ đầu năm 2016 rét đậm, rét hại với cường độ rất mạnh liên tục xảy ra ở các tỉnh Bắc bộ đến Nghệ An; sau đó là hạn hán đã xảy ra trên diện rộng ở Tây Nguyên.

Trong khi đó, tính đến ngày 9-5, hạn hán, xâm nhập mặn đã làm 475.580 hộ dân tại các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu nước sinh hoạt; 249.113ha lúa, hơn 19.000ha hoa màu, hơn 161.000ha cây công nghiệp và cây ăn quả bị thiệt hại; 1.318 con gia súc bị chết, 6.135ha thủy sản bị thiệt hại.

Riêng tại thành phố Đà Nẵng, từ đầu năm 2016 đến nay, các sông thuộc địa bàn thành phố thường xuyên bị nhiễm mặn, đặc biệt là sông Cầu Đỏ, ảnh hưởng đến việc cấp nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, số ngày mặn và vận hành bơm trên 70 ngày. Bên cạnh đó, trong năm 2015 thiên tai làm thiệt hại ước tính khoảng 9,5 tỷ đồng.

Để bảo đảm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố đề nghị  Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN&PTNT sớm có phương án chỉnh trị ngã ba sông phân nước Vu Gia - Ái Nghĩa - Quảng Huế; có giải pháp giảm tỷ lệ phân nước sông Vu Gia về sông Thu Bồn qua sông Quảng Huế để khôi phục trạng thái tự nhiên trước đây. Bên cạnh đó, phải vận hành bảo đảm cấp nước liên tục cho vùng hạ du sông Vu Gia thuộc thành phố Đà Nẵng theo đúng quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn được Ban hành tại Quyết định 1537 của Thủ tướng Chính phủ...

Di dời các hộ dân khỏi các khu vực dễ xảy ra thiên tai

Ông Hoàng Đức Cường, Tổng Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, tình trạng khô hạn, thiếu nước sẽ lan rộng ra các tỉnh Trung Bộ và có khả năng kéo dài đến tháng 8-9. Xâm nhập mặn sẽ lấn sâu vào vùng cửa sông, ven biển khu vực Trung Trung Bộ...

Trước thực trạng đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm. Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo đề nghị phải tập trung tăng cường trang thiết bị cơ sở vật chất, xây dựng lực lượng chuyên nghiệp làm công tác phòng, chống thiên tai; chủ động rà soát dân cư sống ven sông, suối, khu vực dễ bị sạt lở có nguy cơ mất an toàn; rà soát, kiểm tra, đánh giá xác định các vị trí, tuyến giao thông trọng điểm xung yếu về sạt lở, đặc biệt là đối với các tuyến đường đang thi công để có phương án ứng phó và bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng khắc phục khi có sự cố.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chia sẻ những khó khăn, gian khổ mà các địa phương, đặc biệt là người dân phải gánh chịu do tác động thiên tai trong thời gian vừa qua. Phó Thủ tướng đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia về tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ về việc ứng phó với thiên tai.

Tiến hành tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm cụ thể công tác phòng chống thiên tai thời gian vừa qua, từ đó xây dựng phương án cụ thể của những tháng còn lại sát với điều kiện cụ thể của từng Bộ, ngành, địa phương.

Đặc biệt, chú ý di dời các hộ dân khỏi các khu vực dễ xảy ra thiên tai bất thường, phức tạp như lũ quét, sạt lở đất. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động thông tin sớm và kịp thời đến với cơ quan chức năng để người dân biết, đề ra các giải pháp ứng phó.

Các Bộ, ngành phải tiếp tục theo dõi sát diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn, chủ động chỉ đạo và phối hợp với các địa phương triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn; tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị ở địa phương vào cuộc, đặc biệt là vai trò của người dân trong ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.

AN NHIÊN

;
.
.
.
.
.